Chủ nhật, 24/11/2024 08:21 (GMT+7)
Thứ ba, 29/10/2019 07:00 (GMT+7)

Giảm phát thải các chất ô nhiễm từ việc đốt than ở Đông Nam Á

Theo dõi KTMT trên

Quá trình đốt cháy than để sản xuất điện sẽ tạo ra các loại bụi, CO2, SOx, NOx, thủy ngân… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Giảm phát thải các chất ô nhiễm từ việc đốt than ở Đông Nam Á - Ảnh 1
Vận hành phát điện tại nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 1. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngày 28/10, tại Hà Nội, Hội nghị quốc tế lần thứ 14 về phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt than do Trung tâm Than đá sạch của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tổ chức, với sự hỗ trợ của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường.

Hội nghị thảo luận nhiều nội dung liên quan, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến trong kiểm soát phát thải ô nhiễm, đẩy mạnh quy trình sản xuất than sạch.

Đây cũng là diễn đàn dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và xây dựng chính sách về ô nhiễm không khí do hoạt động đốt than chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm quản lý, đưa ra những ý tưởng khoa học nhằm hoạch định các chiến lược và phát triển công nghệ kiểm soát và giảm thiểu chất ô nhiễm; là cơ hội lớn cho việc gặp gỡ, hợp tác giữa các cơ quan quản lý, các nhà tư vấn, nhà cung cấp thiết bị và các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu về kiểm soát ô nhiễm không khí trên toàn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết quá trình đốt cháy than để sản xuất điện sẽ tạo ra các loại bụi, CO2, SOx, NOx, thủy ngân… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Tuy vậy, hiện châu Á chiếm tới 75% lượng tiêu thụ than toàn cầu, trong khi các khu vực khác đang đẩy mạnh việc chuyển sang dùng các nguồn năng lượng "xanh" thì các nước châu Á vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Trong những năm gần đây, các nước châu Á đã có những nỗ lực trong việc đẩy mạnh sản xuất và bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo khác vào hệ thống cung cấp năng lượng nhưng những cố gắng đó vẫn chưa đủ.

Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia… vẫn là khu vực mà nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng.

Do đó, giảm phát thải các chất ô nhiễm từ việc đốt than ở các nước Đông Nam Á và châu Á là chìa khóa thành công trong việc bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Vì vậy, Hội nghị sẽ thúc đẩy thêm các nghiên cứu về giảm phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt than, cũng như tạo điều kiện cho sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực nhiệt điện than và các tập thể nghiên cứu khoa học, đề xuất những giải pháp thực tiễn để giảm ô nhiễm môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than.

Theo TS Đặng Hà Sơn (Trung tâm Năng lượng và Tăng trưởng xanh), phát thải lưu huỳnh là vấn đề mới nên các nhà khoa học Việt Nam cần xem xét để áp dụng cho phù hợp, hiệu quả.

Hội nghị này là cơ hội để tiếp cận với công nghệ mới về than sạch trên thế giới, nhìn nhận xu hướng, cách thức và công nghệ phù hợp với Việt Nam. Trước đây, ở Việt Nam việc đốt than để phát điện có rủi ro về thủy ngân rất thấp vì chủ yếu sử dụng than antraxit chứa ít thủy ngân.

Vài năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu lớn cho các hoạt động công nghiệp và phát điện nên đã tăng khối lượng nhập khẩu than bitum có hàm lượng thủy ngân tương đối cao.

Theo các nghiên cứu quốc tế, than của Việt Nam khó cháy nhưng hàm lượng thủy ngân rất thấp, còn than bitum, á bitum giảm tro thải nhưng lại tạo ra rủi ro mới về phát thải lưu huỳnh.

Hầu hết các nhà máy sử dụng than nhập khẩu mới vận hành, vẫn đang trong quá trình đo đếm, hiệu chỉnh nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề thực thi về công nghệ. Các nhà máy nhiệt điện đang sử dụng công nghệ cận tới hạn đã lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh, bụi đạt hiệu quả cao.

Kết quả quan trắc môi trường đều được giám sát trực tuyến bởi Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương, Tổng cục Môi trường.

Tuy vậy, với tro đáy lò, các tỉnh phía Bắc đã tái sử dụng để làm vật liệu xây dựng hơn 10 năm, còn phía Nam chưa tái sử dụng nhiều.

Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao nên nhu cầu sử dụng năng lượng lớn trong khi hiệu quả sử dụng năng lượng chưa cao so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, trong 10 năm tới Việt Nam nên áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thay đổi công nghệ để đảm bảo các khả năng đáp ứng về môi trường.

Các cơ quan của Chính phủ cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra quy chuẩn kiểm soát được lượng thủy ngân phát thải từ các nhà máy công nghiệp, nhà máy điện; đóng cửa những nhà máy nhiệt điện than hoặc nâng cấp, thay đổi để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, sử dụng năng lượng đạt kế hoạch đề ra.

Bà Lesley Sloss, đại diện Trung tâm Than đá sạch của IEA, cho biết: Có nhiều công nghệ để giảm các các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt than. Đây là việc kiểm soát đa chất ô nhiễm nên giảm SOx, NOx, cũng có tác dụng giảm hàm lượng thủy ngân. Cần kiểm soát thủy ngân bằng việc sử dụng than sạch.

Bạn đang đọc bài viết Giảm phát thải các chất ô nhiễm từ việc đốt than ở Đông Nam Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới