Chủ nhật, 24/11/2024 08:29 (GMT+7)
Chủ nhật, 31/05/2020 08:00 (GMT+7)

Hàng trăm hecta rừng ở Lâm Đồng 'biến mất' do quản lý lỏng lẻo

Theo dõi KTMT trên

Trong hàng trăm hecta rừng biến mất, có nhiều diện tích đã bị chính cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà lấn chiếm, tự ý xây nhà trái phép trên đất rừng, trồng cây nông nghiệp, công nghiệp.

Hàng trăm hecta rừng ở Lâm Đồng 'biến mất' do quản lý lỏng lẻo - Ảnh 1
Cây cà phê trồng trên diện tích lấn chiếm đất rừng tại xã Phúc Thọ (Lâm Hà, Lâm Đồng). (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) được giao hơn 1.240ha đất trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp theo các Nghị định của Chính phủ (Nghị định 02/1994/NĐ-CP, Nghị định 135/2005/NĐ-CP, Nghị định 168/2016/NĐ-CP).

Nhưng sau nhiều năm giao đất, hàng trăm hecta rừng đã “biến mất,” do sự quản lý lỏng lẻo thiếu khách quan trong việc giao khoán đất rừng.

Điều đáng nói, trong hàng trăm hecta rừng biến mất ấy, có nhiều diện tích đã bị chính cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà lấn chiếm, tự ý xây nhà trái phép trên đất rừng, trồng cây nông nghiệp, công nghiệp như cà phê, mắc ca. Những diện tích đất rừng bị lấn chiếm rất khó để giải tỏa, thu hồi.

Để tìm hiểu vì sao hàng trăm hecta rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà bị lấn chiếm, nhóm phóng viên TTXVN đã trở lại những cánh rừng xã Phúc Thọ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà (huyện Lâm Hà), trước đây là Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh quản lý. Một thực trạng đáng buồn là ngay tại Đội Bảo vệ rừng số 5, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng.

Đi một vòng xung quanh khu nhà Đội Bảo vệ rừng số 5, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà (đóng tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) rất dễ để nhận ra những diện tích đã bị lấn chiếm.

Nhiều cây thông lâu năm, nay chỉ còn lại dấu vết là những gốc cây bị đốt cháy đen nhẻm, nằm trơ trọi. Thay vào đó là những cây mắc ca xen lẫn cà phê đang chuẩn bị thu hoạch.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển sang Đội Bảo vệ rừng số 6 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà đóng tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, huyện Lâm Hà (cách khoảng 20km), nơi đây cũng xảy tình trạng tương tự.

Tại khu vực này, bên cạnh tấm băngrôn tuyên truyền “Bảo vệ và phát triển rừng” của dự án Red+ là hai căn nhà (một nhà gỗ, một nhà xây) lấn chiếm đất công nằm trên đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà.

Nhưng không hiểu vì sao đã nhiều năm qua Ban Quản lý bảo vệ rừng chưa thu hồi, giải tỏa.

Ngoài thực trạng phá rừng, tình trạng người được giao đất trồng rừng bị các đối tượng “xã hội” đến chiếm đất rất công khai và có cả cán bộ cơ quan chức năng bảo kê.

Ông Hoàng Văn Môn, thôn 6 xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, chia sẻ: "Tôi cùng gia đình ông Trần Đức Hòa, cùng ngụ tại xã Tân Thanh nhận khoán 4,4 ha đất (đã được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất) tại xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà) để trồng cây mắc ca, cây sao. Tuy nhiên, 2 năm sau (năm 2017) đã bị các đối tượng xấu đến lấn chiếm dùng máy múc (máy đào) múc đất, chặt phá."

"Không chỉ ngang nhiên lấn chiếm đất, những đối tượng trên còn thách thức, đe dọa người dân không được canh tác, trồng rừng tại những vị trí trên. Đã nhiều lần chúng tôi mời Kiểm lâm, Công an huyện đến làm việc nhưng hiện nay chúng tôi vẫn chưa lấy lại được đất," ông Môn nói.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Tú, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà cho biết năm 2012, gia đình ông được nhận 6,7ha đất theo Nghị định 135 của Chính Phủ về “việc giao đất khoán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh, công ty, xí nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp nhà nước.”

Sau khi nhận khoán, gia đình ông Tú bắt tay vào cải tạo, trồng rừng với 13.000 cây muồng đen, chi phí 35 triệu đồng. Nhưng một thời gian sau đã bị kẻ xấu lấn chiếm toàn bộ diện tích trên.

Ông Nguyễn Thanh Tú bức xúc: “Sau nhiều lần bị lấn chiếm, gia đình tôi dùng xe ôtô chở hàng trăm cây giống muồng đen (một loại cây cho khai thác gỗ nhanh) đến, nhưng bị số người là cán bộ cơ quan chức năng địa phương ngăn cản không cho trồng trên diện tích đã giao khoán. Họ tuyên bố nếu có trồng được cũng nhổ hết sạch. Ngoài diện tích bị lấn chiếm, tôi còn bị đốt phá 2 căn nhà gỗ trên diện tích này. Tôi là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, vận động bà con đi trồng rừng mà bản thân mình không giữ được rừng, cảm thấy hổ thẹn nên đã viết đơn xin từ chức, về làm vườn."

Theo ông Nguyễn Thanh Tú, chủ trương giao đất rừng cho người dân của Nhà nước, Chính phủ đều rất đúng đắn nhưng việc mất rừng là do xử lý chưa nghiêm. Rừng tự nhiên, rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà ngày càng giảm do quản lý lỏng lẻo, xảy ra tình trạng “xà xẻo” đất công thành đất tư.

Hàng trăm hecta rừng ở Lâm Đồng 'biến mất' do quản lý lỏng lẻo - Ảnh 2
Những căn nhà xây dựng lấn chiếm trên diện tích đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Về hồ sơ tạm giao đất trồng rừng, theo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, từ năm 2006-2008, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh đã lập 18 biên bản tạm giao đất lâm nghiệp để trồng rừng cho 20 hộ trên 173ha. Hiện trạng đất tạm giao chủ yếu là đất rừng do phá rừng, đất sau giải tỏa càphê và lấn chiếm đất rừng trái phép trồng hoa màu.

Cũng theo kết luận của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, việc giao đất rừng còn nhiều yếu kém.

Cụ thể, chưa niêm yết công khai danh sách các trường hợp được giao khoán tại trụ sở tổ chức mình, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất và tổ chức tiếp nhận ý kiến của người nhận khoán; chưa tổ chức cắm mốc ranh giới vị trí diện tích giao khoán cho các hộ nhận khoán tại hiện trường; chưa hoàn thành việc điều chỉnh toàn bộ bản đồ hiện trạng diện tích khoán đất lâm nghiệp cho từng đối tượng nhận khoản theo quy định.

Đặc biệt, có 9 hợp đồng giao khoán theo Nghị định 168/2006/NĐ-CP (về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước) với diện tích hơn 13 ha tại xã Đông Thanh chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt cho phép khoán.

Ngoài ra, có 6 căn nhà xây dựng trên diện tích trên 85ha thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh (huyện Lâm Hà) lập 18 biên bản tạm giao 173ha đất lâm nghiệp cho 20 hộ trồng rừng là không có căn cứ pháp lý, cũng như chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Hà.

Ngày 13/4/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kết luận thanh tra số 2096/KL-UBND về công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà.

Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Lâm Hà.

Mặc dù Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Hà có văn bản về việc tạm ngưng giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP (về việc giao đất khoán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh, công ty, xí nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp nhà nước), nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (nay sáp nhập với Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà) vẫn tiếp tục ký kết giao khoán đối với 6 hợp đồng với 55ha đất cho các cá nhân là viên chức của đơn vị để trồng rừng.

Việc ký kết giao khoán này đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Hà.

Đặc biệt, có 2 đơn xin nhận khoán đất lâm nghiệp giả mạo chữ ký của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã cũng như con dấu của Ủy ban Nhân dân xã Phúc Thọ để nhận khoán.

Thời điểm chưa sáp nhập, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban và Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh đồng ý cho chuyển nhượng thành quả đầu tư đối với 17 hợp đồng giao khoán trồng rừng với 819,27ha.

Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp, ngày 13/4/2020, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản số 2105/UBND-LN chỉ đạo kiểm điểm xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan gồm chủ rừng, Ủy ban Nhân dân cấp xã, lực lượng kiểm lâm địa bàn để xảy ra các vụ phá rừng nêu trên.

Các trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm có thể bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 30/5/2020.

Đặng Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Hàng trăm hecta rừng ở Lâm Đồng 'biến mất' do quản lý lỏng lẻo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới