Giá dầu thế giới tăng vọt sau đàm phán Nga - Ukraine thất bại
Sau khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không đạt được tiến triển, xăng dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh lên mức 114 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 22/3, giá dầu Brent đã tăng thêm thêm 3 USD, tương đương 2,63%, hiện được giao dịch ở ngưỡng 118,6 USD/thùng. Dầu WTI tăng 2,4 USD, tương đương 2,13%, lên mức 114 USD/thùng.
So với tuần trước, giá hai loại dầu đều tăng gần 19%. Song, đây không phải mức tăng cao khi giá năng lượng bắt đầu lao dốc mạnh từ ngày 9/3 và chạm đáy 97,4 USD/thùng đối với dầu Brent và 94,05 USD/thùng với WTI vào ngày 16/3.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu thế giới đã tăng gấp 2 lần. Ngoài dầu thô, giá các loại năng lượng khác chỉ tăng nhẹ và không biến động rõ rệt.
Theo giới phân tích, hai yếu tố chính thúc đẩy giá dầu là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Nga-Ukraine và tình hình khống chế dịch bệnh ở Trung Quốc.
Hôm 21/3, phái đoàn Nga-Ukraine có cuộc đàm phán dài 90 phút. Dù đã là cuộc đàm phán thứ 4, hai bên vẫn chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến chấm dứt xung đột.
Trong phân tích trước đó của ANZ Research, hai chuyên gia Brian Martin và Daniel Hynes cho rằng việc các cuộc thảo luận giữa Nga-Ukraine liên tục thất bại là lý do đẩy giá dầu lên cao.
"Việc ngành công nghiệp không có cách nào lấp đầy khoảng trống do nguồn cung dầu Nga để lại đã dấy lên những lời kêu gọi cắt giảm nhu cầu sử dụng dầu", các chuyên gia nhận định.
Điều đáng nói, theo ngân hàng Khối thịnh vượng chung Australia, nguyên nhân khiến giá dầu hạ nhiệt giai đoạn trước đó xuất phát từ việc thị trường định giá năng lượng với kịch bản sẽ có một giải pháp ngoại giao được đưa ra.
Do đó, sự thất bại trong đàm phán giữa Nga-Ukraine là "gáo nước lạnh" dội lên thị trường và buộc giá dầu quay trở lại đà tăng.
Xăng dầu có thể tăng vọt lên mức 300 USD/thùng?
Nhận định về thị trường xăng dầu trong thời gian, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết giá dầu có thể đạt 300 USD/thùng nếu dầu thô của Nga bị phương Tây từ chối, mặc dù ông Alexander Novak cho rằng kịch bản như vậy khó có thể xảy ra, theo thông tin từ hãng thông tấn TASS.
Các nguồn tin giao dịch cho biết một số người mua đã cảnh giác với việc nhập các thùng dầu của Nga để tránh vướng vào các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng châu Âu không thể tránh mua dầu và khí đốt của Nga lúc này, đồng thời nêu rõ, việc châu Âu kêu gọi ngừng mua là "cử chỉ chính trị" nhằm thu hút sự chú ý.
Ông Alexander Novak cho biết, Nga đang nỗ lực để duy trì khối lượng xuất khẩu dầu bằng cách giải quyết các vấn đề hậu cần và sẽ tiếp tục sản xuất dầu và khí đốt như trước khi bị trừng phạt.
Theo Reuters, Nga đã tăng sản lượng ngưng tụ dầu và khí đốt lên 11,11 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 - 20/3, từ mức sản lượng trung bình 11,06 triệu thùng/ngày được ghi nhận hồi tháng Hai vừa qua.
Hiện, Moscow đang xem xét cấm xuất khẩu uranium của Nga sang Hoa Kỳ để trả đũa các lệnh trừng phạt.
Hoa Kỳ phụ thuộc vào Nga và các đồng minh Kazakhstan và Uzbekistan, chiếm khoảng 50% lượng uranium được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy hạt nhân của nền kinh tế số 1 thế giới.
Hà Lan