Hà Tĩnh: Giúp dân khắc phục thiệt hại do lốc xoáy
Sau khi xảy ra lốc xoáy khiến cho cho nhiều hộ dân và trường học bị tốc mái, hoa màu bị gãy đổ tại xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), các lực lượng chức năng đã tập trung lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Ngày 30/3 qua trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Khánh Hòa - Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng cho biết, lốc xoáy xảy ra trên địa bàn không có thiệt hại về người nhưng đã khiến cho 26 nhà dân bị tốc mái, 1 số phòng của trường mầm non bị hư hỏng, hơn 50 ha hoa màu bị đổ ngã. Đến thời điểm hiện tại chính quyền địa phương cùng với Công an huyện, Biên phòng cơ bản đã khắc phục xong.
Trước đó, vào khoảng 6h15 ngày 29/3, trên địa bàn xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã xảy ra lốc xoáy làm 26 ngôi nhà, 7 chuồng trại chăn nuôi của người dân bị tốc mái. Nhiều cơ sở vật chất của trường mầm non xã Sơn Hồng bị hư hỏng.
Trước tình hình đó, UBND huyện Hương Sơn đã chỉ đạo chính quyền xã Sơn Hồng phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lốc xoáy gây ra.
Lực lượng chức năng đã giúp đỡ nhân dân lợp lại nhà ở bị hư hỏng, khắc phục cây hoa màu bị đổ ngã, chặt và thu dọn cây xanh gãy đổ, dọn vệ sinh môi trường…
Đồng thời, động viên nhân dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất do lốc xoáy gây ra.
Vì sao mưa đá, giông lốc xuất hiện?
Miền Bắc đang chuyển mùa, không khí lạnh yếu liên tục tăng cường cùng vùng áp thấp nóng phía tây phát triển và hội tụ gió trên cao là điều kiện hình thành mưa đá.
Lý giải ba ngày qua giông lốc, mưa đá liên tục xuất hiện ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc như Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, ông Vũ Anh Tuấn, Phó phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết khu vực này đang chịu tác động của ba hình thái thời tiết. Đó là không khí lạnh yếu liên tục tăng cường xuống miền Bắc, vùng áp thấp nóng phía tây phát triển mở rộng và hội tụ gió ở độ cao 5.000 m di chuyển từ tây sang đông.
"Tổ hợp ba yếu tố này kết hợp tạo nên xáo động không khí rất lớn ở Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi", ông Tuấn nói, cho rằng hiện tượng này không bất thường. Hàng năm, mưa đá xuất hiện vào thời điểm giao mùa từ lạnh sang nóng (từ tháng 3 đến 5) hoặc ngược lại từ nóng sang lạnh (tháng 10-11), tập trung nhiều vào tháng 4-5, phạm vi có thể hầu khắp cả nước.
Miền núi hay có mưa đá vì địa hình núi cao, rừng đan xen, là điều kiện lý tưởng cho đối lưu phát triển mạnh, hình thành mây vũ tích.
Về cơ chế hình thành mưa đá, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phân tích miền Bắc đang giai đoạn giao mùa, trời nóng ẩm, hàm lượng hơi nước trong không khí cao. Khí quyển ở tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng, trên lạnh. Lúc này hiện tượng đối lưu phát sinh, tạo ra những đám mây vũ tích.
Dòng khí đi lên trong đám mây rất mạnh, nâng đỡ những hạt băng và lớn dần, cuối cùng trở thành cục băng có cấu tạo nhiều lớp trong và đục xen kẽ nhau. Khi cục băng lớn tới mức độ mà dòng khí đi lên không còn đủ sức nâng đỡ nữa sẽ rơi xuống đất, gây ra mưa đá.
Mưa đá thường xảy ra 5-10 phút, có thể kéo dài 20-30 phút, đường kính viên đá 0,5-30 mm. Nó chỉ xuất hiện khi có giông, song không phải cơn giông nào cũng có mưa đá, tần suất khoảng 10%. Đá rơi với vận tốc rất lớn, khoảng 30-60 m/s, cá biệt lên tới 90 m/s, gây thiệt hại lớn cho các công trình, hoa màu.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, việc dự báo mưa giông, mưa đá tương đối khó vì phải xác định được khu vực hội tụ gió cũng như xáo động lớn trong không khí. Ngay cả khi xác định được khu vực có xáo động lớn thì cũng chưa chắc đã xảy ra mưa giông, mưa đá. Hiện, cơ quan khí tượng chỉ dự báo được trước 24 giờ và cảnh báo trước 30 phút đến 3 giờ với các khu vực cụ thể.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa đá, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân cần nhận biết các dấu hiệu. Đó là đám mây hình bầu vú đen sẫm kéo đến, gió mạnh, nhiệt độ không khí giảm mạnh. Nếu đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá, người dân nên dừng lại tìm chỗ trú ẩn, đội mũ bảo hiểm tránh đá rơi vào đầu, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục đi để tránh trơn ngã.
Người dân cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà và gia cố mái, những chỗ trọng yếu nên sử dụng vật liệu có thể chống chịu va đập. Mái nhà nên dốc xuống hai bên giúp giảm lực tác động từ mưa đá. Với hoa màu dễ bị nát dập, người dân có thể dựng giàn che dọc theo luống.
Phan Quý