Chủ nhật, 24/11/2024 09:56 (GMT+7)
Thứ năm, 19/05/2022 13:00 (GMT+7)

Giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị bằng “ĐTM giao thông”

Theo dõi KTMT trên

Để giải quyết bài toán giao thông đô thị trên địa bàn, Sở GTVT TP. HCM đã có đề xuất với UBND TP. HCM về việc thực hiện “ĐTM giao thông”đối với các dự án đầu tư công trình xây dựng.

“ĐTM giao thông” là cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư dự án

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi vừa giao cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) hướng dẫn thực hiện việc đánh giá tác động giao thông đối với các dự án đầu tư công trình xây dựng kết nối vào hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP. HCM, việc đánh giá tác động giao thông “ĐTM giao thông” chỉ thực hiện đối với các dự án mới, còn các dự án đã làm rồi thì không thực hiện. 

Sở GTVT TP. HCM cho rằng, kết quả “ĐTM giao thông" sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và số liệu cũng được cập nhật chung vào số liệu của Thành phố để làm cơ sở nhằm phân tích và đưa ra các giải pháp điều hành giao thông, phát triển đô thị cũng như việc đầu tư mới các công trình giao thông trong khu vực. 

Giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị bằng “ĐTM giao thông” - Ảnh 1
Thực hiện "ĐTM giao thông" sẽ giải bài toán ùn tắc giao thông tại TP. HCM

Bên cạnh đó, việc thực hiện “ĐTM giao thông” của Chủ đầu tư các dự án đầu tư công trình xây dựng cũng là cơ sở để xác định đề xuất quy mô dự án và quá trình tổ chức thực hiện (đầu tư một lần hay phân kỳ đầu tư) nhằm phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, tương lai.

Ông Phan Công Bằng -  Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM khẳng định, đối với các trường hợp “ĐTM giao thông” không đạt ngay tại thời điểm khi dự án đưa vào hoạt động và tương lai thì dự án không đủ yêu cầu chấp thuận chủ trương đầu tư. 

“Trường hợp không đạt khi dự án đi vào hoạt động và đạt trong giai đoạn tương lai thì có thể xem xét giảm quy mô đầu tư hoặc phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn. Trường hợp đạt trong thời điểm đưa vào hoạt động nhưng không đạt trong giai đoạn tương lai thì phân kỳ đầu tư dự án theo từng giai đoạn”, ông Phan Công Bằng cho biết.

Theo Sở GTVT TP. HCM, việc thực hiện “ĐTM giao thông” trên địa bàn TP. HCM sẽ được chia theo từng khu vực. Cụ thể, đối với các dự án trong khu vực nội thành như TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú được đánh giá trong phạm vi 0,5km. Còn các dự án tại khu vực huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ được đánh giá trong phạm vi 0,3km.

Thực hiện “ĐTM giao thông” như thế nào?

Liên quan đến thời điểm, phương thức đánh giá “ĐTM giao thông”, đại diện Sở GTVT TP. HCM cho biết, nhà đầu tư dự án sẽ phải thực hiện “ĐTM giao thông” ngay giai đoạn xin chủ trương đầu tư dự án để xác định quy mô đầu tư của dự án.

Theo đó, nhà đầu tư có thể tự tổ chức lập báo cáo đánh giá “ĐTM giao thông” hoặc thuê đơn vị tư vấn bằng nguồn kinh phí của nhà đầu tư. Cùng với đó, nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và chất lượng báo cáo do mình thực hiện.

“Khi tiến hành đề xuất dự án, nhà đầu tư đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động của công trình đến hệ thống hạ tầng giao thông. Nhà đầu tư cũng có thể đề xuất hoặc đóng góp kinh phí để cải tạo nút giao thông, xây dựng công trình giao thông khác mức, làm thêm bến xe buýt, trạm dừng, cải tạo không gian đi bộ... trước dự án của mình”, đại diện Sở GTVT cho biết.

Giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị bằng “ĐTM giao thông” - Ảnh 2
Cần thiết phải thực hiện "ĐTM giao thông" đối với các dự án công trình xây dựng.

Theo UBND TP. HCM, để “ĐTM giao thông” được thực hiện đồng bộ, hiệu quả thì Sở GTVT sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện việc thiết kế phương án kết nối, đánh giá tác động giao thông của dự án. Điều này sẽ giúp đảm bảo phù hợp với hạ tầng giao thông tại khu vực, tránh gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh dự án.

Sau khi tiếp nhận được đề xuất đánh giá “ĐTM giao thông” của nhà đầu tư, Sở GTVT sẽ kiểm tra độ tin cậy, sự phù hợp và có ý kiến chuyên ngành hồ sơ thiết kế phương án kết nối, đánh giá tác động giao thông và phản hồi bằng văn bản về cơ quan đầu mối thẩm định dự án. 

Đồng thời, dựa trên “ĐTM giao thông” của nhà đầu tư, Sở GTVT sẽ cập nhật dữ liệu khảo sát, tính toán đánh giá tác động giao thông vào phần mềm quản lý và khai thác mô hình mô phỏng dự báo giao thông của thành phố.

Sau đó, Sở GTVT sẽ tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và nghiên cứu, để xuất giải quyết, báo cáo về UBND TP. HCM xem xét, quyết định.

Cũng theo UBND TP. HCM, TP Thủ Đức, các quận huyện sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn, phối hợp với các sở ngành thành phố hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án và xây dựng công trình xã hội, các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án.

Nhận định về tầm quan trọng của “ĐTM giao thông”, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho rằng, sẽ là quá muộn nếu không thực hiện đánh giá tác động giao thông. Bởi, khi tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thì rất khó khắc phục và tốn kém chi phí hơn rất nhiều.

Theo Sở GTVT TP. HCM nhận định, hiện nay Việt Nam chưa có quy định nào về đánh giá tác động giao thông. Do đó, để thực hiện được “ĐTM giao thông” đối với các dự án trên địa bàn thành phố, Sở GTVT TP. HCM đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các nước khác và khảo sát, đánh giá từng công trình cụ thể.

Bên cạnh đó, việc thực hiện “ĐTM giao thông” cũng cần phải đối chiếu phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định hiện hành để có cơ sở xây dựng hướng dẫn. Sau khi hướng dẫn đã được hoàn chỉnh lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, các sở ngành liên quan trước khi hoàn thiện trình UBND TP. HCM.

Sở GTVT cũng cho rằng, “ĐTM giao thông” cần được nghiên cứu, đánh giá đưa vào các hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để việc thực hiện được nhân rộng và đạt hiệu quả cao hơn trong đó quy định rõ trình tự thực hiện, tiêu chí thực hiện, đơn vị lập, chịu trách nhiệm.

“Hiện thành phố đang tập trung đầu tư hoàn thiện các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc. Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết hợp với đánh giá tác động giao thông sẽ xây dựng được các cơ chế chính sách để phát triển các khu đô thị vệ tinh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (kể cả đường sắt đô thị) đảm bảo hoàn chỉnh các hướng kết nối”, đại diện Sở GTVT nhận định.

Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch - kiến trúc TP. HCM, cho biết, điểm đầu tiên chủ đầu tư các công trình xây dựng trong đô thị buộc phải làm là tuân thủ quy hoạch đô thị, bao gồm: quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành (giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác...). Trong các đồ án quy hoạch thì một phần nào cũng đã cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến các yếu tố xung quanh.

KTS Thụ cũng cho biết, đối với đánh giá tác động môi trường, hầu như cơ sở nào cũng có phát thải (khói, nước thải, bụi...) và phải đưa ra phương án xử lý. Trong lĩnh vực giao thông nếu có tác động tiêu cực thì cũng cần đưa ra giải pháp xử lý.

"ĐTM giao thông là một hướng phù hợp vì trong đô thị của chúng ta hiện nay có rất nhiều vấn đề chồng lớp lên nhau, quan hệ phức tạp. Chẳng hạn như hiện có nhiều vị trí giao lộ lớn mở trường học, nhà hàng tiệc cưới gây tắc nghẽn giờ cao điểm nhưng không có phương án xử lý", ông Thụ nhận định.

Bên cạnh đó, Phó Chánh văn phòng Sơ Quy hoạch – Kiến trúc cũng cho rằng, các tiêu chuẩn, tiêu chí của “ĐTM giao thông” cần phải được ban hành thành quy định, công khai cho người dân, nhà đầu tư được biết. Trước khi bắt đầu dự án thì họ có thể tham chiếu được, tránh việc mua bán đất đai xong rồi lại không được xây dựng dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại... Đồng thời, cần tránh phát sinh thủ tục hành chính rườm rà. Việc đánh giá phải công khai minh bạch, không làm khó doanh nghiệp. 

Thư Anh t/h

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị bằng “ĐTM giao thông”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới