Chủ nhật, 24/11/2024 08:17 (GMT+7)
Thứ năm, 24/09/2020 09:41 (GMT+7)

Hàng trăm cột điện gãy đổ ở Huế sau cơn bão số 5: Có bình thường?

Theo dõi KTMT trên

Cơn bão số 5 chỉ mạnh cấp 8 nhưng hơn 270 cột điện ở Thừa Thiên Huế đã gãy đổ khiến dư luận quan tâm, đặt câu hỏi về chất lượng của cột điện tại địa phương.

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng (trên tổng số 531.135 cột điện tại các tỉnh, thành phố này) do ảnh hưởng của bão số 5. Trong đó, có 304 cột bị gãy (chiếm tỷ lệ 0,06%), 169 cột bị đổ, 143 cột bị nghiêng.

Trong số 304 cột bị gãy tại các tỉnh, thành phố nêu trên, có 34 cột bê tông dự ứng lực và 270 cột bê tông thường.

Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 272 cột bị gãy, trong đó có 30 cột bê tông dự ứng lực. Thống kê trên cho thấy, tỷ lệ cột bê tông dự ứng lực chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 11%) trong tổng số cột điện bị gãy.

Hàng trăm cột điện gãy đổ ở Huế sau cơn bão số 5: Có bình thường? - Ảnh 1
Một cột điện bị gãy ở TP.Huế. Ảnh: Zing

Lỗi do đâu

Sau sự cố gãy hàng loạt trụ điện vừa qua, nhiều người tỏ ra hoài nghi về chất lượng khi cột điện được thiết kế chịu được gió giật trên cấp 12 nhưng đã gãy, đổ khi bão đổ bộ với sức gió cấp 8-9, giật cấp 11.

Trao đổi vấn đề này với TTO, PGS TS Lê Văn Cảnh, phó hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM cho rằng, các cột điện ở miền Trung gãy đổ đợt bão vừa qua do lực gió mạnh, thiết kế thi công trụ có thể chưa đảm bảo chất lượng, chưa tính toán lực gió giật mạnh.

Theo vị chuyên gia này, nguyên tắc khi thi công phải tính toán kỹ giới hạn lực tác dụng với các thông số vận tốc gió, lực gió, tải trọng dây... Hiện công nghệ bê tông dự ứng lực đảm bảo tốt lực tác động khá lớn vì sử dụng công nghệ kéo thanh thép ra trước, sau đó nén lại làm hạn chế lực thực tế. Tuy nhiên cần xem xét, đảm bảo quy trình kỹ thuật bố trí thép đầy đủ, đúng vị trí, chất lượng thép mới đảm bảo chất lượng trụ điện.

"Sự cố gãy hàng loạt trụ điện vừa qua chúng ta cần đánh giá lại quá trình thi công, kiểm tra hồ sơ trong nhà máy, bản thiết kế chịu lực có lường trước độ giật của gió bão hoặc chất lượng thi công không đảm bảo", PGS TS Lê Văn Cảnh bày tỏ.

Ông Cảnh phân tích thêm khi cốt thép được kéo đạt giới hạn đàn hồi gặp tải trọng vượt quá khối lượng thiết kế thì trụ điện dễ bị gãy ngang. Trụ điện dự ứng lực chịu tải trọng theo phương thẳng đứng rất tốt nhưng chịu lực uốn rất kém vì độ đàn hồi của cốt thép đã được kéo giãn đạt giới hạn từ khi sản xuất trụ.

Trạm biến áp sẽ gây ra tải trọng theo phương thẳng đứng lên trụ điện còn dây điện sẽ chịu tải trọng theo phương chéo - ngang. Khi gặp gió mạnh, dây điện sẽ chuyển động khiến cho tải trọng có thể bị cộng dồn dẫn tới tải trọng khi có gió sẽ có thể lớn hơn lúc đầu gấp nhiều lần, nhất là khi gặp gió giật.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với Zing dưới góc độ pháp lý, Luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN) cho rằng cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để đánh giá thiệt hại tài sản của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

"Nếu cơ quan chức năng xác định việc hàng trăm trụ điện bị gãy là do công ty điện lực vận hành, sử dụng không đúng quy định, gây thiệt hại thì đơn vị này phải bồi thường", luật sư Việt nhận định.

Trường hợp công ty điện lực đã áp dụng tất cả biện pháp phòng, chống cần thiết nhưng cột điện vẫn gãy thì đơn vị này không phải bồi thường. "Các cột điện đảm bảo chất lượng, việc thi công đúng quy trình nhưng bão số 5 làm hư hỏng thì đây được xem là trường hợp bất khả kháng. Như vậy, công ty điện lực không phải bồi thường", luật sư Việt nói.

Nếu có cơ sở chứng minh cột điện bị gãy là do chất lượng không đảm bảo thì theo Khoản 3, Điều 601 và Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân hoặc doanh nghiệp bị thiệt hại.

Để làm vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định cho biết trong cuộc họp giao ban mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo công ty điện lực kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, nguyên nhân khiến hàng loạt trụ điện trên địa bàn gãy, đổ.

Sau khi có kết quả đánh giá, UBND tỉnh sẽ đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm việc hàng trăm cột điện bị gãy, đổ.

"Hệ thống lưới điện là công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước nên tôi nghĩ ngành điện lực phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư, giám sát chất lượng. Vấn đề đúng, sai thế nào thì cần phải chờ các cơ quan chức năng làm rõ", ông Định nói.

Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, cột điện ly tâm dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016, 5847:1994, chịu được sức gió giật trên cấp 12. Tuy nhiên, khi bão số 5 có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 đổ bộ, hàng trăm cột điện bị gãy, đổ.

Ngày 22/9, Tổng công ty Điện lực miền Trung thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải khi bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế khiến nhiều cây xanh bật gốc. Những cây này đổ vào đường dây điện, cột điện, tạo nên lực tác động kép bất thường quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây…

Ngoài ra, một số vị trí nằm ngoài khu dân cư có gió giật mạnh làm đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy, đổ cột.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo tạm dừng sử dụng loại cột này để kiểm tra chất lượng.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Hàng trăm cột điện gãy đổ ở Huế sau cơn bão số 5: Có bình thường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới