Chủ nhật, 24/11/2024 06:20 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/03/2022 11:00 (GMT+7)

Giảm gần 12.000 tỷ đồng thuế xăng dầu từ tháng 4?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính dự kiến, nếu thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực từ ngày 1/4/2022, số thu thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm khoảng 11.982 tỷ đồng.

Ngày 3/3/2022, Bộ Tài chính có công văn số 2068/BTC-CST gửi các Bộ, ban, cơ quan thuộc Chính phủ, Hiệp hội xăng dầu xin ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12.

Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế BVMT từ 500-1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu và mỡ nhờn. Cụ thể, cơ quan này đề xuất giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Giảm gần 12.000 tỷ đồng thuế xăng dầu từ tháng 4? - Ảnh 1
(Đồ họa: Tuấn Anh)

Theo Bộ Tài chính, mức đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế bị nhiều tác động bởi dịch COVID-19 và tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao khi các nền kinh tế đang mở cửa trở lại đồng thời những bất ổn chính trị thế giới đang tác động mạnh tới giá xăng dầu thế giới cũng như trong nước.

Bộ Tài chính đánh giá việc xăng dầu thành phẩm tăng giá mạnh sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong đó có xăng dầu (chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế).

Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải và sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào, từ đó kéo giá cả các loại hàng hóa "leo thang," khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân đồng thời tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 4 đợt là một trong những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%, trong đó giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Vì vậy, để thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, ngày 25/2 Bộ Tài chính cho biết đã có công văn số 154/BTC-CST gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các phương án cụ thể về thuế BVMT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) theo trình tự thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tài chính dự kiến nếu thời gian giảm thuế BVMT có hiệu lực từ ngày 1/4/2022, số thu thuế này đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm xấp xỉ 12.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tính các biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.

Phải giảm thuế xăng dầu để kiềm chế lạm phát

Theo ông Trần Văn Lâm (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang), Chính phủ phải linh hoạt giải pháp điều hành giá cả, đặc biệt kiềm chế lạm phát khi các yếu tố tác động đến lạm phát đầu năm rất nhiều, căng thẳng nhất là giá dầu. Phương án điều chỉnh thuế có thể được tính đến, bao gồm thuế BVMT với xăng dầu nhưng cần sử dụng công cụ này cho phù hợp.

Cụ thể, thuế BVMT là công cụ điều tiết, BVMT, nếu lạm dụng để điều chỉnh giá cả mà quên hoàn toàn vai trò BVMT của sắc thuế này sẽ tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu của sắc thuế này, xa rời tôn chỉ mục đích. Vì vậy, khi áp dụng cần vận hành linh hoạt, thống nhất, có mức giảm với liều lượng phù hợp ở từng thời điểm. Phải căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế trên cơ sở Chính phủ có hệ thống thông tin đánh giá đầy đủ toàn diện.

Chẳng hạn, phải tính tới các yếu tố như giá cả lạm phát, làm sao để giá xăng dầu trong nước không quá cao cũng như không quá cách biệt với giá thế giới, tránh những nguy cơ như buôn lậu sang thị trường nước ngoài. Tính toán và cân đối khả năng chịu đựng của ngân sách vì khi giảm thuế có thể giảm nguồn thu làm mất cân đối thu chi, các yếu tố tác động đến ổn định vĩ mô; đảm bảo nguồn thu về môi trường, đáp ứng nhiệm vụ chi và BVMT...

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giảm gần 12.000 tỷ đồng thuế xăng dầu từ tháng 4?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới