Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ ba, 03/05/2022 09:43 (GMT+7)

Hà Nội và TP.HCM đã tăng trưởng ra sao sau 10 năm?

Theo dõi KTMT trên

Hành trình 10 năm phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã có những thành tựu nhất định. Cả hai thành phố nỗ lực phát triển, khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.

Hà Nội

Trong giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế Thành phố Hà Nội có tốc độ tăng trưởng khá cao, GRDP bình quân đạt 9,3%/năm, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng và đạt mức khá. Bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của cả giai đoạn ước tăng 7,39%/năm, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3 - 7,8%).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù Thành phố chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP và 18,5% thu Ngân sách Nhà nước. Do đó, Hà Nội ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 39,2% GRDP, gấp 1,65 lần giai đoạn trước, đạt mục tiêu đề ra.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Thành phố đã phát triển kinh tế nhanh, bền vững; coi trọng phát triển văn hóa, xã hội toàn diện, hài hòa; chú trọng phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Ngoài ra, ông Hùng khẳng định, Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, GRDP bình quân đạt 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân chung của cả nước.

Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) nhận định, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tăng cao và chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng đã góp phần làm cho TP.HCM trở thành thành phố có biên độ phát triển lớn nhất trong năm 2015.

Ông Jeremy Kelly, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của JLL cho biết, TP.HCM nổi lên như một trung tâm kinh tế quan trọng và đang phát triển ở châu Á. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng của TP.HCM góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.

Điều giúp cho TP.HCM đạt được những thành tựu tích cực chính là kết quả của 35 năm đổi mới. Đặc biệt giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã tăng trưởng kinh tế khá nhanh, chất lượng tăng trưởng tốt, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ở mức 6,41%/năm, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu Ngân sách Nhà nước.

Là một thành phố năng động, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư tư nhân. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP.HCM chiếm 33,5% GRDP, vượt kế hoạch đề ra là 30%. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nhà nước, chỉ còn 16,7%, tăng tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước lên 69,1%, tỷ trọng khu vực FDI giữ ổn định 14,2%.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, TP.HCM là đô thị đặc biệt, có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn mức trung bình cả nước trong nhiều năm, điều này khẳng định vài trò vững chắc của đầu tàu kinh tế.

Hà Nội và TP.HCM đã tăng trưởng ra sao sau 10 năm? - Ảnh 1

Tốc độ tăng trưởng của Hà Nội và TP.HCM giai đoạn 2011-2021. Nguồn: Cục Thống kê các thành phố.

Qua đó thấy được, trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng bình quân của TP.HCM cao hơn Hà Nội nhưng sang giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng bình quân của Hà Nội cao hơn TP.HCM.

Xét về GDP bình quân đầu người, sau giai đoạn phát triển không ngừng từ 2011 - 2015, GDP bình quân của Hà Nội đạt khoảng 3.613 USD vào năm 2015, tăng 2,3 lần năm 2010 và gấp 1,9 lần bình quân cả nước. Cùng với đó, sau giai đoạn phát triển 2016 - 2020, GDP bình quân của thành phố ước đạt 5.420 USD vào năm 2020, gấp khoảng 1,5 lần so với năm 2015 và gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

Với TP. HCM, sau giai đoạn 2011 - 2015, GDP bình quân đạt 5.217 USD vào năm 2015, cao hơn 1,7 lần so với năm 2010 và gấp 2,2 lần cả nước. Sau giai đoạn 2016 - 2020, GDP bình quân của thành phố đạt 6.328 USD vào năm 2020, gấp khoảng 1,2 lần so với năm 2015 và gấp 2 lần bình quân cả nước.

Năm 2021, tăng trưởng của Hà Nội đạt 2,95%, thấp hơn kế hoạch năm 2021 (7,5%) và thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2020 (4,18%). Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong quý 3/2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Thành phố và nhiều tỉnh, thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động của nền kinh tế hầu như dừng lại thì đây là kết quả tích cực.

Tổng thu NSNN trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2021 ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán Trung ương giao và đạt 96,2% dự toán HĐND Thành phố giao, bằng 84,1% so với thực hiện năm 2020. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 85.600 tỷ đồng, đạt 78,8% dự toán HĐND Thành phố giao. Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 345.000 tỷ đồng (giảm 16%) với khoảng 25.190 doanh nghiệp (giảm 5%). 

Đối với TP.HCM, tốc độ tăng trưởng GRDP quý 3/2021 giảm mạnh, âm 24,97% so với cùng kỳ và cả năm 2021 tăng trưởng âm 6,74% so với năm 2020. Theo UBND TP.HCM, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế trên địa bàn TP.HCM xuống đáy của sự suy giảm, mức giảm lớn nhất tính từ năm 1986 đến nay.

Tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn thành phố năm 2021 ước thực hiện 383.703 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán và tăng 3% so với năm 2020.  Về số lượng doanh nghiệp, thành phố đã cấp phép 30.829 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 517.694 tỷ đồng. So với năm trước, số giấy phép giảm 23,5% và vốn giảm 53,5%.

Theo Nhịp sống kinh tế

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội và TP.HCM đã tăng trưởng ra sao sau 10 năm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới