Giá xăng dầu hôm nay 7/1: Bật tăng mạnh, tiến sát ngưỡng 82 USD/thùng
Giá dầu thô ngày 7/1 tiếp đà tăng mạnh trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận nhiều dữ liệu không mấy lạc quan. Trong đó, do tình hình bất ổn leo thang tại Kazakhstan - nhà sản xuất dầu thuộc nhóm OPEC + và tình trạng “gián đoạn” nguồn cung ở Libya.
Ghi nhận đầu giờ sáng nay 7/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 79,54 USD/thùng, tăng 0,08 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 6/1/2022, giá dầu WTI giao tháng 2/2022 đã tăng tới 2,24 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 81,95 USD/thùng, giảm 0,04 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 1,82 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 6/1.
Giá dầu ngày 7/1 tiếp đà tăng mạnh trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận nhiều dữ liệu không mấy lạc quan. Cụ thể do tình hình bất ổn leo thang tại Kazakhstan - nhà sản xuất dầu thuộc nhóm OPEC + và tình trạng “gián đoạn” nguồn cung ở Libya.
Sản lượng dầu tại Libya hiện được ghi nhận ở mức 729.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều mức sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm 2021 do nhiều khu vực sản xuất của nước này đang tiến hành bảo trì, đóng cửa mỏ dầu. Bên cạnh đó, giá đã liên tục tăng kể từ đầu năm nay bất chấp OPEC + tiếp tục chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày vào tháng 2 và dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng.
Về phía cung , bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron và nhiều nền kinh tế đang áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, OPEC+ vẫn duy trì kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong tháng 2/2022.
Về phía cầu, báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, lượng tồn kho xăng của Mỹ trong tuần trước đã tăng tới 10 triệu thùng do nhu cầu suy giảm vì diễn biến của dịch Covid-19.
Giới phân tích cho rằng, giá dầu hôm nay tăng chủ yếu do vấn đề tâm lý của giới đầu tư khi nhiều nhà đầu tư đặt cược vào triển vọng phục hồi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong năm 2022 khi biến thể Omicron được nhận định không nguy hiểm như các dự báo, trong khi nhiều ý kiến cho rằng sự xuất hiện của biến thể này sẽ là dấu chấm hết cho đại dịch Covid-19.
Ở diễn biến mới nhất, JP Morgan đã dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 88 USD/thùng trong năm nay, tăng hơn rất nhiều so với mức 70 USD/thùng của năm 2021.
JP Morgan đồng thời cũng cho biết thị trường dầu thô đang bị thiếu hụt và cần thêm nguồn cung từ OPEC+ bất chấp sự lây lan của biến thể Omicron, lượng dự trữ thấp và khả năng thị trường dễ bị tổn thương hơn bởi khả năng gián đoạn các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Giá xăng dầu trong nước
Giá xăng dầu trong nước hôm nay được áp dụng mức bán tại kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 25/12, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 468 đồng/lít, RON 95 tăng 494 đồng/lít; dầu hỏa tăng 196 đồng/lít, dầu diesel tăng 245 đồng/lít; dầu mazut giữ nguyên so với giá hiện hành.
Như vậy, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 không quá 22.550 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 23.295 đồng/lít; Dầu diesel không quá 17.579 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 16.518 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.740 đồng/kg.
Đây là đợt tăng giá xăng dầu trong nước cuối cùng trong năm, sau 2 lần giảm giá liên tiếp. Tính hết năm, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng tới 18 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần.
Lan Anh (T/h)