Chủ nhật, 24/11/2024 08:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/04/2022 09:00 (GMT+7)

Gỡ “nút thắt” quy hoạch treo để phát triển tiềm năng khu Tây Bắc TP. HCM

Theo dõi KTMT trên

Hiện khu Tây Bắc TP. HCM vẫn chỉ như “cô giá đẹp đang say giấc nồng” và chưa được đánh thức. Để phát huy hết tiềm năng của khu vực này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần giải quyết triệt để vấn đề quy hoạch và các dự án lớn chậm triển khai.

Cần xử lý dứt điểm các dự án "treo"

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã kêu gọi được 55 dự án với tổng mức đầu tư lên tới gần 17 tỷ USD.

Về định hướng phát triển khu Tây Bắc TP. HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP. HCM, cho biết, trong tương lai, đây sẽ là những trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao, các dự án dân cư được thiết kế bài bản.

“Trong định hướng điều chỉnh quy hoạch sắp tới, cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, phát triển Củ Chi thành vành đai xanh của Thành phố. Không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát “phố không ra phố, làng không ra làng”. Giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn”, ông Nhã nói.

Đồng thời, Giám đốc Sở QH-KT cũng cho rằng, Thành phố sẽ xây dựng Củ Chi và Hóc Môn là nơi có không gian văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, tiến tới có những bước đô thị hóa mạnh mẽ, trở thành Thành phố, quận mới thuộc Thành phố theo lộ trình hợp lý. Cùng với đó, hệ thống giao thông, tuyến đường bộ, tuyến cao tốc TP. HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sông, các tuyến xe buýt kết nối các địa điểm tham quan, du lịch... cũng sẽ được đầu tư phát triển và hoàn thiện.

Gỡ “nút thắt” quy hoạch treo để phát triển tiềm năng khu Tây Bắc TP. HCM - Ảnh 1
Dự án Công viên Sài Gòn Safari rộng 457 ha bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất của TP. HCM.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về quy hoạch, để khu Tây TP. HCM phát huy được hết tiềm năng phát triển thì TP. HCM cần có quy hoạch bài bản, cụ thể từng khu vực và việc quy hoạch phải đảm bảo việc phát triển bền vững.  Đồng thời, TP. HCM cũng cần xem xét xử lý dứt điểm việc các dự án đã được quy hoạch nhưng chậm triển khai, các dự án vướng mắc trong giải phóng mặt bằng không thể triển khai.

Điển hình như vào năm 2000, thông tin dự án Khu đô thị Tây Bắc rộng hơn 6.000 ha khiến người dân hai huyện Hóc Môn, Củ Chi ngày đêm mong chờ. Bởi theo định hướng, dự án là khu đô thị vệ tinh với nhiều khu thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu đô thị... được kỳ vọng thay đổi bộ mặt phía Tây Bắc TP. HCM.

Vậy nhưng, đến nay, sau 22 năm dự án vẫn chỉ nằm trong thì tương lai. Trong khi đó, nhiều người dân phải sống trong cảnh có đất mà không thể làm gì vì vướng quy hoạch “treo”.

"Cứ ngỡ khu vực này trở thành khu đô thị vệ tinh, đời sống người dân sẽ sung túc hơn, con cháu có công ăn việc làm ổn định nhờ các dịch vụ đi kèm nhưng nào ngờ quy hoạch "treo" hơn 20 năm qua khiến nhà cửa, ruộng đất xuống giá. Bên kia quốc lộ, giá đất cao gấp đôi, gấp ba bên này. Vừa rồi, tôi kêu bán miếng đất 1.000 m2 để chia cho con cái có chút vốn làm ăn nhưng "cò" ép giá quá nên không bán. Ðiều này đồng nghĩa với việc cả nhà tiếp tục sống lay lắt, không lối thoát", ông Nguyễn Văn Ba, ngụ ấp Bến Ðò, xã Tân Phú Trung chia sẻ.

Không chỉ khu đô thị Tây Bắc, hàng loạt khu đô thì siêu khủng được đánh giá làm thay đổi bộ mặt khu Tây TP. HCM cũng trong tình trạng “ngủ đông” như Khu đô thị An Phú Hưng tại huyện Hóc Môn do Công ty TNHH MTV An Phú làm chủ đầu tư. Dự án này được quy hoạch rộng gần 700 ha, được UBND TP. HCM giao đất theo Quyết định 573/QĐ-UB từ năm 2004. Dự án được kỳ vọng trở thành Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thứ hai. Thế nhưng sau hơn 10 năm không thể đền bù giải tỏa, năm 2016, UBND TP. HCM quyết định xoá bỏ dự án này.

Một siêu dự án nữa cũng lâm vào tình trạng quy hoạch rồi bỏ đó là Khu đô thị Đại học Quốc tế rộng 924 ha tại huyện Hóc Môn. Dự án được UBND TP. HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 7/2008 cho Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Thông tin về dự án này, đại diện UBND TP. HCM cho biết, “Hiện nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục trình Thủ tướng điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư”.

Tại Củ Chi, một dự án siêu khủng khác được nhiều người dân quan tâm là Dự án Công viên Sài Gòn Safari rộng 457 ha, dự án có tổng mức đầu tư 500 triệu USD nhưng sau gần 20 năm dự án vẫn ì ạch triển khai, và từng bị kết luận có nhiều sai phạm.

Giải nút thắt quy hoạch sẽ đưa khu Tây Bắc TP. HCM cất cánh

Theo Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên, một trong những lý do khiến nhiều dự án ở địa phương chậm trễ, khó triển khai do xuất phát từ công tác quy hoạch chưa phù hợp. Hiện, quy hoạch của huyện được phê duyệt từ năm 2010 đã không sát thực tế, và cũng chưa dự báo sự phát triển của địa phương trong tương lai.

Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho rằng, hiện tại trên địa bàn huyện Hóc Môn có một số dự án quy hoạch kéo dài không hiệu quả cần được thu hồi để giao cho các nhà đầu tư mới có năng lực thực hiện. “Hóc Môn còn 45% diện tích đất vướng quy hoạch. Vì thế, cần giải phóng nguồn lực đất đai; tạo điều kiện cho người dân, cho tổ chức, doanh nghiệp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai của thành phố để phát triển” ông Khuyên nhận định.

Gỡ “nút thắt” quy hoạch treo để phát triển tiềm năng khu Tây Bắc TP. HCM - Ảnh 2
Dự án Khu đô thị Tây Bắc hiện vẫn chỉ nằm trên giấy.

Còn theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, không nên để các doanh nghiệp “chiếm” đất gây lãng phí, không thực hiện dự án mà bán dự án cho các đơn vị khác rồi tiếp tục “treo”. Đối với các trường hợp này, cần thiết thu hồi dự án để giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực và tâm huyết đầu tư.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, thời gian qua, việc kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc chưa được như mong muốn do một số nội dung quy hoạch chưa phù hợp, như chỉ tiêu quy mô dân số theo quy hoạch khoảng 300.000 người đến năm 2025 là rất thấp cho một khu vực rộng, khó đáp ứng tính chất đô thị, không hiệu quả trong thu hút đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao. 

Để giải quyết vấn đề này, TP.HCM đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tổ chức điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 toàn Khu đô thị Tây Bắc với quy mô dân số là 600.000 người, tăng 300.000 người so với chỉ tiêu quy hoạch trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đề cập ở trên. Nếu đề xuất trên được chấp thuận thì Khu đô thị Tây Bắc sẽ có cơ sở và sức hút hơn với nhà đầu tư, qua đó sớm trở thành khu đô thị vệ tinh của thành phố.

“Để tập trung nguồn lực cho phát triển các đô thị vệ tinh Tây Bắc, TP. HCM cần kiên quyết giảm xây mới các công trình dự án lớn về văn hóa - xã hội, giảm các cao ốc tại khu vực nội thành, nhất là khu trung tâm. Thay vào đó, từng bước dịch chuyển phát triển các công trình dự án lớn ra các đô thị vệ tinh. Điều này giúp TP. HCM từng bước giãn dân, giảm tập trung dân số ở khu vực trung tâm và thúc đẩy phát triển cân bằng ở các đô thị vệ tinh, vùng ven”, ông Ngân nhận định.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Gỡ “nút thắt” quy hoạch treo để phát triển tiềm năng khu Tây Bắc TP. HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới