Hàng Việt “lưu vong” ngay trên chính quê hương
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam bức xúc với việc Big C bất ngờ dừng nhập hàng may mặc để tái cấu trúc kinh doanh. Liệu cuộc “đào thải” này có chỉ dừng ở “vài chục nhà cung cấp”…?
Chiều 3/7, hàng trăm nhà cung cấp sản phẩm may mặc cho hệ thống Big C tại Việt Nam đã kéo đến căng băng rôn, biểu ngữ, tập trung đông người,… để phản đối thông báo ngừng nhập hàng ngành may mặc Việt Nam của Tập đoàn Central Group.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, một số người đã kêu gọi tẩy chay Big C nếu như siêu thị này tẩy chay hàng Việt.
Nguồn cơn xuất phát từ một bức thư được cho là của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) gửi cho các đối tác tại Việt Nam cung cấp hàng hoá cho hệ thống siêu thị Big C của tập đoàn này. Theo thông báo, Big C sẽ tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam.
Hàng trăm người lao động và chủ doanh nghiệp kéo đến văn phòng đại diện Central Group tại TP HCM. |
Lý do được Central Group đưa ra là “nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam” nên sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019. Tập đoàn này cho biết, tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại.
Quyết định tạm dừng hợp tác của Central Group sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng trăm nhà cung cấp sản phẩm may mặc tại Việt Nam. Bởi hệ thống siêu thị Big C từ lâu đã và đang là nguồn tiêu thụ hàng hoá rất lớn cho các doanh nghiệp này, việc cắt hợp đồng mua hàng đột ngột sẽ khiến các nhà cung cấp trở tay không kịp, rơi vào tình cảnh khó khăn.
Trao đổi với báo chí, đại diện Big C Việt Nam cho biết, hãng này có hàng ngàn nhà cung cấp hàng hoá tại Việt Nam, nhưng thông báo nêu trên chỉ được gửi cho vài chục đơn vị để thay thế hàng, chứ không phải là ngừng hoàn toàn việc nhập hàng may mặc của Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí phát đi cuối ngày, ông Vũ Thanh Tân, đại diện Big C Việt Nam cho biết: "Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng". Do đó, Big C Việt Nam khẳng định: “không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam".
Dù vậy, sự việc Big C Việt Nam dừng mua hàng hoá may mặc của nhiều doanh nghiệp trong nước làm dấy lên lo ngại rằng có hay không hàng hoá do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, cung cấp bị “đẩy” khỏi hệ thống siêu thị do nước ngoài sở hữu, nhường chỗ cho hàng nhập ngoại?
Big C dừng nhập hàng may mặc khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó tiêu thụ |
Được biết, Central Group - Tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) đang gặp khó khăn tài chính vào năm 2016 với giá 1,05 tỉ USD. Việc mua lại Big C nằm trong chiến lược của Central Group nhằm mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực ASEAN.
Trong suốt 18 năm qua, tập đoàn này đã liên tục rót vốn đầu tư cho công ty con Big C tại Việt Nam, và đến nay đã phát triển hệ thống mạng lưới gồm 43 cửa hàng, 30 khu trung tâm mua sắm trên cả nước.
Năm 2015, Big C ghi nhận doanh thu chưa thuế đạt 586 triệu Euro (khoảng 14.700 tỉ đồng). Với lợi thế sẵn có về hạ tầng cơ sở, vị trí, mối quan hệ với hàng nghìn nhà cung cấp, khách hàng rộng lớn… Central Group mua lại Big C chỉ là vấn đề thời điểm, giúp tỷ phú Thái Lan nhanh chóng thâu tóm thị phần bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, mới chỉ 2 năm đổi chủ và nắm quyền điều hành, Central Group đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp và nhà cung cấp bức xúc, đỉnh điểm là sự việc ngừng nhập hàng từ nhà cung cấp tại Việt Nam, hàng trăm người kéo đến căng băng rôn, biểu ngữ phản đối…
Điều khó hiểu nhất trong thông báo của Central Group đưa ra là chỉ dừng hợp tác với “vài chục nhà cung cấp” mà không cho biết cụ thể vì sao lại giới hạn số lượng doanh nghiệp này? Liệu sắp tới đây sẽ có thêm bao nhiêu nhà cung cấp tại Việt Nam bị tập đoàn “dứt tình”?
Nếu như tập đoàn này muốn “tái cấu trúc ngành hàng may mặc tại Việt Nam” thì có thể đưa ra lộ trình giảm sốc hơn như giảm số lượng và mặt hàng thu mua, nâng tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, hay chính sách giá nhập hàng… để tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp.
Với sức tiêu thụ hàng hoá rất lớn từ hệ thống Big C tại Việt Nam, có thể thấy Central Group luôn đòi hỏi nguồn cung hàng hoá cũng đa dạng, số lượng lớn, thường xuyên, giá thành rẻ,… để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, mà bài toán lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy tập đoàn này đã có sự lựa chọn thay đổi nhà cung cấp hàng may mặc mới hay chưa, là đối tác trong nước hay nước ngoài?
Và trong lúc này, động thái “dứt tình” với hàng chục đối tác cung cấp hàng hoá đã có mối quan hệ hợp tác làm ăn truyền thống từ nhiều năm qua cảm thấy bất an, lo sợ nếu tới đây có thêm nhiều hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam phải rời khỏi kệ hàng của Big C.
Hải Hà