Hàng lậu liên tục 'đi' máy bay, cất giấu trong kho chứa chuyên nghiệp
Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường liên tiếp phát hiện, thu giữ nhiều tấn hàng không hóa đơn chứng từ được vận chuyển bằng đường hàng không.
168 kiện hàng hóa (hơn 4 tấn hàng) gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em đều không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. |
Phát hiện nhiều hàng hoá không nguồn gốc vận chuyển qua đường hàng không
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ trong 2 ngày 15-16/6/2020, Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP.HCM (Tổng cục Quản lý thị trường) đã thực hiện phương án khám phương tiện vận tải, đồ vật tại Kho hàng quốc nội Vietnam Airlines (sân bay Tân Sơn Nhất).
Toàn bộ các kiện hàng thuộc vận đơn 73845261742 trên chuyến bay VN1820. Đội QLTT số 3 lập Biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật với ông Mai Ngọc Duẩn – nhân viên Công ty TNHH TM DV vận tải YES. Kiểm tra hàng hóa thực tế thuộc vận đơn trên chuyến bay VN1820 là 168 kiện hàng hóa (hơn 4 tấn hàng) gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em. Đây là số lượng hàng hóa rất lớn vận chuyển theo đường hàng không.
Do điều kiện tại kho hàng Quốc nội Vietnam Airlines – Chi nhánh khu vực miền nam, địa chỉ số 49 Trường Sơn, Phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh không thuận lợi để kiểm đếm hàng hóa thực tế, đồng thời ông Mai Ngọc Duẩn chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ nên Cục QLTT đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa chuyển về kho tang vật để kiểm đếm thực tế mặt hàng, chủng loại, số lượng.
Toàn bộ các kiện hàng thuộc vận đơn 73845261742 trên chuyến bay VN1820. |
Trước đó, vào ngày 2/6/2020, Đội QLTT số 10, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện 1.877 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi, sữa các loại. Số hàng này được chứa đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng.
Sau khi "đi" máy bay từ TP.HCM ra Nội Bài, lô hàng trên được chuyển đến kho hàng hóa nội địa (NCTS) thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài. Đây là công ty cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hóa cho 27 trên tổng số 55 hãng hàng không trong và ngoài nước đang khai thác tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Lực lượng quản lý thị trường đã làm việc với đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài và đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đề nghị tạo điều kiện cho lực lượng khám hàng hóa theo quy định, vì người nhận lô hàng trên chưa đến nhận mặc dù đã thông báo.
Hiện cơ quan này đã quyết định tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời đề nghị Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài và đại diện Vietnam Airlines thông báo cho chủ lô hàng trên đến cơ quan chức năng làm việc theo quy định của pháp luật.
Việc liên tục phát hiện các vụ việc các lô hàng lớn không rõ nguồn gốc dấy lên những lo ngại về hiện tượng lợi dụng đường hàng không để vận chuyển hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, sau đó đưa hàng vào sâu nội địa, cất giấu cả trong các kho chứa chuyên nghiệp.
4 tấn hàng không hóa đơn chứng từ tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Vietnam Airlines nói gì?
Liên quan đến vụ việc nêu trên, trả lời Dân Việt, đại diện hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiến hành xác minh điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có kết quả điều tra Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thông tin tới các cơ quan báo chí.
Vị này cho hay: "Đối với hàng hoá được vận chuyển thì chủ hàng phải có trách nhiệm về giấy tờ pháp lý, hợp pháp cho số lượng hàng hoá của mình".
Trả lời SK&ĐS, ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 đang nóng, đường hàng không tạm thời ngưng trệ, điều này không có nghĩa là tình hình buôn lậu đã giảm nhiệt. Hơn nữa, do đặc trưng của một điểm kết nối giao thương hàng hóa quan trọng trong khu vực, Việt Nam cũng dễ trở thành nơi trung chuyển hàng cấm. Thủ đoạn buôn lậu qua đường hàng không thường rất đa dạng, tinh vi, khiến cho cơ quan chức năng rất khó phát hiện, bắt giữ và xử lý vụ việc đến cùng.
Vì vậy, để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình hình buôn lậu qua đường hàng không, các lực lượng chức năng phải nâng cao khả năng nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật soi chiếu, giám sát hiện đại. Điều quan trọng hơn là cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia đang “nóng” về vấn nạn buôn hàng cấm.
Đồng thời, ngành hải quan cũng cần thông báo kịp thời về các phương thức, thủ đoạn và các diễn biến mới của tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường để phối hợp, ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra, ngành hải quan nên đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, tăng cường đào tạo nghiệp vụ điều tra cho đội ngũ cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ Ngày 12/6, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ nguồn gốc lô hàng gồm 43 kiện, 10 thùng chứa tại kho. Cụ thể, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, kiểm tra, làm rõ nguồn gốc lô hàng nêu trên và xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu cơ quan này báo cáo Phó thủ tướng thường trực - trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - kết quả trước ngày 1/8/2020. |
Mai Anh