Chủ nhật, 24/11/2024 04:24 (GMT+7)
Thứ tư, 18/05/2022 06:07 (GMT+7)

Giải pháp vận hành linh hoạt các hồ chứa trên các lưu vực sông

Theo dõi KTMT trên

Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tạm thời (từ nay đến hết tháng 10/2022) chế độ vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng (trong điều kiện bình thường) theo hướng tiết kiệm nguồn nước, linh hoạt.

Điều chỉnh chế độ vận hành linh hoạt các hồ chứa

Bộ TN&MT vừa có Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất giải pháp vận hành linh hoạt các hồ chứa trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông các tháng cuối năm 2022.

Theo đó, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tạm thời (từ nay đến hết tháng 10/2022) chế độ vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng (trong điều kiện bình thường) theo hướng tiết kiệm nguồn nước, linh hoạt.

Cụ thể, đối với khu vực miền Bắc (trên lưu vực sông Hồng), cho phép hồ thủy điện Hòa Bình vận hành linh hoạt, ngừng huy động (phát điện) trong những chu kỳ thấp điểm của phụ tải (từ 21 giờ đến 6 sáng hàng ngày và ngày Chủ nhật), tập trung phát điện chạy máy cao vào các giờ ban ngày để cấp nước cho nhân dân (đặc biệt là cấp nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà) cũng như hệ thống điện.

Giải pháp vận hành linh hoạt các hồ chứa trên các lưu vực sông - Ảnh 1
Bộ TN&MT kiến nghị điều chỉnh tạm thời chế độ vận hành các hồ chứa lớn quan trọng theo hướng tiết kiệm nguồn nước, linh hoạt. (Ảnh minh họa)

Đối với khu vực miền Trung và miền Nam, cho phép các hồ thủy điện vận hành đáp ứng lưu lượng và thời gian chạy máy theo hướng linh hoạt, không vận hành phát điện vào các giờ huy động điện mặt trời cao (từ 9 giờ sáng đến 14 giờ chiều), huy động vận hành các hồ phát điện trong những khoảng thời gian còn lại trong ngày để bảo đảm cấp nước hạ du và nhu cầu hệ thống điện.

Trong dịp lễ, cuối tuần, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, yêu cầu của từng địa phương, hiện trạng nguồn nước trên lưu vực và từng hồ chứa, có thể giảm trữ lượng cấp nước nhưng tối đa không quá 50%.

Theo Bộ TN&MT, hiện nay, các hồ chứa trên 11 lưu vực sông đang vận hành trong thời kỳ mùa cạn và về cơ bản, phần lớn mực nước các hồ chứa lớn đều đang cao hơn mực nước tối thiểu quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa. Tổng dung tích các hồ có thể điều tiết cấp nước đến cuối mùa cạn năm 2022 là khoảng 23,8 tỷ m3, trong đó, riêng các hồ khu vực miền Bắc (lưu vực sông Hồng) là 13,8 tỷ m3.

Tuy nhiên, theo dự báo khí tượng, thủy văn trong các tháng còn lại của mùa cạn năm 2022, về tổng thể, lượng mưa cũng như lượng dòng chảy ở các lưu vực sông thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-40% tùy từng vùng.

Trong khi đó, riêng khu vực Bắc Bộ, lượng dòng chảy các sông thiếu hụt từ 10-20%, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 10- 40%, một số sông thiếu hụt trên 40% so với trung bình nhiều năm (trừ các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và khu vực Nam Tây Nguyên cao hơn TBNN cùng kỳ từ 20-30%).

Đảm bảo an ninh năng lượng và cấp nước cho sản xuất

Theo đại diện Bộ Công Thương, khu vực miền Trung địa hình dốc, mỏng, không có hồ lớn như Sơn La, Hòa Bình ở khu vực phía Bắc. Ở vùng này chủ yếu là các hồ nhỏ, đập tràn, khi nước về tràn tự do. Một số hồ lớn thì có dung tích phòng lũ như hồ Quảng Trị 30 triệu m3; hồ Bình Điền 150 triệu m3. Các hồ này đều phải duy trì một lượng nước nhất định để đề phòng lũ thượng nguồn về, đảm bảo làm sao chậm lũ về hạ du.

Do đó, Bộ TN&MT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện bảo đảm hài hòa giữa việc đáp ứng an ninh năng lượng và cấp nước cho hoạt động sản xuất và dân sinh ở hạ du.

Đối với Bộ Công Thương: Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cơ quan chức năng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan thống nhất phương án điều chỉnh việc vận hành của từng hồ chứa trong 11 quy trình vận hành liên hồ theo hướng linh hoạt, vừa đảm bảo cấp nước hạ du vừa không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt từng địa phương.

Đối với Bộ TN&MT: Tổ chức theo dõi, giám sát việc vận hành các hồ chứa và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Trong thời gian tới, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa trên những lưu vực sông theo hướng linh hoạt, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, hài hòa giữa yêu cầu đáp ứng hệ thống điện vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống lũ và cấp nước cho hạ du các lưu vực sông.

Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, cơ quan liên quan trong phạm vi cấp tỉnh quản lý lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với phương án vận hành linh hoạt của các hồ chứa phía thượng lưu; chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh quản lý thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của hồ chứa; đồng thời cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước phù hợp với thực trạng nguồn nước trong thời gian tới.

Đối với các đơn vị quản lý vận hành hồ: Trên cơ sở điều chỉnh kế hoạch vận hành hồ chứa của Bộ Công Thương, lập kế hoạch vận hành điều tiết nước cho phù hợp, giảm thiểu tối đa tác động đến nguồn nước và việc khai thác, sử dụng nước ở hạ du, đặc biệt là các công trình cấp nước sinh hoạt.

Vì sao phải vận hành liên hồ chứa?

Trao đổi với báo chí, Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài cho rằng, trong một hệ thống sông có thể có nhiều hồ chứa, khi vận hành liên hồ chứa nó sẽ ảnh hưởng đến nước hồ chứa khác. Vận hành xả lũ hồ Sơn La sẽ ảnh hưởng, tác động đến hồ Hòa Bình. Nó liên hoàn, tác động trực tiếp với nhau.

Do đó, khi vận hành liên hồ chứa đòi hỏi sự thận trọng, chính xác, linh hoạt. Lấy ví dụ năm 2017, lưu vực lòng hồ Hòa Bình mưa rất lớn, mực nước trong hồ lại đang rất cao trong khi đó hồ Sơn La cũng đang ở mức cao nhưng vẫn còn dung tích tích nước. Do vậy, chúng tôi đã quyết định đóng toàn bộ hồ Sơn La để giảm tải cho hồ Hòa Bình. Nếu không hiểu biết và nắm sâu số liệu thì chúng ta không thể đưa ra quyết định như vậy.

Việc vận hành liên hồ chứa rất phức tạp. Ở Việt Nam hiện có 11 liên hồ chứa, có những lưu vực sông Hồng sông Thái Bình có những hồ chứa rất lớn, tầm cỡ của Thế giới: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang. Tổng dung tích cắt lũ ở các hồ này lên tới 8,5 tỷ m3. Lưu vực Sài Gòn - Đồng Nai có tới 30 hồ. Nếu vận hành không chính xác thì sẽ gây ra hiệu ứng domino. Trên thế giới đã từng xảy ra tình trạng hồ trên vỡ gây vỡ tiếp các hồ phía dưới gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp vận hành linh hoạt các hồ chứa trên các lưu vực sông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới