Chủ nhật, 24/11/2024 06:50 (GMT+7)
Thứ hai, 19/04/2021 16:58 (GMT+7)

Hà Nội: Thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản về việc phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu chính nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trên cơ sở tập trung các giải pháp lâu dài trong đảm bảo môi trường. Cụ thể, chú trọng phát triển rộng, hiệu quả về phân loại rác thải tại nguồn; áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, theo nguyên tắc tuần hoàn vật chất; tổ chức triển khai hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng tỉ lệ thu gom và xử lý bằng công nghệ hiện đại thay thế chôn lấp…

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, thị xã và các tổ chức, đơn vị trên địa bàn TP.Hà Nội cần quán triệt, nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Tổ chức phân công nhiệm vụ, xác định trách nhiệm và thực hiện đồng bộ với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm đảm bảo xuyên suốt, hiệu quả.

Đồng thời đẩy mạnh phối hợp, triển khai các nhiệm vụ theo lĩnh vực, nhiệm vụ của các Bộ ngành: Căn cứ các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ ngành thực hiện, UBND Thành phố yêu cầu các Sở chuyên ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các Bộ chuyên ngành theo lĩnh vực quản lý, thực hiện các nội dung nhiệm vụ quy mô cấp Thành phố. Chú trọng đến xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, quản lý chất thải rắn với yêu cầu cao hơn, áp dụng phù hợp với quy định của Luật Thủ đô.

Hà Nội: Thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn - Ảnh 1

Trong đó, đối với Sở TN&MT, UBND Thành phố yêu cầu Sở tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng về phương thức quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn.

Chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải. Xây dựng Quy định quản lý về chất thải rắn trên địa bàn Thành phố (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, phân bùn bể phốt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại, chất thải rắn y tế,...) đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn Thành phố và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, xây dựng trình UBND Thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với khu vực đô thị và nông thôn để triển khai thực hiện; xây dựng lộ trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Sở TN&MT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải, nước rỉ rác hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023; xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh phù hợp với quy hoạch.

Gần 80% bãi chôn lấp rác thải ở Việt Nam không hợp vệ sinh

Theo số liệu thống kê, trong năm 2020, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh ngày càng lớn, có cơ cấu thành phần phức tạp. Tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 51/63 tỉnh/thành phố là khoảng 66.904 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 21.957 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 44.874 tấn/ngày ). Các địa phương có khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Đồng Nai, Hà Nội phát sinh trên 6.000 tấn/ngày).

Số lượng gia tăng chóng mặt, nhưng theo đánh giá tại báo cáo môi trường thì rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đáng chú ý, hiện nay trên cả nước có 904 bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc tập kết chất thải cấp xã, trong đó, 49,1% bãi chôn lấp có diện tích nhỏ hơn 1 ha, hầu hết các bãi chôn lấp đều quá tải, gần 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới