Chủ nhật, 24/11/2024 10:41 (GMT+7)
Thứ hai, 16/08/2021 06:18 (GMT+7)

Hạn hán kéo dài đe dọa an ninh nguồn nước tại Chile

Theo dõi KTMT trên

Theo các nhà khoa học, đợt hạn hán kéo dài với sự thiếu hụt lượng mưa trầm trọng đã khiến dãy núi Andes (Chile) thường có tuyết phủ ở thành phố Santiago hầu như trơ trụi, mực nước hồ chứa thấp và các cánh đồng nông nghiệp khô cằn.

Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã và đang ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu khắc nghiệt ở mọi khu vực trên toàn cầu. 

Mới đây, trang Reuters cho biết, đợt hạn hán kéo dài cả thập kỷ ở Chile đã trở nên tồi tệ hơn do nắng nóng thiêu đốt của tháng 7, tháng thông thường mang thời tiết của giữa mùa đông với mưa và tuyết ở thủ đô Santiago.

Tuy vậy, sự thiếu hụt lượng mưa trong năm nay đã khiến dãy núi Andes thường có tuyết phủ ở thành phố Santiago hầu như trơ trụi, mực nước hồ chứa thấp và các cánh đồng nông nghiệp khô cằn. Các quan chức Chính phủ cho rằng, những cảnh tượng này là bằng chứng rõ ràng về sự nóng lên toàn cầu.

Hạn hán kéo dài đe dọa an ninh nguồn nước tại Chile - Ảnh 1
Tình trạng thiếu nước ngày càng gia tăng và sẽ có khả năng không thể thay đổi được ở khu vực miền Trung Chile. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ Công chính Alfredo Moreno, hai con sông Mapocho và Maipo cung cấp nước cho Santiago hiện có mực nước thấp chưa từng có trong lịch sử Chile. Điều này khiến các nhà quản lý buộc phải tìm cách hạn chế sử dụng nước và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thay thế.

Bên cạnh đó, một số nhà khoa học và chính trị gia ở Chile đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu nước ngày càng tăng và có khả năng không thể thay đổi được ở khu vực miền Trung, nơi có khí hậu Địa Trung Hải. Được biết, nơi đây tập trung khoảng 1/3 dân số của thủ đô Santiago - đầu tàu kinh tế của đất nước.

Theo Cơ quan Khí tượng Chile, một trạm thời tiết ở trung tâm Santiago vừa ghi nhận lượng mưa chỉ 78 mm trong năm nay so với 180 mm của năm ngoái.

Ông Andrés Couve, Bộ trưởng Khoa học Chile nhận định, lượng nước giảm do biến đổi khí hậu đang là vấn đề được ưu tiên giải quyết. Theo ông, Chile đang hứng chịu lượng mưa giảm mạnh và điều đó đang gây ra tình trạng thiếu nước. Ông cũng cho biết thêm, Chính phủ Chile đang giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách đầu tư vào bảo tồn và lưu trữ nước, tạo ra một cơ sở phụ dự trữ nước và thành lập một nhóm làm việc của các nhà khoa học về quản lý nước, cũng như một đài quan sát biến đổi khí hậu.

Trước đó, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo các đợt nắng nóng cực đoan trước đây chỉ xảy ra 50 năm một lần thì giờ đây sẽ xuất hiện 10 năm một lần trong thập kỷ này. Hệ quả là các đợt nắng nóng, hạn hán và mưa lũ sẽ xuất hiện thường xuyên hơn cũng như khắc nghiệt hơn khi Trái Đất ngày càng ấm lên.

Ngoài ra, những trận hạn hán nặng của mỗi thập kỷ cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, sau mỗi 5 - 6 năm. 

Bà Mami Mizutori, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai nhấn mạnh: “Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vaccine để chữa khỏi. Hầu hết các khu vực trên thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng căng thẳng về nước trong vài năm tới. Cầu sẽ vượt cung trong một số thời kỳ nhất định”.

Đặc biệt, hạn hán đã gây ra thiệt hại kinh tế ít nhất 124 tỉ USD và ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỉ người từ năm 1998 đến năm 2017. Dựa trên kịch bản lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng cao, khoảng 130 quốc gia trên thế giới có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn hơn trong thế kỷ này, khoảng 23 quốc gia khác sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch do dân số gia tăng và 38 quốc gia bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố trên. 

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hạn hán kéo dài đe dọa an ninh nguồn nước tại Chile. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới