Hà Nội: Xử lý đất hợp tác xã ‘biến tướng’ thành nhà xưởng
Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ giải thể hoặc chuyển đổi được 100% hợp tác xã (HTX) ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả; giảm tỉ lệ các hợp tác xã trung bình, yếu.
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 1.235 HTX nông nghiệp, trong đó có 1.090 HTX đang hoạt động và 145 HTX đã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Trong tổng số 1.090 HTX đang hoạt động còn 27 HTX (chiếm 2,8%) được đánh giá yếu, kém.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX và các văn bản pháp quy có liên quan; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới; ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản...
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ giải thể hoặc chuyển đổi được 100% HTX ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả; giảm tỉ lệ các HTX trung bình, yếu; có trên 85% HTX hoạt động khá, tốt.
Những năm qua, các HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, theo đó đã có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị gắn với sản xuất - tiêu thụ; 50 HTX ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã có 53 HTX với 180 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng đạt 3 sao OCOP trở lên.
Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thành lập được 176 HTX nông nghiệp, góp phần hỗ trợ các thành viên và bà con nông dân thuận lợi trong sản xuất, tăng thêm thu nhập thông qua các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm nông sản…
Dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Hà Nội trong 5 năm qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Thời gian qua, báo chí nhiều lần phản ánh do buôn lỏng trong quản lý và sử dụng đất, nhiều HTX đã bị biến thành những công trình kiên cố như nhà xưởng, viện dưỡng lão và khu nhà nghỉ dưỡng…
Điển hình là hàng trăm mét vuông đất giao khoán để trồng cây thuộc Trung tâm Nghiên cứu giống bò và đồng cỏ Ba Vì (Trung tâm) bị Cơ sở sữa Ất Thảo xây dựng cửa hàng, nhà xưởng trái phép, sử dụng đất sai mục đích nhiều năm qua chưa bị xử lý.
Được biết, khu đất này là đất nông trường, được giao để trồng cây ăn quả nhưng bị sử dụng sai quy định. Sai phạm đã được khẳng định trong cuộc họp xử lý công trình xây dựng trái phép trên khu đất này ngày 2/11/2018. Cuộc họp có mặt cả ba bên: Đại diện Trung tâm Nghiên cứu giống bò và đồng cỏ Ba Vì, lãnh đạo xã Vân Hòa, chủ đầu tư.
Cụ thể, trong Biên bản họp ghi rõ: Việc cải tạo, cơi nới, xây dựng xưởng mới của ông Nguyễn Cao Cường (chủ đầu tư cửa hàng Đặc sản Ba Vì “Sữa Ất Thảo 1”) khi chưa được phép của các cấp có thẩm quyền là sai với nội dung hợp đồng khoán, quy định của Trung tâm Nghiên cứu giống bò và đồng cỏ Ba Vì và vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì quản lý.
Theo báo Giao thông, Trung tâm Nghiên cứu giống bò và đồng cỏ Ba Vì (Trung tâm) trực thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ khu đất này. Trung tâm có chức năng nghiên cứu chọn lọc, lai tạo các giống bò, giống cây thức ăn gia súc. Ngày 17/3/1993, Trung tâm được tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) cấp giấy chứng nhận quyển sử dụng đất số 01871/QSDĐ/572-QĐ/UB.
Hà Linh