Chủ nhật, 24/11/2024 12:30 (GMT+7)
Thứ tư, 12/06/2024 09:51 (GMT+7)

Giá gas hôm nay 12/6, cập nhật giá gas mới nhất trong nước và thế giới

Theo dõi KTMT trên

Giá gas mới nhất tại thế giới và trong nước hôm nay 12/6. Cập nhật giá gas thế giới, giá gas trong nước được cập nhật mới nhất.

Giá gas hôm nay 12/6, cập nhật giá gas mới nhất trong nước và thế giới - Ảnh 1

Giá gas thế giới 12/6

Tính đến sáng ngày 12/6 (giờ Việt Nam), giá gas thế giới giảm 1,27%, lên mức 3,111 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2024.

Việc châu Âu chuyển đổi khỏi các đường ống khí đốt của Nga sang khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã làm tăng chi phí năng lượng toàn cầu, bất chấp những tuyên bố của lục địa này về việc vượt qua sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga mà không có tác động tiêu cực.

Mùa Đông năm nay thế giới có thể chứng kiến giá khí đốt tăng cao do nhu cầu tăng và thời tiết không còn thuận lợi, trong khi tăng trưởng hoạt động công nghiệp bị cản trở bởi giá LNG đắt đỏ. Các quy định mới về phát thải khí methane của Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm giá LNG tăng cao hơn, khiến việc phục hồi công nghiệp và năng lượng với giá cả phải chăng ở châu Âu trở nên khó khăn hơn trong tương lai gần.

Khi EU gây sức ép cho Nga bằng các lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột ở Ukraine (U-crai-na) vào năm 2022, khí đốt đã trở thành tâm điểm chú ý, bởi Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của lục địa này. Vào thời điểm đó, tâm lý chủ đạo ở châu Âu là sự tự tin rằng ngay cả khi Nga "khóa" dòng chảy khí đốt, vẫn có rất nhiều lựa chọn thay thế.

Đúng là như vậy, nhưng những gì EU đã làm là thay thế một thứ phụ thuộc này (khí đốt của Nga) bằng một sự phụ thuộc khác: LNG. Và có rất nhiều sự cạnh tranh trong lĩnh vực LNG so với lĩnh vực khí đốt qua đường ống của Nga.

Việc châu Âu dừng nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga và chuyển sang nhập khẩu LNG xuyên Đại Tây Dương, họ đã phải trả giá. Nhiên liệu này liên tục tăng giá, và đó là lý do tại sao EU vẫn chưa dừng hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga, bao gồm cả LNG. Vấn đề là tuyến đường ống quá cảnh của Ukraine, dự kiến sẽ sớm bị đóng cửa do nước này cho biết sẽ không gia hạn thỏa thuận quá cảnh với tập đoàn dầu khí Gazprom, sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Một lần nữa, các nhà lãnh đạo châu Âu tự tin và lên tiếng khẳng định rằng châu Âu sẽ ổn nếu không có khí đốt của Nga. Điều họ một lần nữa bỏ qua là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào LNG sẽ khiến giá năng lượng trên lục địa này tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mà châu Âu đang rất cố gắng thúc đẩy cho các ngành công nghiệp của họ.

Dữ liệu tháng 5/2024 cho thấy, dòng khí đốt của Gazprom qua Ukraine đến châu Âu đã tăng đáng kể 39% so với một năm trước đó. Tuần trước, Reuters đưa tin kể từ đầu năm nay, "gã khổng lồ" năng lượng nhà nước Nga đã xuất khẩu khoảng 13 tỷ m3 khí tự nhiên sang châu Âu. Đây chỉ là một phần nhỏ so với những gì nước này xuất khẩu sang phương Tây, phần còn lại đã được thay thế bằng LNG. Đây là một vấn đề đối với châu Âu.

Ông Javier Blas, chuyên gia phân tích của Bloomberg, nhận định cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu "còn lâu mới kết thúc", đi ngược lại tất cả các tuyên bố chính thức kể từ mùa Đông năm 2022, khi cho rằng châu Âu đã giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trước khi nó kịp diễn ra. Mùa Đông năm đó, châu Âu gặp may với thời tiết ôn hòa một phần do hiện tượng thời tiết El Nino.

Ông Blas lưu ý, ảnh hưởng của El Nino đối với thời tiết sắp kết thúc và thời điểm La Nina mang đến thời tiết mát mẻ hơn đang đến gần. Điều này có nghĩa là mùa Đông ở Bắc bán cầu sẽ trở nên lạnh hơn và kéo theo nhu cầu khí đốt lớn hơn. Và điều này cuối cùng có nghĩa là giá năng lượng sẽ đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng châu Âu.

Theo ông Blas, mùa Đông năm 2024-2025 có thể sẽ là mùa Đông cuối cùng với nguồn cung LNG hạn chế. Bắt đầu từ năm 2025, nguồn cung LNG mới sẽ đến từ Qatar (Ca-ta) và Mỹ, làm giảm bớt áp lực về nhu cầu. Tuy nhiên, điều sẽ không xảy ra là giá sẽ ngang bằng với giá khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Tháng trước, EU đã thông qua một đạo luật mới đặt ra giới hạn về lượng khí thải methane đối với khí tự nhiên nhập khẩu vào khối. Điều này có nghĩa là các nhà xuất khẩu sang châu Âu sẽ cần đầu tư vào việc giảm lượng khí thải methane một cách nghiêm túc và sản phẩm cuối cùng sẽ đắt hơn. Như vậy, mùa Đông 2024-2025 khó có thể là mùa Đông khó khăn cuối cùng đối với người châu Âu. Đây có thể là mùa Đông khắc nghiệt thứ ba trong nhiều mùa Đông nhiều khó khăn của châu Âu.

Giá gas trong nước 12/6

Bắt đầu từ ngày 1/6, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm khoảng 3.500 đồng/bình với loại bình 12kg.

Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 445.400 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.781.500 đồng/bình công nghiệp 48kg , lần lượt giảm 3.400 đồng/bình 12kg và 13.700 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).

Theo ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh doanh Gas dân dụng và Thương mại - Tổng Công ty Gas Petrolimex, nguyên nhân giảm giá lần này do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 572,5 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng 5 nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.

Ở miền Nam, Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam (Gas South) cho biết giá gas bán lẻ các nhãn hiệu của công ty bao gồm: Gas Dầu Khí, VT - Gas, A Gas, Đăk Gas, JP Gas, Đặng Phước Gas giảm 3.000 đồng/bình 12kg và 11.250 đồng/bình 45kg. Giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng sẽ không vượt quá 458.900 đồng/bình 12kg và 1.722.331 đồng/bình 45kg (đã bao gồm VAT).

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần tăng và 3 lần giảm giá.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Giá gas hôm nay 12/6, cập nhật giá gas mới nhất trong nước và thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia tăng trưởng cao
Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 3,81 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng tới 131,2%, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện…

Tin mới