Hà Nội sẽ loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong
Hơn 72% bếp than tổ ong trên địa bàn TP.Hà Nội đã được loại bỏ. Để con số này là 100%, TP.Hà Nội đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng bếp thân thiện với môi trường, trước khi áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính sau ngày 31/12/2020.
Thành công bước đầu
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP.Hà Nội), sau 6 tháng áp dụng Chỉ thị số 15/CT-UBND về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng bếp than làm nhiên liệu, TP.Hà Nội đã giảm từ 56.670 bếp than tổ ong (tháng1/2017) xuống còn 15.418 bếp (tháng 6/2020), giảm 72,8%.
Tỉ lệ này giúp chỉ số PM2.5 giảm từ 2.317 tấn năm 2017 xuống còn 1.619 tấn năm 2020, giảm 698 tấn; Khí monocacboxit CO, khí độc trong thành phần bếp than tổ ong giảm từ 26.784 tấn xuống còn 8.073 tấn; Lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng bếp than tổ ong giảm từ 550.814 tấn xuống còn 168.370 tấn.
Trong đó, Hoàn Kiếm là quận duy nhất loại bỏ hoàn toàn được việc sử dụng bếp than tổ ong. Kế tiếp là huyện Sóc Sơn giảm 99%, huyện Ứng Hòa giảm 98%và quận Long Biên giảm 91%. Bốn quận huyện trên đã giảm từ gần 15.000 bếp than tổ ong vào năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6/2020. Ngược lại, bốn quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai là những quận còn tồn tại lượng bếp than tổ ong lớn nhất (hơn 1.500 bếp), chiếm 46% lượng khí thải PM2.5 do bếp than tổ ong của toàn thành phố.
Để đạt được kết quả trên, bà Trịnh Thị Minh Phương, Phó trưởng Phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm cho biết: Quận Hoàn Kiếm đã sử dụng tin nhắn Zalo để tuyên truyền và lập nhóm Zalo theo dõi tiến độ thay thế và loại bỏ bếp than tổ ong của các hộ dân trên địa bàn. Các Chỉ thị, Thông báo và việc giám sát được cập nhật thường xuyên và thông tin trực tiếp đến cán bộ chuyên trách, cán bộ lãnh đạo.
Hơn nữa, “quận đã tổ chức nhiều hội thảo tuyên truyền để người sử dụng trực tiếp thấy được mức độ nguy hại bếp than tổ ong đến môi trường không khí, sức khỏe của bản thân người dùng và cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền tại 20 trường tiểu học, THCS để học sinh nhận thức rõ và tác động đến phụ huynh. Ngoài ra, quận thường xuyên tổ chức ra quân, rà soát và kiên quyết thu giữ bếp than tổ ong đối với các hộ dân cố tình vi phạm”, bà Trịnh Thị Minh Phương nói.
Ảnh minh họa. |
Tuyên truyền kết hợp phạt nghiêm minh
Là 1 trong 4 quận còn tồn tại nhiều bếp than tổ ong nhất thành phố, quận Ba Đình đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào cuối năm 2020. Ông Nguyễn Cương Quyết, Phó Trưởng phòng TN&MT quận Ba Đình cho biết, tại giao ban tháng 7 vừa qua, UBND quận đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 14 phường. Trong đó, các phường rà soát theo từng nhóm đối tượng để tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang bếp thân thiện môi trường.
Theo bà Trịnh Thị Minh Phương, mặc dù, trên địa bàn quận hiện không còn ghi nhận trường hợp sử dụng bếp than tổ ong nhưng loại bếp này có thể tái xuất bất kỳ lúc nào do tính tiện lợi và giá thành rẻ. Chính vì vậy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền và theo dõi, giám sát tiến độ thay thế hoàn toàn loại bếp này bằng bếp thân thiện môi trường.
Cùng quan điểm này, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Ứng Hòa Đỗ Mạnh Hà cho rằng: “Điều quan trọng nhất là phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, chính quyền cơ sở phải “lăn” vào việc, chủ động rà soát, tổ chức tuyên truyền, lên phương án hỗ trợ người dân lựa chọn được những loại bếp thay thế phù hợp điều kiện từng địa phương.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định: Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND thành phố, Sở yêu cầu các địa phương đẩy mạnh rà soát, xây dựng và ban hành các quy định đặc thù nhằm hỗ trợ người dân thay thế bếp than tổ ong; giới thiệu các loại bếp công nghệ mới và hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo mua bếp từ, bếp gas...
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2021, các cá nhân, hộ gia đình nào còn sử dụng than tổ ong sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị quyết 155/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về ô nhiễm không khí trong nhà năm 2018, trên thế giới có khoảng 3 tỉ người vẫn sử dụng bếp than, củi... trong các hoạt động sưởi ấm, nấu nướng. Hoạt động đốt bếp than tổ ong sẽ thải ra môi trường các chất khí độc hại như: CO, CO2, SO2, Bụi PM... Các khí này cũng trực tiếp tác động xấu đến sức khỏe của con người. Cụ thể: Hít thở phải khí độc CO sẽ gây ra hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt buồn nôn, ... Nhiễm độc khí CO cũng dẫn tới tình trạng huyết áp cao, thiếu máu cục bộ các bệnh về tim mạch và lâu dài, gây tổn thương tới hệ thần kinh, suy giảm khả năng miễn dịch. Hít phải khí SO2 sẽ gây dị ứng mũi, họng, đường thở... dẫn đến khó thở, ho, tức ngực. Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi tiếp xúc với SO2 là người bị hen suyễn, những người mắc các bệnh về hô hấp, ... Bụi (PM) thải ra từ quá trình đốt bếp than cũng đi vào đường thở, gây tắc nghẽn, viêm phế quản, hen suyễn và ảnh hưởng tới chức năng phổi, suy giảm khả năng hoạt động tim mạch. |
Phạm Oanh