Chủ nhật, 24/11/2024 07:41 (GMT+7)
    Thứ ba, 26/07/2022 11:50 (GMT+7)

    Giảm giá thành để người lao động tiếp cận nhà ở

    Theo dõi KTMT trên

    Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có những gói tín dụng ưu đãi liên quan tới nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN là một trong các công cụ hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở.

    122 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành đầu tư xây dựng

    Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp (KCN) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    Để phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN, thời gian qua pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội (NƠXH), cụ thể như: Miễn tiền sử dụng đất; Được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng NƠXH để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; Chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản.

    Giảm giá thành để người lao động tiếp cận nhà ở - Ảnh 1
    Nhà ở công nhân KCN là một trong các công cụ hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở.

    Song song đó, do công nhân KCN thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH theo Điều 49 Luật Nhà ở, nên ngoài các dự án nhà ở công nhân (NƠCN) KCN thì họ còn là nhóm đối tượng được mua NƠXH cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.

    Đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 276 dự án NƠXH khu vực đô thị với tổng diện tích hơn 7,3 triệu m2. Trong đó, đối với NƠXH dành cho công nhân KCN (được đầu tư xây dựng gần hoặc bên cạnh KCN) đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với tổng diện tích khoảng 2,7 triệu m2 sàn.

    Có nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh phát triển NƠXH, NƠCN như bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN; tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển NƠXH; bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu…

    Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP mới đây nhất, Chính phủ đã đề xuất: Gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho các cá nhân vay mua, thuê mua và cải tạo nhà ở với lãi suất 4,8%; hỗ trợ lãi suất 2% đối với các chủ đầu tư xây dựng NƠXH, NƠCN, cải tạo chung cư cũ... nằm trong gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ đồng.

    Hai gói hỗ trợ này được thực hiện trong hai năm 2022-2023, được kỳ vọng là bước đột phá góp phần thúc đẩy thị trường NƠXH và các chính sách an sinh khác.

    Tiếp tục ưu đãi vay mua nhà

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhu cầu nhà ở thương mại giá rẻ và NƠXH ở nước ta hiện đang rất lớn. Tuy nhiên, giá nhà hiện nay chưa phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. Cấu thành giá nhà hiện nay còn nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có chi phí về tiền sử dụng đất, lãi suất cao trong thời gian qua.

    Để kéo giá nhà ở xuống là phải tăng nguồn cung. Và nếu tới đây, lãi suất cho vay giảm xuống, thủ tục hành chính được rút gọn, vấn đề quản lý thị trường không để xảy ra những cơn sốt giá như tăng giá điện, tăng giá xăng… thì mới mong góp phần giảm giá thành nhà ở, ông Châu cho hay.

    Liên quan đến giải pháp giảm giá thành nhà ở để giúp người lao động thu nhập thấp thật sự được tiếp cận nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp như: Tập trung triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương hướng dẫn các chủ đầu tư dự án NƠXH, NƠCN có nhu cầu vay vốn, có đủ điều kiện đăng ký và tổng hợp danh mục dự án xây dựng NƠXH, NƠCN gửi Bộ công bố để các Ngân hàng thương mại có cơ sở cho chủ đầu tư dự án vay vốn ưu đãi 2% lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

    Khi phê duyệt dự án NƠXH, NƠCN phải có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng NƠXH ở đô thị và KCN…

    Việc hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua NƠXH, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý NƠXH…

    Mặt khác, một số vướng mắc, khó khăn nảy sinh khi cho vay trong giai đoạn 2016-2020 đã được Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về đối tượng, điều kiện, mức vay vốn và lãi suất vay tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021.

    Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng thống nhất với Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ ưu tiên cho vay chủ yếu các đối tượng vay vốn với mục đích mua, thuê mua NƠXH, trong đó có đối tượng công nhân đang làm việc tại các KCN, khu chế xuất...

    Bộ Xây dựng thời gian tới tiếp tục tập trung đôn đốc các địa phương khẩn trương báo cáo và tổng hợp danh mục dự án xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công bố bằng văn bản và trên cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

    Cùng với đó, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến NƠXH, nhà ở cho công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cũng như làm việc với một số địa phương trọng điểm để đẩy mạnh triển khai NƠXH, NƠCN và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…

    Việc các sàn giao dịch bất động sản bán nhà ở xã hội mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm có đúng đối tượng được mua hay không còn dẫn đến những hệ lụy nặng nề và lâu dài cho người dân và các cơ quan quản lý. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, chủ đầu tư có thể phân phối nhà ở xã hội thông qua các sàn giao dịch bất động sản nếu họ chấp nhận tự bỏ một phần nhỏ doanh thu để chi trả chi phí cho môi giới, thay vì đẩy phí môi giới cả trăm triệu đồng về phía công nhân và người thu nhập thấp như hiện nay.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Giảm giá thành để người lao động tiếp cận nhà ở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới