Chủ nhật, 24/11/2024 08:35 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/01/2022 10:00 (GMT+7)

Hà Nội: Mở cửa chợ hoa xuân từ ngày 13/1

Theo dõi KTMT trên

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc tổ chức chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó sẽ có 78 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn thành phố. Thời gian tổ chức chợ hoa xuân từ ngày 12/1 đến ngày 31/1 (tức từ ngày mùng 10 đến ngày 29 tháng Chạp). Chợ hoa xuân tổ chức tại các địa điểm được UBND thành phố phê duyệt, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa và ngân sách các quận, huyện, thị xã.

Hà Nội: Mở cửa chợ hoa xuân từ ngày 13/1 - Ảnh 1
Có 78 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội. (ảnh minh họa)

Các chợ hoa phải có biển tên, trang trí cờ, ánh sáng, bố trí nơi làm việc và số điện thoại của đơn vị quản lý chợ để liên hệ giao dịch, kịp thời giải quyết các sự cố, dành diện tích phù hợp để làm nơi trông giữ phương tiện cho khách mua sắm…

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, công tác triển khai tổ chức chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia với tổng lượng hàng hóa đăng ký thực hiện 18.000 tỉ đồng (kế hoạch 5.600 tỉ đồng); đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).

Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết) gồm: Gạo 278.910 tấn; thịt lợn 57.780 tấn, thịt gà 18.594 tấn, thịt bò 16,050 tấn, trứng gia cầm 372 triệu quả, rau củ 309,900 tấn; thực phẩm chế biến 15.495 tấn; thủy hải sản 57,750 tấn; trái cây 156.000 tấn... Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỉ đồng (tương đương năm 2021).

Trong đó, các doanh nghiệp đã xây dựng và tổ chức khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-15% so với Kế hoạch Tết 2021, tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa đã được tăng cường để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ 2 tháng trước Tết với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu sẵn sàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện Phương án bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Triển khai Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29-10-2021 của UBND thành phố về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Sở Công Thương tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, các sự kiện kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn năm 2021 gắn với đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, đưa vào vận hành thêm 14 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP lên 49 điểm trên toàn thành phố, phấn đấu từ nay Tết Nguyên đán đưa vào hoạt động thêm 5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ nhân dân.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Mở cửa chợ hoa xuân từ ngày 13/1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới