Chủ nhật, 24/11/2024 08:42 (GMT+7)
Thứ hai, 21/06/2021 06:10 (GMT+7)

Phóng viên Kinh tế Môi trường và hành trình xâm nhập thủ phủ 'khoáng tặc'

Theo dõi KTMT trên

Để có những sản phẩm khác biệt, hiệu ứng xã hội trong mỗi tác phẩm báo chí, người cầm bút đòi hỏi phải dấn thân có trách nhiệm, luôn cần có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” vượt qua mọi cám dỗ.

Loạt bài “Xẻ thịt” núi đồi tận diệt tài nguyên ở Hà Tĩnh khởi đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường từ tháng 3/2021 của Nhà báo Trần Tiến Đạt – phóng viên thường trú khu vực miền Trung của Tạp chí đã gây tiếng vang trong công luận.

Sau loạt bài 12 kỳ này, ngày 6/4/2021, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng đề nghị Chính phủ siết chặt quản lý và mạnh mẽ ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên theo kiểu tận diệt diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Loạt bài này là một ví dụ điển hình về phẩm chất dấn thân, dũng cảm và kiên định đấu tranh trước cái xấu mà mỗi nhà báo cần trang bị trong khi tác nghiệp, đặc biệt ở những đề tài nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những chia sẻ từ người trong cuộc.

Đã theo nghề, phải dấn thân

Những ngày đầu năm 2021, sau khi nhận được thông tin có một đường dây khai thác trái phép đá thạch anh, quy mô lớn tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, tôi và một đồng nghiệp đã xin ý kiến Ban Biên tập cấp tốc lên đường để tìm hiểu thông tin.

Khi xác định được sơ bộ vị trí, thời gian “khoáng tặc” hoạt động, tôi rất bất ngờ vì hoạt động của nhóm này rất tinh vi, liều lĩnh. Người canh gác các điểm khai thác 24/24h, khiến việc tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên Kinh tế Môi trường và hành trình xâm nhập thủ phủ 'khoáng tặc' - Ảnh 1
Phóng viên phải sử dụng bộ đàm, flycam để tiếp cận khu vực khai thác trái phép đá thạch anh.

Chúng tôi dần như rơi vào bế tắc, lúc này bản thân tôi bắt đầu cảm thấy rất khó, nguy hiểm với đề tài này, ý chí bắt đầu lung lay. Mỗi ngày, tôi chỉ đứng phía ngoài điểm khai thác khoảng 20km và đếm những chuyến xe tải chở đầy khoáng sản quốc gia mà chúng ăn cắp đi tiêu thụ. Lúc này, ý chí, trách nhiệm với nghề, cũng như “cái tôi” trong mình trỗi dậy. Tôi tự đặt câu hỏi nếu mình thua cuộc thì liệu có thể bước tiếp với nghề? Và tôi chấp nhận dấn thân.

Chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch xâm nhập vào thủ phủ của “khoáng tặc”, theo cách ngụy trang là một công nhân, phương tiện phải đổi liên tục để tránh bị phát hiện. Khi vào được chân núi tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi có điểm khai thác đá thạch anh, chúng tôi tách ra đi bộ đường núi để tiếp cận điểm khai thác.

Phóng viên Kinh tế Môi trường và hành trình xâm nhập thủ phủ 'khoáng tặc' - Ảnh 2

Để che mắt cảnh giới, phóng viên phải cải trang thành công nhân, đi xe máy vào khu vực chân núi.

Lo lắng, nguy hiểm bắt đầu xuất hiện khi điện thoại mất sóng, tôi và đồng nghiệp mất liên lạc nên hai người đã tự rút lui để đảm bảo an toàn. Tiến độ công việc của tuyến bài được báo cáo hàng ngày về Ban Biên tập để có chỉ đạo, hỗ trợ.

Hai ngày sau, tôi và đồng nghiệp tiếp tục vào lại xã Kỳ Lạc để tiếp cận điểm khai thác, lúc này chúng tôi được trang bị bộ đàm, flycam để liên lạc cũng như ghi nhận được hình ảnh chân thực hơn.

Vượt qua cám dỗ, vạch mặt “khoáng tặc”

Không có gì là dễ dàng cả. Sau nhiều ngày ghi nhận, thu thập thông tin, chúng tôi cũng bị “cảnh giới” phát hiện, lúc này buộc phải rút lui và tìm phương án thu thập qua kênh khác. Cuộc truy tìm của những tên “khoáng tặc” bắt đầu. Đây là một tổ chức khai thác trái phép đá thạch anh lớn, diễn ra trong thời gian dài nên thế lực của nhóm khai thác cũng không phải tầm thường. Thân là một phóng viên nhỏ mọn, chúng tôi bắt đầu bị nhóm “khoáng tặc” truy tìm, với những cuộc điện thoại “can thiệp”, ý phải “dừng cuộc chơi”.

Phóng viên Kinh tế Môi trường và hành trình xâm nhập thủ phủ 'khoáng tặc' - Ảnh 3
Nhà báo Trần Tiến Đạt – phóng viên thường trú khu vực miền Trung của Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Tối 5/3, nhận thấy đến lúc cần “chốt hạ” những tên khoáng tặc ăn cắp tài sản quốc gia, tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng (Công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để tóm gọn đoàn xe chở đá thạch anh đang trên đường đi tiêu thụ tại Hà Nội. Hàng trăm khối đá được niêm phong, lấy mẫu đưa đi giám định, bản tin đầu tiên của tuyến bài cũng được đăng tải ngay sáng hôm sau.

Sau khi đăng tải, bài viết có hiệu ứng xã hội rất tốt, đây là niềm vui của chính bản thân tôi. Ngược lại, cũng rất nhiều áp lực đè nặng lên tôi ngay sau bài viết đấy. Những cuộc điện thoại từ bạn bè, gia đình…gọi đến tôi để “xin” dừng lại, không phản ánh tiếp, bản thân tôi cũng không hiểu vì sao họ lại nhờ được những người thân của tôi. Thậm chí những cuộc điện thoại lạ gọi “đặt vấn đề”, để giúp đỡ.

Phải rất khó khăn, vượt qua nhiều cám dỗ, áp lực từ người thân, tôi tự hứa với bản thân, sống phải có trách nhiệm với nghề, với chính bản thân. Sau đó, loạt bài viết 12 kỳ được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Đến nay, sau 3 tháng cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, mọi hoạt động khai thác đá thạch anh trên địa bàn Hà Tĩnh cũng bị “chặt đứt”, chỉ chờ ngày đưa “khoáng tặc” ra ánh sáng.

Với tôi và đồng nghiệp, tuyến bài này là sự khởi đầu năm 2021, cũng là tuyến bài tâm đắc nhất từ khi tôi chuyển mình theo hướng chuyên sâu cho lĩnh vực Kinh tế Môi trường. Đây cũng là niềm động lực để tôi vượt qua, có những bài viết hay hơn, có giá trị hơn nhằm góp phần phát triển xã hội.

Trần Tiến Đạt

Bạn đang đọc bài viết Phóng viên Kinh tế Môi trường và hành trình xâm nhập thủ phủ 'khoáng tặc'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới