Giải mã nguyên nhân khiến lợi nhuận doanh nghiệp điện giảm mạnh
Ảnh hưởng bởi tác động của thời tiết và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là nguyên nhân khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp điện giảm mạnh.
Nhiệt điện đối mặt với áp lực giá đầu vào tăng, trong khi giá bán điện thấp
Báo cáo tình hình kinh doanh quý II của nhóm doanh nghiệp điện cho thấy, kết quả kém khả quan. Theo thống kê trong 11 công ty đầu tiên công bố báo cáo tài chính, có 9 đơn vị báo lãi giảm, 1 đơn vị thua lỗ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (MCK: HND), mặc dù doanh thu đạt mức 3.452 tỷ đồng, tăng 3%, nhờ sản lượng điện cao hơn so với cùng kỳ. Nhưng tốc độ tăng của doanh thu chậm hơn giá vốn vẫn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này giảm 17% xuống 322 tỷ đồng.
Sau khi nỗ lực cắt giảm nhiều chi phí, nhưng lãi sau thuế của Nhiệt điện Hải Phòng vẫn giảm 17% so với quý II/2023 xuống 276 tỷ đồng.
Một công ty khác là CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (MCK: QTP) cũng báo cáo kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, trong quý II, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt mức 3.628 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 29% về 211 tỷ đồng do sản lượng điện bán và giá thị trường giảm. Cùng với đó là giá nhiên liệu than đầu vào có xu hướng tăng so với cùng kỳ.
Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý II của Nhiệt điện Quảng Ninh giảm 35% xuống 160 tỷ đồng.
Dù có doanh thu tăng cao, đạt mức 2.469 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (MCK: PPC) giảm tận 42% xuống mức 94 tỷ đồng. Nguyên nhận là, trong kỳ này, doanh thu tài chính của công ty giảm 82% xuống gần 19 tỷ đồng do khoản cổ tức từ các đơn vị mà công ty góp vốn thấp hơn quý II/2023.
Một công ty nhiệt điện khác là CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (MCK: BTP) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc, khi doanh thu trong kỳ giảm tới 76%, chỉ đạt 155 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng giảm 89% so với cùng kỳ, đạt 3 tỷ đồng.
Theo công ty, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh lao dốc là do nhu cầu phụ tải hệ thống, các tổ máy của công ty ít được huy động và chạy phát điện với mức tải thấp nên suất hao cao. Điều này dẫn đến việc sản lượng điện trong quý II bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của các nhà máy nhiệt điện đã đi ngược lại dự báo của nhiều công ty chứng khoán như về kỳ vọng nhóm này sẽ có kết quả kinh doanh quý II tốt nhờ hưởng lợi từ mùa cao điểm nắng nóng và hiện tượng El Nino chưa kết thúc khiến sản lượng từ thủy điện vẫn ở mức thấp.
Áp lực giá nguyên liệu đầu vào (nguồn than) tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này bị bào mòn, trong khi giá bán điện cho EVN là theo giá hợp đồng đã được ấn định từ trước. Còn riêng đối với Nhiệt điện Phả Lại, sự sụt giảm còn đến từ hụt thu cổ tức từ các đơn vị góp vốn.
Hiện tại, nguồn than đầu vào để sản xuất điện do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp theo hợp đồng.
Thuỷ điện ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết
Về phía nhóm doanh nghiệp thuỷ điện, bức tranh tài chính của nhóm này cũng không khá hơn nhiệt điện là bao nhiêu, thậm chí có doanh nghiệp còn báo lỗ.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của CTCP Đầu tư Điện lực 3 (MCK: PIC) giảm 75%, CTCP Thuỷ điện A Vương (MCK: AVC) giảm 82%, CTCP thủy điện Nước Trong (MCK: NTH) giảm 19%, CTCP Sông Ba (MCK: SBA) giảm 6%, CTCP Thủy điện Sông Vàng (MCK: SVH) giảm 50%.
Thậm chí, CTCP Thủy điện Sê San 4A (MCK: S4A) phải ngậm ngùi báo lỗ trong quý II gần 2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 18 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc sản lượng điện bán ra của công ty giảm mạnh do thời tiết khô hạn.
Trường hợp hiếm hoi báo kinh doanh có lãi là CTCP Đầu tư Phát triển Bắc Minh (MCK: SBM) với doanh thu thuần đạt hơn 64 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 35 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.
Theo giải trình của công ty, kết quả kinh doanh khả quan như vậy đến từ yếu tố thời tiết. Cụ thể, lượng mưa trong quý II năm nay cao hơn cùng kỳ, giúp sản lượng điện gia tăng.
Bắc Minh hiện có 5 nhà máy thủy điện gồm Tà Cọ, Suối Sập, Nậm Công 3, Thoong Gót, Nà Tẩu, cung cấp điện cho các tỉnh Sơn La và Cao Bằng.
EVN lỗ 13.000 tỷ đồng
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức ngày 16/7, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiết lộ, EVN lỗ 13.000 tỷ đồng sau 6 tháng.
Theo ông Tuấn, đây là con số từ báo cáo sơ kết và số chính thức được công bố vào cuối năm khi có kiểm toán. Trong 6 tháng cuối năm, ông Tuấn kỳ vọng sẽ giảm thiểu số lỗ nêu trên về còn khoảng 10.000 tỷ đồng vì vận hành được thủy điện, giảm chi phí mua điện.
“Sau 2 năm lỗ liên tiếp, 6 tháng đầu năm nay lỗ 13.000 tỷ đồng. Cuối năm nay, lợi nhuận sẽ dương, rút giảm số lỗ xuống, nhưng vẫn sẽ lỗ”, lãnh đạo EVN thông tin.
Trước đó, EVN có công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 với doanh thu thuần 500.720 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022 và lỗ ròng lên kỷ lục đạt 26.772 tỷ đồng, tăng 29% so với mức lỗ 20.747 tỷ đồng năm 2022. Từ đó, khoản lỗ lũy kế ở thời điểm ngày 31/12/2023 đạt 41.824 tỷ đồng.
Đề cập đến kết quả trên, ông Tuấn nói: “82% chi phí giá thành EVN là chi phí mua điện, giá thành mua điện năm nay tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng. Còn lại, 18% để tối ưu hóa hệ thống của EVN. Nhưng với 18% này, kể cả tiết kiệm, tối ưu cũng không có cách gì để bù đắp được các chi phí“.
Theo EVN, các nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện như giá nhiên liệu vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.
Ước tính, đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của EVN có thể lên 54.824 tỷ đồng dựa theo con số lãnh đạo Tập đoàn này cung cấp.
H.A