Chủ nhật, 24/11/2024 10:50 (GMT+7)
Thứ ba, 09/07/2019 16:40 (GMT+7)

Hà Nội mỗi năm trợ giá hơn 1.100 tỉ đồng cho vận tải hành khách công cộng

Theo dõi KTMT trên

Ngày 9/7, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Các đại biểu tập trung vào chất vấn về cơ chế chính sách phát triển loại hình giao thông công cộng, xử lý xe dù bến cóc. Cụ thể, đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) chất vấn thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để đến tháng 12/2018 ban hành các quy định khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư giao thông thông minh, đường sắt đô thị, xe buýt theo hình thức đối tác công tư, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Vậy đâu là nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

Còn đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương chất vấn về việc chủ trì với các cơ quan rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách đối với vận tải hành khách công cộng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân chất vấn về việc chỉ tiêu vận tại hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2010 phải đáp ứng được 20-25% nhu cầu đi lại của nhân dân, nhưng đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 15,7%. Cuối năm 2019 cũng đạt được khoảng 17,3%. Vậy, giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu và vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện?

Hà Nội mỗi năm trợ giá hơn 1.100 tỉ đồng cho vận tải hành khách công cộng - Ảnh 1
Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội tham gia trả lời chất vấn.

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thành phố đã giao Sở nghiên cứu thực hiện một số dự án đường sắt đô thị và monorail theo hình thức PPP. Sở đã hoàn thiện dự thảo về các quy định đối với lĩnh vực này, chuẩn bị trình thành phố xem xét. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ có ban hành một số nghị định, quyết định thay thế quy định cũ, đặc biệt là thay đổi quy định về lựa chọn nhà thầu. Do đó, Sở phải rà soát lại, chưa thể hoàn thành báo cáo tham mưu cho thành phố.

Liên quan đến việc thu hút đầu tư cho đường sắt đô thị, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố công bố danh mục kêu gọi đầu tư tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, 2018. Trong quá trình thảo luận và cân đối nguồn lực, UBND thành phố đã có chỉ đạo trước mặt tập trung vào 3 tuyến đường sắt đô thị số: 2, 3, và 5. Hiện cũng có hai nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup và T&T đang quan tâm đến các dự án này. Do dự án liên quan đến một số cơ chế đặc thù, các nhà đầu tư đang hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng các dự án theo hình thức PPP (hợp tác công tư) để hoàn thành quy định của pháp luật. Vì vậy, các dự án phải phải dừng chờ cơ chế, chính sách mới.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, theo cơ chế trợ giá, đến năm 2019, thành phố có 100 tuyến triển khai trợ giá, với số tiền trợ giá của thành phố từ năm 2013 - 2018 gần 7.000 tỉ đồng, với 2.600 triệu lượt hành khách, như vậy bình quân mỗi năm trợ giá 1.100 tỉ đồng, với 428 triệu lượt khách được hưởng. Đồng thời, thành phố đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án giá, trong đó qua 5 năm, chính sách giảm giá vé đã dành cho 2,3 triệu lượt người là học sinh - sinh viên, công nhân, cán bộ viên chức. Thành phố còn có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, với phê duyệt hỗ trợ 100% tiền thuê đất cho điểm đỗ xe ở đường Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật trong tối đa 10 năm (từ năm 2017 đã thực hiện đến nay).

Những nội dung nào thuộc thẩm quyền đảm bảo đạt mục tiêu của HĐND thành phố đặt ra thì có thể chuyển sang hỗ trợ. Liên quan việc xác định đơn giá định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá triển khai đấu thầu đặt hàng, theo Nghị định mới, Chính phủ đã có quy định mới chi tiết về cơ chế đấu thầu đặt hàng.

"Chúng tôi đang cùng Sở GTVT nghiên cứu đánh giá kỹ để chuyển sang thực hiện theo Nghị định của Chính phủ và đảm bảo công khai minh bạch, có cơ chế khuyến khích giảm chi phí. Trong đó, đang giao tư vấn theo hướng: Nếu thay đổi giá tăng đột biến quá lớn thì kịp thời báo cáo trình thành phố để xác định đơn giá cho chính xác hoặc định kỳ hàng năm, liên ngành sẽ thuê tư vấn rà soát kịp thời định mức đơn giá này, để đánh giá chính xác, đưa ra đơn giá thực hiện đặt hàng nếu chưa đủ điều kiện và đấu thầu đảm bảo công khai minh bạch" - Giám đốc Sở Tài chính cho hay.

Về vấn đề xe dù, bến cóc, Giám đốc Công an thành phố cho rằng, đây là thực trạng nhiều năm trên địa bàn Thủ đô, là nội dung nhức nối trong khâu đảm bảo trật tự ATGT. Các lực lượng chức năng phối hợp Thanh tra giao thông, các lực lượng an ninh cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị, chủ phương tiện không có các hành vi bắt khách dọc đường, chạy sai luồng. Nếu chúng tôi làm mạnh, ráo riết thì các trường hợp này biến tấu thành xe hợp đồng đón khách tại nhà, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý.

“Về các giải pháp, hiện chưa có giải pháp đột biến. Ở các bến xe, nhất là ở Bến xe Mỹ Đình, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, dán các pano, áp phích trên xe, tuyên truyền chung, giáo dục lái xe chấp hành” - Giám đốc Công an thành phố cho biết.

Đối với giải pháp để nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2020 đạt từ 20 - 25%, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho rằng, sản lượng vận tải hành khách công cộng vẫn đang tập trung ở vận tải xe buýt, do đường sắt đô thị đang chậm tiến độ. Thành phố đã đưa ra một số giải pháp như: Rà soát hoàn thiện đề án nâng tỷ lệ khách xe buýt; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu vận tải hành khách công cộng; tăng cường kết nối phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; tăng cường cơ sở hạ tầng để nâng cao dịch vụ tiện ích…

“Về tiến độ thực hiện Đề án thu phí cơ giới đường bộ và một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Phí trên hiện nay chưa nằm trong danh mục phí và lệ phí mà Quốc hội ban hành. Vì thế, thành phố Hà Nội phải báo cáo Chính phủ, cho phép Hà Nội xây dựng đề án này. Trên cơ sở đó, Sở chủ trì xây dựng đề cương Đề án. Dự kiến, Sở sẽ hoàn thành đề án này để trình UBND thành phố thông qua vào quý IV/2019” - ông Vũ Văn Viện cho biết.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội mỗi năm trợ giá hơn 1.100 tỉ đồng cho vận tải hành khách công cộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới