Chủ nhật, 24/11/2024 07:41 (GMT+7)
    Thứ ba, 24/05/2022 08:00 (GMT+7)

    Giám sát chặt tín dụng bất động sản, ngăn cổ đông chi phối ngân hàng

    Theo dõi KTMT trên

    Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng sẽ triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát nợ xấu. Theo đó, NHNN sẽ tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh...

    Nguy cơ nợ xấu hiện hữu, sẽ còn gia tăng 

    Điểm lại kết quả xử lý nợ xấu, trong tài liệu gửi tới Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong giai đoạn 2017-2021, hệ thống các TCTD xử lý được 750,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2021 xử lý được 151,9 nghìn tỷ đồng), trong đó: sử dụng dự phòng rủi ro (352,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 47%), khách hàng trả nợ (220,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,4%), bán nợ cho VAMC (114,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2%) và các hình thức xử lý nợ xấu khác (63,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4%).

    Giám sát chặt tín dụng bất động sản, ngăn cổ đông chi phối ngân hàng - Ảnh 1
    Ảnh minh họa. 

    Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng.Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42: Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

    Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì nợ xấu nội bảng đã xử lý là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%) ; Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); Xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng TPĐB là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70%).

    Báo cáo của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covi-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó doanh thu và khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn bị sụt giảm kéo theo sự suy giảm chất lượng tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

    Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã và đang đặt ra thách thức rất lớn đối với việc kiểm soát nợ xấu và an toàn hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

    Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang được kiểm soát dưới mức 2%, tuy nhiên những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới, khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tiếp tục tăng.

    Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng, dẫn đến kết quả xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi.

    Ngoài tác động làm suy giảm chất lượng tài sản, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp còn có nguy cơ làm suy giảm mức độ an toàn vốn cũng như kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức tín dụng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.

    Dự báo tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu nói chung, nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 nói riêng và dự kiến nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới.

    Biện pháp mạnh từ ngành Ngân hàng 

    Từ thực tế kể trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng sẽ triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát nợ xấu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông...

    Riêng đối với các dự án BOT, BT giao thông, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực này để hạn chế rủi ro thanh khoản.

    Giám sát chặt tín dụng bất động sản, ngăn cổ đông chi phối ngân hàng - Ảnh 2
    Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

    Ngành ngân hàng cũng nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng, sàng lọc các dự án BOT, BT hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng. Không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

    Bên cạnh đó, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn đề hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, cũng là giải pháp được ngành ngân hàng báo cáo Quốc hội.

    Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường giám sát sau cho vay; rà soát, chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay, đặc biệt là các quy định về việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân; thực hiện giải ngân theo đúng quy định của pháp luật, thỏa thuận cấp tín dụng và quy định nội bộ của TCTD; giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích vay vốn của khách hàng, xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.

    Đồng thời, tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của TCTD, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối hoạt động của các TCTD.

    Theo dự kiến chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng nay (24/05), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo tổng kết việc thực hiện thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

    Mai Hạnh

    Bạn đang đọc bài viết Giám sát chặt tín dụng bất động sản, ngăn cổ đông chi phối ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới