Chủ nhật, 24/11/2024 08:45 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/02/2023 15:36 (GMT+7)

Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta

Theo dõi KTMT trên

Như chúng ta đều biết, ngày 9/2/2023, Tổng thống Nam Phi tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” vì thiếu điện.

Như chúng ta đều biết, ngày 9/2/2023, Tổng thống Nam Phi tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” vì thiếu điện. Trong khi đó, hệ thống điện của quốc gia này đã từng khá mạnh, có quy mô tương đương với hệ thống điện của Việt Nam hiện nay. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích quá trình phát triển hệ thống điện Nam Phi để tìm nguyên nhân và rút ra bài học cho chúng ta.

Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta - Ảnh 1
Hệ thống điện Pakistan và nguyên nhân sự cố mất điện gần như toàn bộ đất nước Ngày 23/1/2023 lưới điện Pakistan bị sập kéo dài 12 giờ gây mất điện gần như toàn bộ đất nước trong khi nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 1 - 2 độ C. Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu về hệ thống điện của Pakistan và phân tích nguyên nhân sự cố mất điện của quốc gia này.

Cộng hòa Nam Phi là nước đang phát triển, thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình cao. GDP đầu người danh nghĩa năm 2022 ở mức khoảng 7.000 USD. Năm 2010 quốc gia này đã là nước chủ nhà của FIFA World Cup bóng đá. Ngay từ khi đó, các cổ động viên bóng đá đã thấy số người thất nghiệp quá đông (chiếm tới 1/3 dân số ở tuổi lao động ở Nam Phi).

Hệ thống điện ở Nam Phi thuộc công ty nhà nước Eskom quản lý độc quyền. Công suất đặt vào cuối năm 2021 đạt 53,7 GW (chủ yếu là điện than). Nam Phi đã có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 1985, với sản lượng điện đạt 227 tỷ kWh. Cơ cấu nguồn điện được thể hiện trong bảng dưới đây.

Nguồn phát điện

Công suất đặt, GW

Tỉ lệ, %

Sản lượng, TWh

Tỉ lệ, %

Điện than

39,3

73,32

184,7

81,33

Hạt nhân

1,9

3,54

12,2

5,37

Diesel (OCGT)

3,4

6,34

3,2

1,41

Thủy điện

0,6

1,12

11,8

5,20

Thủy điện tích năng

2,7

5,04

-

Điện gió

3,0

5,60

8,4

3,70

Điện mặt trời quang điện

2,2

4.10

5,1

2,25

Điện mặt trời nhiệt

0,5

0.93

1,7

0,75

Tổng

53,7

100

227

100

Nguồn: Báo cáo thống kê tháng 4/2022 của CSIR Energy Centre, Nam Phi.

Phụ tải cực đại hệ thống điện ở mức 35,0 GW, phụ tải cực tiểu 18,4 GW. Nam Phi tự sản xuất toàn bộ số than cung cấp cho nhà máy điện và là nước xuất khẩu than phát điện lớn trên thế giới. Nhìn bức tranh như vậy, có vẻ như quốc gia này không thể thiếu điện.

Nhưng các nhà máy điện than, động lực chính của ngành điện Nam Phi, phần lớn đều xây từ khoảng 1961 đến 1996. Sau đó là khoảng trống lớn kéo dài gần 20 năm hệ thống điện bị bỏ quên, đến 2015 mới có thêm nhà máy Medupi công suất 4.764 MW và năm 2017 có thêm nhà máy Kusile 4.800 MW được đưa vào hoạt động.

Những người hay đọc tin tức sẽ nhớ khoảng thời gian đó có gì xảy ra tại quốc gia này. Đó là thời gian chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi bị lật đổ và Chính phủ mới của Đảng ANC do Lãnh tụ nổi tiếng Nelson Mandela lên nắm quyền. Trong giai đoạn này, những người lao động có kỹ năng cao của Nam Phi bỏ ra nước ngoài. Tuy nhiên, khủng hoảng không xảy ra ngay, vì hạ tầng trước đó của Nam Phi rất tốt, có thể phục vụ được thêm cả chục năm nữa.

Chính phủ mới buộc phải theo đa số phiếu bầu nên theo đuổi những chính sách dân túy, kinh tế tăng trưởng chậm lại. Giá điện vẫn liên tục tăng trong thời gian đó, nhưng so với chỉ số giá tiêu dùng CPI thì thực ra giá điện đang giảm trong suốt những năm đó đến tận năm 2002 mới bắt đầu có giá điện tăng thật.

Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta - Ảnh 2
Hình 1. Mức tăng giá điện so với tăng chỉ số giá tiêu dùng từ 1988 đến 2007. Nguồn: Eskom.

Không phải tự dưng cuộc khủng hoảng cắt điện bắt đầu xảy ra vào năm 2007. Năm đó, bắt đầu những nhà máy điện than cũ từ 1961 cần được đầu tư nhiều tiền để sửa chữa lớn, thay thế thiết bị, thậm chí cần thay thế toàn bộ tổ máy. Nhưng do cách quản lý của Công ty Điện lực Nam Phi Eskom nên không có nguồn tiền để đầu tư các việc đó.

Nếu tính theo đồng tiền Nam Phi Rand thì giá điện vẫn tăng khá cao, nhưng vì đồng Rand mất giá so với USD nên khi quy đổi ra USD giá điện chỉ đạt mức hợp lý vào năm 2008 - 2009. Khi đó đã muộn để bắt đầu sửa chữa những lỗi của hai thập kỷ trước.

Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta - Ảnh 3
Hình 2. Giá điện quy ra USD từ 2003 đến 2022. Tác giả vẽ theo số liệu của Eskom.

Những nhà lãnh đạo dân túy lại thích những nhà máy mới - nơi họ có mặt để cắt băng khánh thành trong những buổi lễ hoành tráng chứ không phải là sửa chữa nhà máy cũ. Đối với họ, điện than là thứ lỗi thời. Thậm chí đã có những tư tưởng bay bổng đầu tư thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân để Nam Phi thoát khỏi điện than. Chính phủ mất rất nhiều thời gian thảo luận để cho tư nhân tham gia phát điện, nhưng vì giá điện rẻ một thời gian dài nên không có nhà đầu tư nào thực sự bỏ tiền vào đầu tư.

Những giấc mơ khác là về điện năng lượng tái tạo. Một số nhà máy điện gió, mặt trời cũng lần lượt mọc ra, giúp giảm tải vào giờ cao điểm, nhưng công suất quá nhỏ, không đủ bù đắp khoảng 6 GW thiếu hụt vào giờ cao điểm. Nam Phi tham gia nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng JETP ở COP26 năm 2021 với những lời hứa được cho vay 8,5 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng (dừng các nhà máy điện than, hỗ trợ công ăn việc làm cho ngành than, đầu tư vào các ngành công nghiệp năng lượng xanh).

Tuy nhiên, nước xa không cứu được lửa gần, ngày 9/2/2023, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố tình trạng thảm họa để có thể có biện pháp tức thời chống lại việc mất điện. Tuy thế, không thể có biện pháp tức thời để cứu chữa một công việc đã bỏ bê cả chục năm trước đó, quay lưng với nhiệt điện than đang là trụ cột cấp điện cho đất nước.

Người dân Nam Phi đang khốn đốn vì bị cắt điện luân phiên tới 8 - 10 giờ/ngày. Thiếu điện, nhưng giá điện lại tăng cao (năm 2022 là hơn 15 cent USD/kWh) do giá than tăng cao trên toàn thế giới. Trong khi doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong kinh doanh, phải đóng bớt cửa hàng vì không có điện. Thậm chí thiếu cả trứng gà, vì không có nguồn điện làm mát bảo quản trứng. Tất nhiên là thất nghiệp tăng thêm ở một đất nước đã có tỷ lệ thất nghiệp cao.

Những kẻ cắp lại biết lợi dụng lịch cắt điện minh bạch của Eskom để lên kế hoạch ăn cắp dây điện. Kết quả là khi đóng lại điện thì người dân vẫn không thấy điện đâu cả, vì đường dây đã không còn. Năm 2022 có 200 ngày bị cắt điện, số giờ cắt mỗi ngày từ 8 - 10 giờ, quá đủ cho bọn bất lương thao tác.

Những khoản tín dụng rất lương thiện cho điện năng lượng tái tạo mà các cường quốc cam kết không thể được dùng để sửa chữa các nhà máy điện than. Các nhà máy điện than luôn gặp các hỏng hóc từ hệ thống băng tải than cho đến lò hơi, máy phát. Năm 2022 có tới một nửa trong số 39,3 GW điện than luôn gặp vấn đề nên không thể phát điện theo yêu cầu điều độ. Một nửa số đó cần những khoản đầu tư ngay lập tức để sửa chữa. Những khoản đầu tư đó sẽ cải thiện tình hình chỉ sau mấy tháng, hay muộn nhất là vài năm. Nhưng tiền đầu tư ở đâu ra?

Bản thân Công ty Eskom cũng bị đổ lỗi để cho tham nhũng hoành hành nên không có khả năng quản lý các dự án đầu tư mới. Chính phủ cho phép Eskom tăng giá điện thời gian gần đây, nhưng vẫn nắm chặt tay với việc bổ nhiệm Giám đốc điều hành Eskom. Chính phủ luôn buộc Eskom phải ưu tiên đối tượng này, đối tượng kia không được cắt điện, làm cho việc điều độ đã khó lại càng thêm khó.

Bài học nào cho chúng ta?

Trong khi các nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh chưa thể đóng vai trò chủ đạo và chủ động điều tiết được, các nguồn điện có tính chủ động trong điều độ phải được ưu tiên đầu tư đúng thời hạn như đã quy hoạch và phải được đảm bảo tình trạng vận hành, cũng như sửa chữa tốt nhất. Luôn duy trì các nhà máy cũ ở trạng thái tốt cho đến khi có nhà máy mới thay thế.

Điện năng lượng tái tạo chỉ phát triển ở mức độ hệ thống có thể hấp thụ được. Ngoài ra, phát triển lưới điện để truyền tải các nguồn năng lượng tái tạo cũng đòi hỏi cần hệ thống lưới nhiều hơn, chi phí cao hơn.

Khủng hoảng hệ thống điện có thể xảy ra muộn sau nhiều năm do những sai lầm về định hướng chiến lược, quản lý, giá điện (bao gồm giá truyền tải, giá bán buôn, bán lẻ…), vận hành và bảo dưỡng sửa chữa. Do vậy, cần phải đảm bảo khả năng tái đầu tư, vận hành sửa chữa và các chi phí khác của hệ thống điện từ doanh thu, tuân thủ quy luật vận hành của thị trường.

Muốn thế phải có thủ tục đầu tư thông thoáng và giá điện bán lẻ ở mức hợp lý, từ đó giá điện bán buôn ở mức khuyến khích được đầu tư từ các nguồn khác nhau cả trong và ngoài nhà nước. Một lưu ý khác nữa là các nguồn đầu tư hỗ trợ của quốc tế (bao gồm vốn đầu tư công và tư nhân) thường kèm theo các ràng buộc tương đối chặt chẽ, đảm bảo có lợi nhuận cho nhà đầu tư tư nhân, do vậy, cần phải xem xét kỹ ảnh hưởng trong triển vọng phát triển lâu dài./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bạn đang đọc bài viết Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới