Chủ nhật, 24/11/2024 11:08 (GMT+7)
Thứ ba, 31/05/2022 08:55 (GMT+7)

Hà Nội tiếp tục là ‘điểm nóng’ lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội đang bị tụt lại phía sau và trở thành điểm nóng nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam, với 149 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại 27 cơ sở, chiếm hơn 51% tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước tính đến hết tháng 4/2022.

Chiều 30/5, tại Hà Nội, Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam cùng lên tiếng kêu gọi UBND TP Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và các cơ quan có liên quan khẩn cấp và quyết liệt hành động để tiến tới chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Thủ đô.

Trong hơn 15 năm qua, Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và cộng đồng đã không ngừng nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp, hướng tới mục tiêu bảo vệ quần thể gấu còn lại trong tự nhiên. Hành trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam đã được triển khai 17 năm qua. Vào năm 2005, hơn 4.300 cá thể gấu đã được đăng ký và gắn chíp quản lý nhằm ngăn chặn việc gấu mới phát sinh tại các cơ sở. Từ đó, các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.

Tính tới thời điểm hiện tại, 40 tỉnh/thành phố trên cả nước đã không còn gấu nuôi nhốt, và cả nước chỉ còn 294 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân.

Hà Nội tiếp tục là ‘điểm nóng’ lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam - Ảnh 1
Với 149 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại 27 cơ sở, Hà Nội tiếp tục là  "điểm nóng" lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi bối cảnh trên cả nước đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực thể hiện nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu thì Hà Nội đang bị tụt lại phía sau và trở thành điểm nóng nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 4/2022, có 149 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại 27 cơ sở tại Hà Nội, chiếm hơn 51% tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước.

Được biết, huyện Phúc Thọ đang là một điểm nóng về nuôi nhốt gấu với 139 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân (chiếm khoảng 93% tổng số gấu nuôi nhốt tại Hà Nội). Trước thực trạng đó, vào tháng 1/2022, UBND TP.Hà Nội đã ra Chỉ thị yêu cầu các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, chỉ đạo Công an huyện Phúc Thọ và huyện Mê Linh tăng cường kiểm tra việc nuôi nhốt gấu trên địa bàn, phát hiện trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Chỉ thị trên cho thấy quyết tâm của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu kéo dài suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, Chỉ thị này sẽ không có giá trị nếu thiếu sự cam kết và các giải pháp cụ thể từ phía UBND huyện Phúc Thọ để có thể xóa sổ ngành công nghiệp trích hút mật gấu vẫn đang tồn tại ở địa phương này như các cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, Hà Nội lại đang bị bỏ lại phía sau trong khi rất nhiều chuyển biến tích cực thể hiện nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu đã được ghi nhận tại các địa phương khác trên cả nước. Đã tới lúc Thủ đô cần có giải pháp quyết liệt để sớm đóng cửa các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp.

“Để sớm đóng cửa các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn, nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp, theo tôi cần có cam kết và các giải pháp cụ thể từ phía UBND các huyện”, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) kiến nghị.

Trong buổi tọa đàm, Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam với sự tham gia của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức FOUR PAWS và Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới đã đề xuất một số giải pháp đến chính quyền thành phố Hà Nội để sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Thủ đô.

Trước hết, phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở nuôi nhốt gấu; Kiên quyết xử lý các vi phạm về gấu và tịch thu các cá thể gấu nuôi nhốt trái phép tại các cơ sở; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm nghiêm trọng về gấu. Đồng thời, nghiêm cấm tình trạng cho gấu sinh sản tại các cơ sở tư nhân; vận động các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu lại cho Nhà nước và đảm bảo chặt chẽ chính sách "không bồi hoàn" cho chủ cơ sở nuôi trong mọi trường hợp; khuyến khích sử dụng thảo dược và giải pháp thay thế khác nhân đạo hơn thay vì sử dụng mật gấu.

Năm 1994, Việt Nam ký kết công ước CITES cam kết chấm dứt buôn bán gấu qua biên giới. Năm 2005, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN về quản lý gấu nuôi nhốt nhằm hạn chế số lượng gấu hoang dã bị đưa vào các trang trại gấu. Theo đó, chủ sở hữu gấu phải đăng ký và gắn chíp theo dõi cho từng cá thể gấu.

Bên cạnh đó, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, ban hành ngày 30/3/2006 đã đưa các loài gấu chó và gấu ngựa vào danh mục loài được bảo vệ, cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại.

Như vậy, các cá thể gấu có nguồn gốc bất hợp pháp (từ trước năm 2005) chỉ được phép nuôi nhốt nếu cá thể gấu “có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử”. Hành vi “nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử” là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các hành vi vi phạm liên quan đến gấu, tùy theo mức độ nghiêm trọng và tang vật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 15 năm tù đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội tiếp tục là ‘điểm nóng’ lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới