Chủ nhật, 24/11/2024 10:15 (GMT+7)
Thứ năm, 12/11/2020 11:28 (GMT+7)

Giữ gìn nguồn sinh thuỷ, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước

Theo dõi KTMT trên

Lũ lụt, sạt lở đất diễn ra với cường độ cao gây thảm hoạ thiên tai ở miền Trung đã một lần nữa đặt ra vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, kiểm soát và điều tiết nguồn nước trong mọi tình huống của Việt Nam đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Từ thực tiễn cấp bách hiện nay, không ít Đại biểu Quốc hội thể hiện sự trăn trở về điều này tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.

Mất cân bằng, khó kiểm soát!

Nước là nguồn năng lượng sống của con người trong sản xuất và đời sống không thể thiếu. Nước ta có nhiều vùng và tiểu vùng khí hậu, các mùa khác nhau trong năm, mưa không đồng đều, nơi lũ lụt, nơi lại hạn hán làm cho tình trạng mất cân bằng nước trong sản xuất, sinh hoạt đang diễn ra hàng năm theo không gian và thời gian.

Thống kê cho thấy, hiện Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn, nhỏ, với tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỉ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ, trong đó có 2 con sông lớn là sông Cửu Long thì 90% nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; sông Hồng 50%. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) nhìn nhận, chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước, chưa kể ứng xử của một số nước quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Trong khi đó, thực tế hiện nay công tác quản lý, sử dụng một cách tổng thể chưa đảm bảo phát triển bền vững. Giải quyết các vấn đề về tích trữ nước còn hạn chế, sử dụng khai thác nước chưa tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ rừng đầu nguồn cũng như giải quyết mối quan hệ quốc tế với quốc gia thượng nguồn vẫn còn hạn chế và phức tạp. Đây là những khó khăn, thách thức trong bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan đến bảo vệ an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập nước ta.

Giữ gìn nguồn sinh thuỷ, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước - Ảnh 1
Nước là nguồn năng lượng sống của con người trong sản xuất và đời sống.

Theo đại biểu Lịch, sự phát triển của hệ thống thủy lợi, thủy điện của nước ta có lịch sử rất lâu đời. Nay với 86.202 công trình thủy lợi, trong đó có 6.998 đập hồ chứa nước thủy lợi với dung tích khoảng 14 tỉ m3 nước để tưới tiêu trong 4,2 triệu hecta đất nông nghiệp và khoảng 6 tỉ m3 nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

“Nhưng con số này mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu tưới tiêu, còn 63% phải trông chờ vào nước tự nhiên và hệ thống bơm từ các con sông ngòi”, bà Lịch nêu thực trạng.

Mặt khác, do biến đổi khí hậu khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, tình trạng không ổn định của địa chất, hiện tượng đứt gãy, sạt lở đất dẫn tới các vùng miền phải chịu từ thảm họa thiên tai đã làm thiệt hại về người và tài sản rất lớn, khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi hệ thống hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi hiện còn 1.700 hồ đập thủy lợi xuống cấp; trong đó có 1.200 hồ đập cần phải sửa chữa và 200 hồ đập hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp.

“Nguy cơ thảm họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập nước ta rất là lớn”, bà Lịch đánh giá.

Cần ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước

Từ thực tiễn khách quan và chủ quan trên, để đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước phục vụ bền vững cho sản xuất và đời sống của người dân, đại biểu Lịch đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập chứa nước. Đồng thời, hàng năm Chính phủ có sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư liên quan đến các Luật như Luật Tài nguyên nước, Thuỷ lợi, Đê điều, Bảo vệ môi trường, Đất đai…

“Đây là hành lang pháp lý để tổ chức, cá nhân vận hành, địa phương triển khai thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” - sinh thuỷ tại chỗ, giữ nước tại chỗ, bảo vệ tại chỗ và điều hành, phân phối tại chỗ”, bà Lịch nói.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên nền tảng kỹ thuật số trong vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi, quy hoạch hồ chứa nước. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đối tác công tư, phân kỳ đầu tư có trật tự ưu tiên cấp bách làm trước, lâu dài; có đột phá xử lý vấn đề khó khăn.

Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ quốc tế với tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực ký kết hiệp định bảo vệ các lưu vực sông, coi nước ngọt là một loại hàng hoá đặc biệt, hạn chế ở mức cao sự tác động của con người vào môi trường nước và tự nhiên, nhất là lưu vực sông Mê Công, sông Hồng.

“Cần tiếp tục giữ gìn nguồn sinh thuỷ, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk):Nhanh chóng tái sinh rừng giữ nước, giảm lũ

Qua thực tiễn thiên tai, bão lụt miền Trung hiện nay, tôi thấy vấn đề an ninh nguồn nước phải gắn liền với phòng, chống thiên tai, lụt bão và vấn đề an ninh năng lượng. Đó là vấn đề rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, an toàn hồ đập, vấn đề xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, vấn đề quy hoạch xây dựng hạ tầng.

Giữ gìn nguồn sinh thuỷ, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước - Ảnh 2
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân

Có thể nói, rừng nguyên sinh của chúng ta đang bị suy giảm khá nhiều. Vì vậy vấn đề trồng rừng tái sinh hết sức cấp bách, có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục cho xây dựng chương trình trồng rừng tương tự như Chương trình trồng rừng 327 trước đây.

Trong thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là "lợi bất cập hại", sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực hạ lưu.

Do vậy, đề nghị Quốc hội và Chính phủ rà soát tất cả các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ trong cả nước, đánh giá hiệu quả hoạt động của các thuỷ điện để có phương án quy hoạch phát triển điện hiệu quả, bền vững. Cần cân nhắc loại bỏ các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị): Không để lợi dụng làm thuỷ điện, chặt phá rừng bừa bãi, kiểm soát chặt dự án thuỷ điện nhỏ

Nhìn lại cơn đại hồng thủy vừa qua, khi miền Trung phải oằn mình liên tiếp chịu đựng thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên mà hậu quả là vô cùng to lớn, cả trước mắt và lâu dài. Do đó, cần định vị cách tiếp cận mới trong Chiến lược phát triển và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong khu vực và cả nước trong bối cảnh mới này.

Giữ gìn nguồn sinh thuỷ, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước - Ảnh 3
ĐBQH Hoàng Đức Thắng

Lý giải những bất thường về lũ bão vừa qua đã có lát cắt về nguyên nhân thiên tai rằng do biến đổi khí hậu, nhưng chắc chắn có thể nhận ra là chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên. Tấm lá chắn chắc chắn an toàn của mẹ thiên nhiên, thiên tai ngày càng dữ dội. Câu chuyện hủy hoại về rừng không còn là chuyện mới, song nhìn lại lũ lụt, sạt lở miền Trung càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này.

Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất xảy ra ở nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỉ lệ rừng giàu tự nhiên thấp. Mất rừng, mất đất, khả năng điều tiết nước tự nhiên từ thượng nguồn thấp là nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất, lũ đi nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn.

ĐBQH Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hoá): Vận hành công trình an toàn, hạn chế thảm hoạ liên quan đến nước

Công trình thủy lợi, thủy điện là tài nguyên phức tạp nhằm tăng cường độ an toàn vận hành trong phòng, chống lũ cho hạ du, hạn chế các thảm họa liên quan đến nước, tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm an ninh năng lượng tưới tiêu và dân sinh trong vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi, đáp ứng biến đổi khí hậu hiện nay.

Do vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét quyết định đầu tư những công cụ quan sát, đo đếm, dự báo cần thiết để vận hành hiệu quả, an toàn, đầy đủ thông tin trong việc điều tiết nước, nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Các Bộ, ngành, các địa phương liên quan và chủ đập phải xây dựng hoàn chỉnh bản đồ vùng hạ du trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắm chỉ giới quản lý để làm cơ sở xác định phạm vi và mức độ ngập của vùng hạ du đập.

Giữ gìn nguồn sinh thuỷ, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước - Ảnh 4
ĐBQH Mai Sỹ Diến 

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến an toàn hồ đập, đưa ra giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn và nâng cao tuổi thọ các công trình. Xây dựng quy trình vận hành tối ưu, đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 tới đây.

Các cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế mang tính thị trường điều chỉnh để thực hành tiết kiệm và tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng nước, sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân. Việc thu hút đầu tư FDI phải có sự chọn lọc, ưu tiên các công nghệ, thiết bị, sản phẩm tiết kiệm điện, nước, hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước mặt.

Tuyết Chinh

Bạn đang đọc bài viết Giữ gìn nguồn sinh thuỷ, an toàn nước mặt, nước ngầm bền vững và phát triển cho đất nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới