Hàng nghìn ha lúa ở Hậu Giang bị thiệt hại do mưa kéo dài
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 2, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra mưa lớn kéo dài, kết hợp với dông lốc làm đổ ngã hàng trăm ha lúa hè thu đang giai đoạn chín và hàng nghìn ha lúa thu đông bị ngập úng giai đoạn mạ.
Lúa thu đông mới gieo sạ bị ngập úng do mưa dầm ở huyện Long Mỹ. |
Ghi nhận tại cánh đồng lúa thu đông ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ. Nhiều nông dân tỏ ra vô vọng cho ruộng lúa của mình vừa mới gieo sạ, vì bị mưa vùi dập làm lúa giống chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Hữu Thanh chỉ tay ra 1,5 ha ruộng lúa của gia đình ở phía sau nhà, buồn bã nói: “Dù lúa đã gieo sạ được bốn ngày, nhưng qua mấy ngày mưa liên tiếp cả ngày lẫn đêm, nên không thấy cây lúa nào, chỉ thấy một cánh đồng trắng xóa nước. Lúc đầu, tôi và bà con ở đây còn lấy máy bơm rút nước trong ruộng ra ngoài để cứu lúa, thế nhưng hoàn toàn vô vọng, vì nước vẫn ngập cả bờ mẫu”.
Còn ông Nguyễn Văn Vàng ở cạnh bên có gần 1 ha lúa mới gieo sạ cũng cùng chung cảnh ngộ, cho biết: “Với tình cảnh này coi như lúa đã bị chết hoàn toàn và mức thiệt hại về lúa giống của riêng gia đình tôi trong đợt gieo sạ vừa qua là hơn hai triệu đồng. Hiện tôi và bà con chỉ biết chờ thời tiết nắng để gieo sạ lại đợt 2”.
Nhiều diện tích lúa thu đông tuy được gieo sạ hơn 10 ngày, nhưng do mưa dầm, nước dâng cao cũng làm chết loang lổ khá nhiều. Đang khẩn trương bơm rút nước cho gần 1 ha lúa thu đông của gia đình, ông Nguyễn Văn Quới, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết: “Mấy ngày qua, mưa lớn và liên tục, chiếc máy dầu luôn túc trực bơm rút nước từ trong ruộng ra ngoài mà vẫn không kịp, nước cứ dâng cao làm ngập cả đọt lúa, khiến lúa chết mạ khá nhiều. Chỉ mong thời tiết bớt mưa, nếu không lúa sẽ bị ngập úng và chết hết”.
Trong khi đó, mưa dầm kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại cho không ít diện tích lúa hè thu cuối vụ đang trong giai đoạn thu hoạch. Ông Nguyễn Kiên Cường, ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, có gần 2 ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch đã bị sập 50%, lo lắng: “Nhiều mảnh ruộng của bà con đã bị sập, bông lúa nằm trong nước sẽ ảnh hưởng đến giá bán cũng như năng suất. Hơn nữa, theo hợp đồng với thương lái thì ngày 2/8 vừa qua tiến hành cắt lúa. Thế nhưng, do mưa dầm nên cả cánh đồng phải chờ và không biết đến lúc nào mới thu hoạch lúa được”.
Nhiều diện tích lúa hè thu bị đổ ngã do mưa và dông lốc cục bộ. |
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 65.000 ha lúa hè thu trong tổng số hơn 77.000 ha đã xuống giống. Diện tích lúa chưa thu hoạch tập trung nhiều ở huyện Long Mỹ (hơn 8.000 ha), huyện Phụng Hiệp (gần 2.500 ha) và thị xã Long Mỹ (gần 1.500 ha). Riêng lúa thu đông đã xuống giống hơn 35.000 ha, đặc biệt trong số này có hơn 11.000 ha trong giai đoạn mạ, nên khả năng bị ảnh hưởng và thiệt hại do mưa dầm trong những ngày qua là rất cao.
Thống kê số liệu thiệt hại tại các địa phương trong những ngày qua cho thấy: gần 720 ha lúa hè thu bị đổ ngã với tỉ lệ từ 10-100%, tỉ lệ thiệt hại năng suất từ 5-20%. Hơn 1,6 nghìn ha lúa thu đông mới gieo sạ bị ngập úng với tỉ lệ thiệt hại từ 10-50%. Do ảnh hưởng của gió mạnh, dông lốc đã làm đổ ngã gần 100 ha mía ở huyện Phụng Hiệp đang trong giai đoạn vươn lóng. Hàng chục ha các loại rau ăn lá và bầu, bí… ở địa bàn huyện Vị Thủy bị đổ sập, ngập úng với tỉ lệ thiệt hại từ 30 - 70%...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Trần Chí Hùng: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, dự báo khả năng mưa lớn sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, thị, thành phố trên địa bàn tăng cường công tác thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi tình hình thiệt hại. Đồng thời, vận động nông dân thu hoạch sớm đối với diện tích trà lúa hè thu năm 2020 theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Tích cực chủ động bơm tác chống ngập úng lúa thu đông năm 2020 để giảm thiệt hại do mưa bão gây ra.
Đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, có giải pháp gia cố bờ bao, giúp bảo vệ diện tích lúa, chống úng cho lúa, rau màu, cây ăn trái…
Theo báo cáo tổng hợp từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ ngày 1 đến 4/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn Hậu Giang có 58 căn nhà bị sập hoàn toàn và 236 căn bị tốc mái do dông, lốc cục bộ. Tổng thiệt hại ước tính hơn 4 tỉ đồng.
Phùng Dũng - Tấn Phát