Hà Nội thông qua mức hỗ trợ cho người dân đặc biệt khó khăn
Hà Nội sẽ hỗ trợ mức 2-2,5 triệu đồng/tháng/người đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo.
Hỗ trợ mức 2-2,5 triệu đồng/tháng/người
Tại Kỳ họp thứ 3 ngày 8/12, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP.Hà Nội.
Nghị quyết này quy định một số chính sách đặc thù của TP.Hà Nội, hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ gia đình cận nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo, thoát cận nghèo để ổn định cuộc sống.
Đối tượng áp dụng: Trẻ em dưới 15 tuổi; người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân; thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo; thành viên hộ cận nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo. Đối tượng hưởng chính sách là người đăng ký thường trú tại Hà Nội. Sự hỗ trợ này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo đó, đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi; người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo: Mức hỗ trợ hàng tháng 2 triệu đồng/tháng/người đối với người sống tại khu vực nông thôn; mức hỗ trợ hàng tháng 2,5 triệu đồng/tháng/người đối với người sống tại khu vực thành thị.
Đối với trường hợp người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân: Hỗ trợ hàng tháng mức 440.000 đồng/người/tháng. Trường hợp đối tượng thuộc diện được hưởng các mức hỗ trợ, trợ cấp, trợ giúp hàng tháng khác thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
Về chính sách hỗ trợ về y tế: Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình cho: thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo; thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Mức hỗ trợ học phí theo mức đóng thực tế nhưng tối đa không quá mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, tương ứng với hình thức học thực tế của tháng, tương ứng với từng vùng, từng cấp học do HĐND TP quy định. Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 150.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học và không quá 3 năm học kể từ khi thoát nghèo.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh giá 16.400 đồng
Với 100% đại biểu có mặt (89/89 đại biểu), HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Đối tượng áp dụng là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội; các trường hợp thực hiện dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (trong đó có người chưa tham gia bảo hiểm y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng thực hiện dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, người sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả); các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (trừ trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm); các trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 tự nguyện theo yêu cầu, xét nghiệm cho các tổ chức, doanh nghiệp theo hợp đồng tại các cơ sở y tế công lập.
Cụ thể, xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh (16.400 đồng); xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag miễn dịch tự động/bán tự động (38.500 đồng); xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp mẫu đơn (166.800 đồng); xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp mẫu gộp (giá từ 94.300 đến 122.500 đồng tùy vào số lượng mẫu gộp và tại đơn vị lấy mẫu).
22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của TP. Hà Nội trong năm 2022
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 7,0%-7,5%.
2. GRDP bình quân đầu người: 139-141 triệu đồng.
3. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%.
4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5,0%.
5. Chỉ số giá tiêu dùng: Dưới 4%.
6. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.
7. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%.
8. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
9. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 92,5%.
10. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc/lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 40%; tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện/lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 1,5%.
11. Tỷ lệ đối tượng tham gia BHXH thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 37,5%.
12. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố: 20%.
13. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: Dưới 4%.
14. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 72,2%.
15. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 70 trường.
16. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.
17. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 63%.
18. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 72,5%.
19. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: Khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%.
20. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.
21. Xử lý ô nhiễm môi trường (3 chỉ tiêu): Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 95%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%.
22. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 25 xã; số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 15 xã.
Hà Lan (T/h)