Chủ nhật, 24/11/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/08/2021 05:49 (GMT+7)

Hà Nội: Báo động ô nhiễm không khí nghiêm trọng bởi bụi mịn

Theo dõi KTMT trên

Nồng độ bụi PM2.5 trên toàn thành phố vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Đặc biệt, các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng có tỉ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận, huyện khác.

Nồng độ bụi PM2,5 vẫn gia tăng mỗi năm

Mới đây, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp cùng Trường ĐH Y tế Công Cộng, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố những dữ liệu mới nhất về tác động của ô nhiễm bụi PM2.5.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp để đánh giá gánh nặng bệnh tật do tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội. 

Theo đó, nồng độ bụi PM2.5 trên toàn thành phố vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Cụ thể, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 µg/m³ đến 39,4 µg/m³. Các quận nội thành gồm Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2.5 cao nhất. Đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các huyện ngoại thành có nồng độ bụi PM2.5 thấp hơn.

Hà Nội: Báo động ô nhiễm không khí nghiêm trọng bởi bụi mịn - Ảnh 1
Nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn. (Ảnh: Báo Dân trí)

Báo cáo cũng chỉ ra gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong và nhập viện do phơi nhiễm với bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2019 là đáng kể. Theo đó số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân; tổng số năm sống bị mất của người dân Hà Nội do tử vong vì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí là 79.933 năm.

Kỳ vọng sống bị mất di do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 908 ngày, tức là 2,49 năm tuổ. Ba quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng là những quận có tỉ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận huyện khác trên địa bàn thành phố.

Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội.

Đặc biệt, các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng có tỉ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận, huyện khác trên địa bàn TP.Hà Nội.

Nỗ lực cải thiện chất lượng không khí

Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, báo cáo nêu rõ những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi PM2.5 trên địa bàn Hà Nội năm 2019 được kiểm soát.

Nếu nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 tại Hà Nội được kiểm soát ở mức 25 μg/m³ (QCVN 2013), số ca tử sớm do ô nhiễm đã tránh được là 2.575 ca; Hà Nội tránh được tổng số 71.613 năm sống bị mất và kỳ vọng sống đã có thể tăng lên 812 ngày, tức là khoảng 2,22 năm tuổi.

Hà Nội: Báo động ô nhiễm không khí nghiêm trọng bởi bụi mịn - Ảnh 2
Chỉ trong 1 năm, 2.855 ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội.

Mặt khác, nếu nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2019 được kiểm soát ở mức 10 μg/m³ (mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO), số ca tử vong sớm do ô nhiễm đã tránh được là 4.222 ca.

Như vậy, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên 3,88 năm và tránh được 123.103 năm sống bị mất.

“Kết quả nghiên cứu này nhằm củng cố các bằng chứng khoa học cho thấy tác động của ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đến sức khỏe cộng đồng. Từ đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về quản lý và cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các hoạt động đánh giá chất lượng không khí cần được mở rộng, đồng thời các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng cần được hoạch định và triển khai kịp thời”, TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường ĐH Y Tế công cộng nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thanh Thủy, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội khẳng định, “trong thời gian tới, TP.Hà Nội sẽ tiếp tục đưa ra nhiều chính sách, triển khai các chương trình nhằm cải thiện chất lượng không khí Thủ đô. Ngay trong năm 2021, UBND thành phố đã giao Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học xây dựng kế hoạch hành động về quản lý chất lượng không khí thành phố”.

Việt Nam cần ít nhất từ 3-5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng bụi mịn

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khẳng định, với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh.

"WTO khuyến cáo bụi mịn gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh. Hiện nay tỉ lệ bụi mịn đang ở mức rất cao. Trong đó, bụi mịn chia thành sơ cấp và bụi mịn thứ cấp. Nguồn gốc phát sinh bụi mịn từ xe máy, công trình xây dựng...", GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho biết, vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào thực sự hoàn chỉnh cho vấn đề bụi mịn. Ông cho rằng, cần phải có một quãng thời gian khá lâu thì chúng ta mới có thể đưa ra được giải pháp tổng thể nhất: "Tôi cho rằng, phải mất ít nhất khoảng 3-5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng hiện nay".

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Báo động ô nhiễm không khí nghiêm trọng bởi bụi mịn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới