Chủ nhật, 24/11/2024 10:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/07/2019 13:59 (GMT+7)

Hà Nội chi hơn 1.000 tỉ đồng hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi

Theo dõi KTMT trên

Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, Hà Nội đã phải chi hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi.

Tại Hội nghị giao ban quý II/2019 đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra sáng 12/7, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhận xét, 6 tháng đầu năm 2019, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Hà Nội phải chi hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi, chưa kể thiệt hại của người chăn nuôi và công sức của lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hà Nội chi hơn 1.000 tỉ đồng hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã phải chi hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thành phố đã hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ xuân và đang tập trung triển khai sản xuất vụ mùa. Đối với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ngoài dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh khác cơ bản được kiểm soát.

Theo ông Mỹ, tính đến 9/7, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 27.689 hộ chăn nuôi (chiếm 34,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi), làm mắc bệnh và tiêu hủy 481.649 con lợn (chiếm 25,7% tổng đàn). Hà Nội đã cấp bổ sung 223 tấn hóa chất và 7.507 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ bệnh; đến nay có 68 xã, phường thuộc 17 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.

Để công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả cao hơn, ông Mỹ cho hay, Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, xử lý bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, các địa phương tập trung quyết liệt các nhiệm vụ: Tiếp tục chỉ đạo, làm tốt công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành; tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng nông sản...

"Sắp tới, Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận hai huyện: Gia Lâm, Quốc Oai đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; chỉ đạo thị xã Sơn Tây, các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Thành phố phấn đấu năm 2019 tăng thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao"- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh .

Trước đó, sáng 11/7, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nhằm giới thiệu các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả, cũng như điều chỉnh, thống nhất một số giải pháp mới, hiệu quả trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi đã trải qua 160 ngày được phát hiện chính thức tại Việt Nam, tính từ khi ổ dịch đầu tiên được giám định tại Hưng Yên. Theo Bộ trưởng, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra rất nặng nề, khi ổ dịch bùng phát chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, liên quan trực tiếp đến sinh kế của người nông dân. Bên cạnh đó, khoản kinh phí các địa phương chi cho công tác phòng chống dịch là rất lớn, số kinh phí này vượt quá ngân sách dự phòng của nhiều địa phương.

Để bảo vệ ngành chăn nuôi lợn, Bộ đã huy động các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, trung tâm lưu giữ giống lớn triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện.

Xuân Đoàn (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội chi hơn 1.000 tỉ đồng hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới