Giải trình về các dự án thiết chế văn hóa thể thao chậm triển khai ở Hà Nội
Thực tiễn triển khai các dự án cho thấy, công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP.Hà Nội còn tồn tại nhiều bất cập, chưa hiệu quả, có trường hợp sử dụng sai mục đích…
Nhiều hạn chế được chỉ rõ
Vừa qua (ngày 25/4), Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố.
Tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố còn tồn tại khó khăn, hạn chế như:
Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; nhiều thiết chế chưa đạt chuẩn, xuống cấp, trang thiết bị chưa đồng bộ; một số dự án công viên, khu vui chơi giải trí, bảo tàng, trung tâm văn hóa còn chậm tiến độ.
Công tác quản lý, khai thác một số thiết chế văn hóa còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả, có trường hợp sử dụng sai mục đích; Còn thiếu các văn bản hướng dẫn quy chế, quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, dẫn đến tình trạng quản lý và khai thác gặp nhiều vướng mắc, lúng túng, chưa có sự thống nhất...
Từ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm đã được chỉ ra trong phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có các giải pháp hết sức khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sau phiên họp giải trình này, Thường trực HĐND Thành phố sẽ ban hành Thông báo kết luận làm cơ sở để tổ chức triển khai và giám sát kết quả thực hiện.
Bảo tàng Hà Nội với số vốn hàng nghìn tỷ đồng, trải qua hơn chục năm đầu tư đến nay vẫn dở dang, chưa hẹn ngày về đích; Công viên Văn hoá Đống Đa qua 2 thập niên, đến nay vẫn gặp khó khăn lớn về giải phóng mặt bằng, đang rà soát lại quy hoạch để triển khai.
Sở, ngành nhận trách nhiệm
Tại phiên giải trình, đại biểu HĐND Thành phố Vũ Ngọc Anh đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Vă hóa và Thể thao (VH&TT) về Bảo tàng Hà Nội. Ông Anh cho rằng, giai đoạn một dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010. Giai đoạn hai gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, tuy nhiên đến nay chưa hoàn thành.
Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng trả lời, dự án Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng kinh phí trên 2.300 tỷ đồng.
Đơn vị đã rà soát lại dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp. Ngoài hiện vật của Hà Nội đã sưu tầm, trang thiết bị và công nghệ để thể hiện các hiện vật này cũng rất quan trọng, cần sự tư vấn của các chuyên gia của Nhật, Pháp.
Thời điểm dịch Covid-19, Sở VH&TT đã cố gắng trao đổi với các chuyên gia, đến nay cơ bản được 65% thiết kế thi công. Riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong, gửi Sở Xây dựng ngày 31/3.
Ông Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở VH&TT. Dự kiến trong tháng 5, Sở Xây dựng sẽ thẩm định xong phần thiết kế kỹ thuật, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt lại các nội dung có liên quan. Cuối tháng 8 sẽ trình hoàn thiện xây dựng thiết kế thi công, cuối tháng 9 thực hiện dự án thiết kế...
Theo ông Hồng: “Chúng tôi quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này. Cố gắng nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu”.
Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Minh Tuân đặt vấn đề về nguyên nhân tiến độ dự án Công viên văn hoá Đống Đa rất chậm, hơn 20 năm chưa triển khai xong. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Trọng Kỳ Anh nói rằng, khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Trên tổng thể 65 ha của Công viên Văn hoá Đống Đa, giai đoạn 1 thực hiện trên 8,5 ha, nhưng hiện mới giải phóng mặt bằng được 1,9 ha.
Ông Anh nói: “Đây là vướng mắc của cả chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương trong quá trình triển khai. Nếu không rút kinh nghiệm thì việc triển khai chi tiết sẽ gặp vướng mắc”, ông Anh nói.
Phó Giám đốc Sở QH-KT cho biết, hiện đang cùng 2 quận rà soát lại một số dự án đang triển khai thuộc giai đoạn 1 của công viên, trong đó có bãi đỗ xe Thái Hà, trường mầm non và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - nằm trong diện tích cây xanh công cộng khu vực giai đoạn 1.
Đồng thời, ông Anh cho biết: “Nếu các địa phương đáp ứng nhanh về mặt tiến độ trong quá trình rà soát thì chúng tôi cam kết trong nửa đầu năm 2022 sẽ trình, báo cáo UBND thành phố về phương án điều chỉnh Công viên Văn hoá Đống Đa”.
TP. Hà Nội đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi (tổng mức đầu tư 25.600 tỷ đồng); 44 dự án thể thao (tổng mức đầu tư 9.824 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến, triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng), Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng); các rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm thương mại.
Từ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm đã được chỉ ra trong phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có các giải pháp hết sức khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sau phiên họp giải trình này, Thường trực HĐND Thành phố sẽ ban hành Thông báo kết luận làm cơ sở để tổ chức triển khai và giám sát kết quả thực hiện.
Bùi Hằng