Hà Nội: Có nên điều chỉnh công suất nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong? (Bài 5)
Khu xử lý rác thải sinh hoạt Núi Thoong sau nhiều năm không hoạt động, mới đây chủ đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh Quy hoạch 609 nâng công suất từ 240 tấn/ngày đêm lên 2.000 tấn/ngày đêm.
Hà Nội quyết tâm làm
Ngày 9/12/2021, tại phiên trả lời chất vấn của HĐND TP.Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Nhà máy xử lý rác Núi Thoong, công nghệ tại thời điểm đó là phân loại, tách ủ. Công nghệ đã lạc hậu, trong quá trình triển khai thực hiện gặp phải sự chưa đồng thuận của người dân, chậm giải phóng mặt bằng. Thành phố đã giao xem xét lại công nghệ, tập trung tuyên truyền, thuyết phục người dân.
Qua tuyên truyền và đưa người dân đi tham quan các nhà máy xử lý, người dân đã đồng thuận nên đã GPMB được 10,3 ha. Hiện nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh chủ trương là phát điện sử dụng lò đốt của Đức, nâng công suất lên 2.000 tấn, phù hợp với định hướng của TP, diện tích GPMB và vị trí của nhà máy xa khu dân cư, đã có đường đi vào khu xử lý.
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ các sở ngành rà soát tổng công suất xử lý rác trên địa bàn, để đề xuất nâng công suất điều chỉnh quy hoạch. Sở cũng phối hợp địa phương để thông tin để người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ GPMB đáp ứng việc xây dựng kịp tiến độ.
Qua tìm hiểu được biết năm 2007, UBND huyện Chương Mỹ ra quyết định số 213 về việc chấp thuận cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai được phép triển khai xây dựng Khu xử lý rác thải sinh hoạt có diện tích 2ha tại Núi Thoong, xã Tân Tiến bằng biện pháp chôn lấp có kiểm soát hợp vệ sinh, giải quyết biện pháp tình thế.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận và chôn lấp chất thải rắn khoảng 31 nghìn tấn thì xảy ra sự cố do thủng đáy bạt ở hố thứ 2 (tháng 8/2008). Việc tiếp nhận, chôn lấp phải dừng lại từ đó đến nay.
Cho dù giai đoạn I không hoạt động nhưng đến năm 2014, UBND TP.Hà Nội tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện dự án với công suất 240 tấn/ngày đêm. Tiếp đó, đến tháng 10/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai với diện tích đất là trên 8ha. Tháng 11/2015, UBND huyện Chương Mỹ cấp giấy phép xây dựng số 484/GPXD cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai và được gia hạn tháng 10/2016. Đến tháng 3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ký Hợp đồng thuê đất số 163/HĐTĐ-STNMT-CCQLĐĐ với Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai.
Dù dự án chưa hoạt động, triển khai thì mới đây tháng 4/2021, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai đã có công văn số 17/MTDT-KHTH gửi UBND TP.Hà Nội về việc xin thành lập liên doanh nghiên cứu lập điều chỉnh dự án từ 240 tấn/ngày đêm lên 2000 tấn/ngày đêm, công nghệ Đức đốt rác thải sinh hoạt không phân loại, tái sử dụng nhiệt phát điện với số vốn khoảng 3.900 tỷ đồng.
Cần có cơ sở pháp lý, khoa học
Mặc dù lãnh đạo thành phố và các sở ngành đang cố gắng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đến dự án nhà máy xử lý rác Núi Thoong để hy vọng dự án có thể sớm triển khai và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dự án vẫn vướng phải hàng loạt cơ sở pháp lý cũng như cần có nghiên cứu đánh giá việc ảnh hưởng của dự án đối với môi trường và đời sống người dân quanh khu vực một cách khoa học.
Trước tiên phải kể đến Quyết định QH609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2014. Đối với vị trí xử lý rác xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, diện tích hiện có là 2 ha, mở rộng đến năm 2020 là 3 ha; năm 2030 là 7,50 ha; năm 2050 là 10 ha. Công suất xử lý đến năm 2020 khoảng 200 tấn/ngày; năm 2030 khoảng 450 tấn/ngày; đến năm 2050 khoảng 450 tấn/ngày.
Chức năng: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phân bùn bể phốt. Công nghệ tái chế nhựa, giấy, sắt thép.... Công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh; Công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng; Chôn lấp hợp vệ sinh có thu hồi năng lượng. Phạm vi phục vụ: Một phần quận Hà Đông, các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, hỗ trợ xử lý chất thải rắn cho Khu xử lý Xuân Sơn.
Bên cạnh đó, năm 2014, Dự án được UBND TP.Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư với công suất giai đoạn I là 240 tấn/ngày đêm nhưng chưa thực hiện. Mới đây, chủ đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh dự án lên 2000 tấn/ngày đêm, vậy việc này có tuân thủ theo Luật Đầu tư. Một vấn đề pháp lý khác chính là dự án có thuộc đối tượng phải cấp lại giấy phép môi trường quy định tại điều 44 Luật Bảo vệ môi trường 2020 khi thay đổi về quy mô, công xuất của dự án từ 240 tấn lên 2000 tấn/ngày đêm.
Tháng 4/2021, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai có công văn số 17/MTDT-KHTH gửi UBND TP.Hà Nội về việc xin thành lập liên doanh nghiên cứu lập điều chỉnh dự án từ 240 tấn/ngày đêm lên 2000 tấn/ngày đêm. Sau đó, ngày 5/11/2021, Sở Kế hoạch Đầu tư mới có văn bản số 473/BC-KH&ĐT gửi UBND TP về chủ trương điều chỉnh dự án. Và đến ngày 05/4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường mới đưa nội dung này vào văn bản số 2025/STNMT-CCBVMT gửi UBND TP đề xuất điều chỉnh QH609: (2) Nâng công suất khu xử lý Núi Thoong, huyện Chương Mỹ lên 2000 tấn/ngày đêm.
Bên cạnh đó, cơ sở khoa học cần được nghiên cứu, làm rõ trước khi triển khai dự án đó là khu vực Hưng Ráy – Núi Thoong có địa hình cao hơn các khu dân cư lân cận của xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ). Chưa kể khu vực Núi Thoong có nhiều hang động cát tơ, nếu không có các biện pháp triệt để thì không thể ngăn cản được nước thải từ nhà máy rò rỉ ngấm vào nguồn nước ngầm gây ô nhiễm diện rộng, sau sự cố năm 2008, đến nay vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu xử lý hậu quả triệt để.
Trong khi đó, đa số người dân trong khu vực vẫn sử dụng nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Nếu không có những nghiên cứu, đánh giá khoa học thì có thể dẫn đến những thảm họa về sự cố môi trường tại khu vực này.
Với việc vướng mắc hàng loạt cơ sở pháp lý, khoa học của dự án cho dù Hà Nội quyết tâm làm thì dự án cũng khó có thể triển khai ngay được như lời Giám đốc sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trong phiên trả lời chất vấn cuối năm 2021.
Để làm rõ những nội dung trên, PV Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc CTy Môi trường Đô thị Xuân Mai, tuy nhiên ông Oanh lấy lý do bận công việc và chỉ trao đổi qua điện thoại. Ông Oanh nói rằng, dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong đang trong quá trình xin điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa thể trả lời nội dung mà phóng viên đề nghị.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: Không có địa phương nào muốn có bãi rác ở địa phương mình vì người ta ngại sự cố. Mà sự cố có xảy ra không? Xin thưa là có chứ. Ở Việt Nam đã có nhiều rồi. Vấn đề này, các cơ quan chức năng cần làm việc hết sức cẩn thận, mời các nhà khoa học tham gia và cũng cần có các kiểm tra, thanh tra để làm rõ ràng vấn đề.
Người dân thường sẽ có ý kiến về các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, ở đây chính quyền phải lắng nghe ý kiến của dân, xem dân họ yêu cầu cái gì? Nhà nước có thế mạnh gì để giải quyết? Nhà nước phải phê duyệt dự án một cách có cơ sở khoa học và được thể hiện rõ trong ĐTM.
Còn nữa...
Kiên Giang