Chủ nhật, 24/11/2024 14:47 (GMT+7)
Thứ tư, 04/12/2019 08:15 (GMT+7)

Gửi khát vọng vào từng mắt lưới

Theo dõi KTMT trên

Đi dọc dải đất duyên hải miền trung dễ nhận ra: song hành cùng nhiều xóm chài làm nghề nuôi trồng thủy, hải sản là những người thợ đan lưới tận tâm. Mỗi đường đan, nốt thắt đều ẩn chứa khát vọng về sự bền chặt của sản phẩm, có khả năng chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết, góp phần tạo nên những mùa bội thu.

Gửi khát vọng vào từng mắt lưới - Ảnh 1
Khi làm lưới lồng, phải làm tỉ mỉ và trách nhiệm.

Gắn kết cùng nhau

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề gia công khung sắt và đan lưới cho lồng nuôi tôm hùm ở làng chài Xuân Hải (xã Xuân Hải, Sông Cầu, Phú Yên), người thợ lão luyện Lê Quốc Đạt chia sẻ: Kinh nghiệm trong nghề đan, bện lưới nuôi trồng thủy sản rất quan trọng. Cùng một chiếc lồng nhưng thợ yếu tay nghề, không cẩn thận thì qua vài mùa vụ, lưới sẽ lỏng lẻo, thậm chí sóng lớn ập vào là buột các mối thắt ra ngay. Lúc ấy vật nuôi của ngư dân mất hết. Vậy nên, nghề làm lưới tuy âm thầm nhưng có sự gắn kết vô hình rất chặt chẽ với người nuôi trồng. Có thợ vì làm ẩu, khi sự cố xảy ra đã day dứt nhiều ngày liền.

Như cách giải thoát nặng nề trong nghĩ suy và nhẹ bớt những trăn trở, thợ đan lưới Trần Văn Hồng ở Xuân Hải bộc bạch: Sau trận bão lịch sử cách đây hai năm, nhiều lồng lưới bị xé toang, thủy, hải sản túa ra đại dương hết, nhất là tôm hùm. Dẫu biết lỗi không thuộc về những thợ lưới nhưng tận mắt thấy nhiều mắt đan, nốt thắt buộc bung ra dễ dàng, áy náy lắm!

Xua tan bớt áy náy và tích thêm kinh nghiệm, anh Hồng thu hàng chục chiếc lưới hỏng về nghiên cứu để từ đó về sau làm tốt hơn. Tâm tình những lời chân thật, Hồng bảo: Sau lần ấy, tôi đến từng nhà người làm lưới, làm lồng nuôi giải thích cho họ bằng thấm hiểu ra rằng khi bắt tay vào làm mỗi sản phẩm thì phải luôn thường trực ý nghĩ đó là làm cho mình, không đơn thuần là sự mua bán. Mồ hôi, nước mắt thậm chí có chủ lồng bè phải tai nạn tóe máu để chèo chống khi sự cố xảy ra. Vậy nên, làm nghề đan lưới, chế tác lồng bè phải tỉ mẩn từng chi tiết.

Thay vì mỗi tháng, một thợ lành nghề ở Xuân Hải cũng như Hòa Xuân Nam (Đông Hòa) làm được 25 lồng lưới nuôi tôm hùm, cá bò thì họ rút xuống làm 15 cái để hạn chế đến mức thấp nhất những lỗi nhỏ nhất có thể xảy ra. Nhiều lần ra tận các luồng nước xoáy khảo sát, thợ Lê Quốc Đạt nhìn nhận: Hiện, nghề đan lưới và làm lồng rất thịnh hành. Riêng tại Sông Cầu và một số làng chài lân cận có khoảng 280 thợ, cuộc sống người thợ khá giả dần lên. Vậy nhưng, quyết không chạy theo lợi nhuận.

Cho thuyền xé gió ra tận các lồng bè khảo sát và kiểm nghiệm sản phẩm đã bán của mình, thợ lưới lồng Nguyễn Thị Thảo ở Hòa Xuân Nam (Đông Hòa, Phú Yên) tâm tình: Cái nghề khác thì bán xong rồi thôi. Nhưng nghề này, ở đâu không biết chứ ở Khánh Hòa, Phú Yên, người mua và bán xem nhau như bạn, gắn kết cùng các thăng trầm của nhau. Sự bất thường của thời tiết xảy ra, người nuôi không thắng lợi thì thợ bán lưới và làm lồng sẵn sàng cho thiếu nợ, khi nào có mới trả. Cũng có những lúc người nuôi trồng bội thu, thấy lồng lưới mình mua bền chắc, gió giật, nước ngâm, sống đè… vẫn không hoen gỉ, bục nát nên thưởng lại hậu hĩnh cho các thợ đan lưới, làm lồng.

Không chỉ làm lưới và lồng nuôi tôm hùm, các loại cá mà hàng trăm người thợ làm nghề đan lưới đăng cũng chung một khát vọng làm ra những sản phẩm nức tiếng bền đẹp. Nhiều thợ lưới đăng ở làng đảo Khải Lương (thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) khẳng định, trước khi bắt tay vào làm lưới dù là cho người thân hay xuất bán thì đều phải làm lễ cam kết không làm gian dối, người mua phát hiện lỗi thì phải đến khắc phục ngay. Từ thời hình thành nghề, các bậc tiền nhân nức tiếng trong nghề làm lưới đăng, lưới lồng bè như: Hà Văn Thi, Nguyễn Văn Phú, Phạm Văn Chánh, Huỳnh Văn Túc… đã bắt mỗi thợ khi bắt tay làm lưới phải thấm hiểu triết lý “niềm vui của người cũng là của mình”.

Thương hiệu của trách nhiệm

Ba đời làm nghề đan lưới, làm lồng nuôi thủy sản ở Hòa Xuân Nam, bà Huỳnh Thu Dung quả quyết: Giàu lên nhờ thủy sản, nhờ lồng lưới thật đấy nhưng giữ được thương hiệu cho nghề, cho chính bản thân mới là điều quan trọng. Có những lần đi tham quan nhiều làng nghề khác thấy họ làm gian quá, bỏ qua rất nhiều công đoạn. Như vậy, người mua dễ gặp sự cố, thiệt hại về kinh tế ngay. Cứ mường tượng, một trận cuồng phong nhỏ mà lưới lẫn lồng đã bung các nốt thắt ra thì người thợ sao mà yên vui được.

Kinh nghiệm nhiều năm của các thợ lành nghề cho thấy, để bớt lệch pha, rủi ro, người nuôi cần phối hợp chặt chẽ với thợ làm lưới, làm lồng để cùng nhau góp ý, bàn bạc phương án chọn điểm đặt lồng, xây dựng lồng lưới, kiểu lồng… Thường, chỗ đặt các lồng lưới nuôi tôm cá là nơi có độ mặn cao, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, lụt. Độ thưa, dày của mắt lưới phụ thuộc vào giống vật nuôi. Độ sâu của lồng lưới cũng phải phù hợp, đặt ở nơi ít chất thải vì chính các nguồn chất thải độc hại cũng nhanh làm hư lồng lẫn lưới.

Kích thước lồng nuôi phù hợp nhất là cao 4 m, dài 4 m. Khâu chọn sắt làm khung để bện lưới vào là rất quan trọng. Phải là sắt tròn, sắt rằn loại một, ngoài các lớp sơn chống gỉ thông thường thì những người thợ lâu năm còn có hỗn hợp sơn pha từ nhiều dung dịch khác nhau để phết lên, bảo đảm nước mặn hay các yếu tố khác cũng không làm bong tróc. Khi bện lưới vào lồng phải làm hai lớp, các mắt lưới, lỗ lưới so le nhau (nhiều thợ làm ẩu hay bỏ qua chi tiết này). Thợ lưới lồng Lê Thuận Phúc ở Xuân Hải thổ lộ: Khâu bện mắt lưới nếu không chuẩn thức ăn sẽ lọt ra, người nuôi tốn kém. Nếu dày quá, không thoáng thủy, hải sản sẽ chậm lớn, tích tụ chất thải. Căn mắt lưới mất rất nhiều thời gian, nhiều thợ hay bỏ qua công đoạn này để chạy theo số lượng, nhất là khi có đơn hàng số lượng lớn. Vậy nhưng, nếu không có trách nhiệm cao, uy tín thì người mua sẽ không quay lại nữa. Đó mới là thất bại lớn nhất của những người bước chân vào nghề này. Hiện, ở Xuân Hải mỗi năm trung bình làm ra hàng ngàn chiếc lồng lưới, bán đi khắp nơi như: Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận…

Thương hiệu của những làng nghề làm lưới lồng, lưới đăng ở Phú Yên, Khánh Hòa không chỉ là trách nhiệm còn là nghĩa tình. Mấy mùa bị bão tố nuốt, phá lồng liên tục, lão ngư Nguyễn Thái Hải ở xã Xuân Phương (Sông Cầu) toan bỏ các khoảng biển mình đã gắn bó mấy đời cho đỡ cụt vốn. Nhưng rồi đã yêu nghề như nông dân yêu ruộng nên bắt tay làm lại và được hơn chục thợ lưới lồng tiếp sức. Người tặng lồng, người tặng lưới, chẳng mấy chốc tôm, cá ông Hải mang về lại rộn ràng người đến thu mua.

Cũng bởi tin bạn hàng như tin chính mình nên các thợ làm lưới lồng ở Xuân Hải hay Hòa Xuân Nam còn cất công vận chuyển hàng đi bán chịu cho hàng trăm ngư dân ở các địa phương lân cận. Thợ lưới lồng Lê Mạnh (Hòa Xuân Nam) bộc bạch: Bản thân mình cũng như nhiều người khác thôi, có được cơ ngơi khang trang cũng nhờ có bạn hàng. Bạn hàng vì thiên tai mà thiệt hại thì mình phải chung tay chia sẻ mất mát, “lá lành đùm lá rách” mà. Có nhiều xóm ngư dân còn được chúng tôi đến hỗ trợ miễn phí công sức trong việc sắp đặt lồng nuôi sao cho hợp lý nhất đồng thời giữ mối liên hệ bền chặt để giúp nhau đi qua những đoạn đường gian khó.

Theo UBND xã Hòa Xuân Nam, nghề làm lưới lồng hình thành và phát triển ngày càng mạnh mẽ song song với nghề nuôi trồng. Địa phương luôn khuyến khích tinh thần tương thân, tương ái lẫn nhau giữa những người thợ và người nuôi trồng. Có những thợ lành nghề đồng thời nuôi thủy, hải sản luôn nên họ hướng dẫn cách sử dụng tận tình cho những người bên cạnh mình.
Bạn đang đọc bài viết Gửi khát vọng vào từng mắt lưới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới