Chủ nhật, 24/11/2024 09:39 (GMT+7)
Thứ tư, 06/10/2021 09:42 (GMT+7)

Giải Nobel Vật lý 2021 vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Giải Nobel Vật lý năm 2021 đã được trao cho 3 nhà khoa học là Syukuro Manabe, Klaus Hasselmann và Giorgio Parisi vì những đóng góp đột phá vào trong việc dự đoán biến đổi khí hậu và sự hiểu biết của con người đối với các hệ thống vật lý phức tạp.

Vào hồi 16h45 ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Vật lý năm 2021. 

Đây là giải thưởng thứ hai được công bố trong mùa giải Nobel năm 2021 và là giải Nobel Vật lý thứ 115 được trao kể từ năm 1901.

Trước đó, vào chiều 4/10, Ủy ban Nobel thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) đã trao giải thưởng về Y sinh cho hai nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian "vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác".

Với giải Nobel Vật lý năm nay, theo Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Goran Hansson, một nửa giải thưởng được trao cho 2 nhà khoa học Syukuro Manabe (sinh tại Nhật Bản và hiện có quốc tịch Mỹ, 90 tuổi) và Klaus Hasselmann (người Đức, 89 tuổi) nhờ nghiên cứu lập mô hình vật lý về khí hậu trái đất, định lượng sự thay đổi và dự đoán đáng tin cậy về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hai nhà khoa học này được cho là đã đặt nền tảng kiến thức của con người về khí hậu trái đất và con người ảnh hưởng đến nó ra sao.

Giải Nobel Vật lý 2021 vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Giải Nobel Vật lý năm 2021 được công bố tại thủ đô Stockholm - Thụy Điển Ảnh: Reuters

Từ những năm 1960, ông Manabe đã chứng minh sự gia tăng của CO2 trong khí quyển khiến nhiệt độ trên bề mặt trái đất tăng lên như thế nào. Nghiên cứu này đã đặt nền móng cho sự ra đời của các mô hình khí hậu hiện nay. Khoảng một thập kỷ sau đó, ông Hasselmann tạo ra một mô hình liên kết thời tiết và khí hậu, giúp giải thích lý do các mô hình khí hậu có thể đáng tin cậy dù thời tiết dường như có bản chất hỗn loạn. Ông Hasselmann cũng phát triển phương thức tìm kiếm các dấu hiệu cụ thể về tác động của con người đối với khí hậu.

Đánh giá về nghiên cứu của Manabe, nhà khoa học khí hậu Zeke Hausfather thuộc Viện Breakthrough khẳng định các mô hình của Manabe từ 50 năm trước đã dự đoán chính xác sự ấm lên thực sự xảy ra trong những thập kỷ tiếp theo. Công việc của Manabe như một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta rằng chúng ta nên xem xét những dự đoán của họ về một tương lai ấm hơn nhiều nếu chúng ta tiếp tục thải carbon dioxide một cách nghiêm trọng.

Tiếp nối Manabe sau một thập kỷ, Hasselmann đã “tạo ra một mô hình liên kết thời tiết và khí hậu với nhau”, giúp trả lời câu hỏi tại sao các mô hình khí hậu có thể đáng tin cậy mặc dù thời tiết luôn thay đổi và hỗn loạn. Ông cũng phát triển các phương pháp xác định các tín hiệu cụ thể mà cả các hiện tượng tự nhiên và hoạt động của con người đều in dấu trong khí hậu. Các phương pháp của ông đã được sử dụng để chứng minh rằng nhiệt độ tăng lên trong khí quyển là do con người thải ra khí cacbonic.

Nhà khoa học Giorgio Parisi (người Ý, 73 tuổi) nhận một nửa còn lại của giải thưởng với thành tựu "khám phá tác động qua lại của sự rối loạn và dao động trong các hệ thống vật lý từ quy mô nguyên tử đến hành tinh".

 Theo hãng tin AP, ông Parisi đã xây dựng một mô hình toán học và vật lý chi tiết, giúp hiểu rõ các hệ thống phức tạp trong những lĩnh vực khác nhau như toán học, sinh học, khoa học thần kinh và học máy. 

Những khám phá của Parisi vào khoảng năm 1980 phát hiện ra các cấu trúc ẩn trong các vật liệu phức tạp bị xáo trộn. Đó là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho lý thuyết về hệ thống phức tạp. Chúng giúp chúng ta có thể hiểu và mô tả nhiều vật liệu và hiện tượng khác nhau và dường như hoàn toàn ngẫu nhiên, không chỉ trong vật lý mà còn trong các lĩnh vực khác, rất khác nhau, chẳng hạn như toán học, sinh học, khoa học thần kinh và học máy.

Quyết định của Ủy ban giải thưởng đối với các công trình tiên phong về biến đổi khí hậu được đưa ra chưa đầy bốn tuần trước khi các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao về biến đổi khí hậu tại COP26 – hội nghị thượng đỉnh quan trọng ở Glasgow, Scotland. 

Trong khi Parisi thừa nhận tính kịp thời của giải thưởng trong việc thúc giục toàn cầu hành động nhanh trước sự nóng lên toàn cầu thì Hasselmann cho rằng “thà không có hiện tượng nóng lên toàn cầu và không có giải Nobel”. 

Riêng Manabe thì nhấn mạnh việc tìm ra quy luật vật lý đằng sau sự thay đổi khí hậu dễ ​​hơn “1.000 lần” so với việc khiến thế giới phải làm gì đó với nó. Ông cho biết sự phức tạp của chính sách và xã hội khó hiểu hơn nhiều so với sự phức tạp của carbon dioxide tương tác với khí quyển, sau đó làm thay đổi các điều kiện trong đại dương và trên đất liền trước khi làm thay đổi không khí một lần nữa theo một chu kỳ không đổi. Ông gọi biến đổi khí hậu là “một cuộc khủng hoảng lớn”.

Có thể nói cả ba nhà vật lý đều sử dụng toán học phức tạp để giải thích và dự đoán những gì có vẻ giống như các lực hỗn loạn của tự nhiên. Đó được gọi là mô hình hóa.

Năm 2007, khi các nhà khoa học khí hậu thuộc Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đoạt giải Nobel Hòa bình, một số người phủ nhận sự nóng lên toàn cầu đã bác bỏ đây là một động thái chính trị. 

Tuy nhiên, với việc vinh danh Giải thưởng vật lý năm nay, các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển thêm một lần nữa muốn nhấn mạnh rằng đây một giải thưởng khoa học và tất cả những cảnh báo về sự nóng lên toàn cầu đều dựa trên bằng chứng khoa học.

Giải Nobel Vật lý 2021 vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Giải Nobel Vật lý 2020 cũng vinh danh 3 nhà khoa học với các phát hiện liên quan tới hố đen vũ trụ.

Vào năm ngoái ( năm 2020), giải Nobel Vật lý cũng vinh danh 3 nhà khoa học: Roger Penrose (SN 1931, Anh), Reinhard Genzel (SN 1952, Đức) và Andrea Ghez (SN 1965, Mỹ) với các phát hiện liên quan đến hố đen, một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất vũ trụ.

Linh Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Giải Nobel Vật lý 2021 vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới