Chủ nhật, 24/11/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 09:53 (GMT+7)

Hà Nội: Vì sao thành phố lúng túng trong điều chỉnh Quy hoạch 609? (bài 3)

Theo dõi KTMT trên

Dù đã 5 năm trôi qua TP.Hà Nội xin được điều chỉnh QH609 nhưng mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường mới có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội xin bố trí kinh phí để thực hiện rà soát điều chỉnh QH609.

Sở ngành không đủ lực?

Kể từ ngày 30/3/2018, UBND TP.Hà Nội có tờ trình số 28/TTr-UBND gửi văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ QH 609. Có rất nhiều văn bản qua lại giữa các sở ngành TP.Hà Nội, cũng như TP.Hà Nội gửi các bộ ngành Trung ương và Chính Phủ về việc này. Mới đây nhất về việc xin bố trí kinh phí 5 tỷ đồng để thực hiện rà soát điều chỉnh các khu xử lý chất thải tập trung theo quy hoạch xử lý chất thải rắn.

Hà Nội: Vì sao thành phố lúng túng trong điều chỉnh Quy hoạch 609? (bài 3) - Ảnh 1
Rác thải Hà Nội 80% được chôn lấp và xử lý tại Khu LHXLCT Nam Sơn, Sóc Sơn.

Theo đó, Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu UBND TP.Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Được UBND thành phố giao chủ trì rà soát quy hoạch xử lý chất thải. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, Sở Xây dựng đã lựa chọn đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức lập quy hoạch.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho UBND thành phố trong lĩnh vực chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng nên kết quả rà soát quy hoạch phần lớn tập trung vào việc đánh giá kết quả triển khai, cập nhật tiến độ triển khai các dự án theo quy hoạch, chủ yếu đối với chất thải rắn sinh hoạt; chưa rà soát một cách tổng thể đối với tất cả các dự án, vị trí đã được phê duyệt trong quy hoạch để đề xuất các nội dung điều chỉnh, bổ sung, thu hồi phù hợp với thực tiễn, hiện trạng phát triển kinh tế xã hội của 30 quận, huyện, thị xã, phù hợp với các quy định chuyên ngành hiện hành và đặc biệt phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022.

Vấn đề này được sở Tài nguyên và Môi trường lý giải vì chỉ 3 sở: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Quy hoạch Kiến trúc là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có hạn chế trong việc rà soát, chưa đảm bảo khách quan, độc lập . Do vậy cần thiết phải có đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trọng việc xây dựng quy hoạch để thực hiện. Kết quả rà soát của đơn vị tư vấn sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và báo cáo UBND thành phố.

Việc điều chỉnh QH 609 cần tuân thủ các quy định tại Luật Quy hoạch Đô thị 2009; Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Do vậy theo hướng dẫn của Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng tại văn bản số 93/HTKT – CTR ngày 03/03/2020 và tại các cuộc họp cần tính toán nhu cầu xử lý chất thải rắn, khả năng phân luồng và tiếp nhận chất thải rắn đảm bảo không ảnh hưởng đến các cơ sở xử lý chất thải rắn khác, tránh dàn chải, chồng chéo trong tổ chức thực hiện. Với đặc thù là điều chỉnh cục bộ nên tập trung ưu tiên điều chỉnh các nội dung cấp bách, cần giải quyết ngay để đảm bảo tiến độ thực hiện.

Mặt khác với hiện trạng xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố hiện nay, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại 2 Khu xử lý chất thải rắn tập trung của TP.Hà Nội (Khu LHXLCT Nam Sơn, Sóc Sơn và Khu XLCT Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) và chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, dễ gây mất an ninh, chưa hiệu quả, khoa học về cự ly vận chuyển. Trong khi các dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải theo quy hoạch nhưng chưa được triển khai xây dựng do nhiều nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu do công suất của các dự án theo quy hoạch được duyệt còn thấp (200 – 400 tấn/ngày đêm), công nghệ lạc hậu (đốt không thu hồi năng lượng). Để phù hợp với quy định mới của Chính phủ trong quản lý chất thải rắn, ưu tiên tạo điều kiện cho các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, có thể xử lý được nhiều loại chất thải, thu hút các nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch với các nội dung ưu tiên phải thực hiện ngay.

Cần phải có kinh phí thực hiện

Để giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh quy hoạch nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đề xuất được tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện việc rà soát bằng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ phát sinh đột xuất năm 2022; Bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ rà soát điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô với kinh phí 5 tỷ đồng thực hiện giai đoạn 2021 – 2025.

Hà Nội: Vì sao thành phố lúng túng trong điều chỉnh Quy hoạch 609? (bài 3) - Ảnh 2
Rác thải sinh hoạt ùn ứ tại nội thành Hà Nội tháng 6/2022.

Sau đó Sở sẽ báo cáo UBND TP.Hà Nội để trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn với các nội dung điều chỉnh cấp thiết, cần thực hiện ngay gồm 3 nội dung: (1) thực hiện đóng bãi với Khu xử lý chất thải Kiêu Kỵ (Gia Lâm): (2) Nâng công xuất khu xử lý chất thải rắn Núi Thoong (Chương Mỹ) lên 2000 tấn/ngày đêm, (3) Bổ sung chức năng xử lý chất thải nguy hại cho khu xử lý chất thải rắn Châu Can; Xuân Sơn.

Tuy nhiên, việc đề xuất điều chỉnh lần này khác xa so với đề xuất điều chỉnh quy hoạch tại Báo cáo số 18/BC-UBND ngày 21/01/2020 của UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Xây dựng cũng được TP.Hà Nội đề xuất theo hướng điều chỉnh cục bộ nhằm triển khai ngay một số dự án đảm bảo nhu cầu cấp bách trước mắt của Thành phố nhưng với 7 nội dung, cụ thể:

(1) Bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp cho Khu xử lý chất thải Phù Đổng, Gia Lâm. (2) Bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại liên vùng cho Khu xử lý chất thải Việt Hùng, Đông Anh. (3) Nâng tổng công suất xử lý cho khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Sơn Tây lên 3.250 tấn/ngày đêm.

(4) Nâng công suất cho nhà máy xử lý chất thải Phương Đình từ 200 tấn/ngày đêm lên 600 tấn/ngày đêm. (5) Nghiên cứu đầu tư một số nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại xử lý phân bùn bể phốt tại một số khu xử lý (Xuân Sơn, Phù Đổng, Châu Can). (6) Bổ sung công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải thoát nước tại các bãi đổ theo quy hoạch. (7) Rà soát, điều chỉnh lại vị trí quy hoạch một số khu xử lý chất thải, bãi đổ chất thải rắn xây dựng. Bùn thải thoát nước phù hợp quy hoạch của Luật Đê điều.

Hà Nội: Vì sao thành phố lúng túng trong điều chỉnh Quy hoạch 609? (bài 3) - Ảnh 3
Khu xử lý chất thải tại Cầu Diễn.

Trong lúc TP.Hà Nội vẫn đang loay hoay với việc rà soát điều chỉnh quy hoạch dẫn tới nhiều dự án vẫn không thể triển khai, đi vào hoạt động. Liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vẫn chưa ai giải được bài toán rác thải sinh hoạt... "đình công"?

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.

Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh.

Các nhà chuyên môn cho rằng, nếu đem chôn lấp hoặc đốt như cách lâu nay sẽ lãng phí từ 55 - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.

Tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên, sản xuất phân vi sinh và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Việt Nam bắt đầu quan tâm giải quyết bài toán xử lý rác, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp gây thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất để chôn lấp ngày càng tăng ở nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn. Một số địa phương đã đầu tư nhà máy phân loại rác để lấy nguyên liệu tái chế, sản xuất phân vi sinh và đốt rác làm điện nhưng chưa nhiều, công suất còn thấp.

(Còn nữa)

Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Vì sao thành phố lúng túng trong điều chỉnh Quy hoạch 609? (bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới