Chủ nhật, 24/11/2024 05:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/11/2020 06:15 (GMT+7)

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ đi về đâu?

Theo dõi KTMT trên

Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11, theo đúng tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. Trước quyết định của ông Trump nhiều chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai của hiệp định này.

Trước đó, hồi tháng 6/2017, Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên công bố ý định rút khỏi Hiệp định Paris với lập luận rằng hiệp định này gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay Mỹ mới có thể chính thức rút khỏi hiệp định này do những quy định ràng buộc của hiệp định.

Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ để lại khoảng trống trong cơ chế hợp tác cũng như những nỗ lực toàn cầu để đạt được các mục tiêu và tham vọng của Hiệp định Paris.

Tuy nhiên, thời gian Mỹ nằm ngoài Hiệp định Paris phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi đối thủ của đương kim Tổng thống Trump là ông Joe Biden cam kết sẽ đưa nước Mỹ quay lại hiệp định này nếu trúng cử.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ đi về đâu? - Ảnh 1
Quyết định của Mỹ về rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã gây nhiều tranh luận. (Ảnh: Al Jazeera)

Mỹ hiện là quốc gia duy nhất rút khỏi thỏa thuận này sau khi đã thông qua nó. Ngoài ra, còn có một số nước như Angola, Eritrea, Iran, Iraq, Nam Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen đã ký hiệp định nhưng chưa bao giờ chính thức thông qua. Sau sự rút lui của Mỹ, hiện còn 189 nước đã ký và thông qua hiệp định.

Theo hiệp định này, các nước tham gia không bắt buộc phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu cụ thể nào. Thay vào đó, họ tự nguyện cam kết giảm lượng khí thải, đặt ra mục tiêu của nước mình và thực hiện các chính sách riêng. Sau khi ký thỏa thuận lần đầu vào năm 2016, chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã cam kết giảm lượng khí thải từ 26-28% vào năm 2025. Mỹ là nước phát thải nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Ngay sau đó, Cơ quan Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Anh, Pháp, Chile và Italy ra tuyên bố bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarri cho rằng: “Không có trách nhiệm nào lớn hơn việc bảo vệ hành tinh và con người khỏi mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Khí hậu Paris cung cấp khuôn khổ phù hợp để giảm tác động của sự nóng lên toàn cầu. Các nước đều tiếc với quyết định của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh đang có quyết tâm toàn cầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi đang có một niềm tin mạnh mẽ và tích cực về việc tiếp tục ủng hộ Thỏa thuận Paris”.

Khẩn trương hành động

Mặc dù vậy, phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric khẳng định, Liên Hợp Quốc vẫn sẽ tiếp tục khuyến khích các quốc gia thành viên tích cực tham gia hiệp định này.

Việc Mỹ rút khỏi khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được xem là cơ hội để các nước nhận ra càng phải đồng lòng hơn để cứu Hiệp định Paris như một lựa chọn không thể khác.

Một thỏa ước quốc tế như vậy bị “xé nát” đồng nghĩa với những nguy cơ vô cùng tồi tệ đối với Trái Đất kéo theo những hệ lụy về môi trường mà không một quốc gia nào thoát. Lời cảnh tỉnh không xa đó là một số nước gần đây đã trải qua thảm họa cháy rừng chưa từng có tiền lệ như ở miền Tây nước Mỹ, tại Australia, Brazil và nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ đi về đâu? - Ảnh 2
Cháy rừng kéo dài suốt nhiều tháng ở California, Mỹ.

Đó là hồi chuông cảnh báo, rằng thái độ chần chừ, thiếu nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết của Hiệp định Paris sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc.

Trước tình thế cấp bách của khí hậu bị biến đổi, vào ngày Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris, Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương mở rộng quy mô hành động và tăng cường phối hợp để giảm thiểu tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Rõ ràng, với các tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu thời gian qua, các quốc gia buộc phải hành động. Mặc dù vậy không thể phủ nhận những nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang có sự chuyển biến tích cực trong thời gian qua với sự quyết liệt của cả thế giới.

Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã có bước tiến đáng kể khi công bố Hiệp ước xanh, đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức của năm 1990, và đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2050 (tức là lượng khí carbon do con người thải ra cân bằng với lượng hấp thụ khí thải này của các bể chứa carbon tự nhiên hoặc nhân tạo).

Trong khi đó, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, hiện có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế carbon và 31 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng hệ thống trao đổi tín chỉ carbon.

Khí thải CO2 vẫn tăng đều mỗi năm

Trước quyết định của ông Trump, nhiều chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Có thể thấy, hiện nay, các nước ký kết hiệp định đang phải đối mặt với bài toán khó trong việc thực hiện những cam kết được đưa ra. Theo một chuyên gia về môi trường, việc thực hiện cam kết giống như “vấn đề lương tâm” hơn là mang tính ràng buộc pháp lý.

Hồi năm 2019, một bản phúc trình của các chuyên gia về khí hậu hàng đầu thế giới có tên là “Sự thật đằng sau các cam kết về khí hậu”, được tổ chức Quỹ Sinh thái phổ quát công bố cho thấy phần lớn những cam kết mà các nước đưa ra trong Hiệp định Paris về cắt giảm khí thải là “không đủ”.

Trong bản đánh giá toàn cầu đầu tiên về mức độ thực hiện cam kết của các nước này, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các nước hành động vẫn chưa đủ để có thể làm chậm lại biến đổi khí hậu và một số nước phát thải lớn nhất vẫn sẽ tiếp tục phát thải. Theo phúc trình, hơn một nửa phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đến từ 4 nước: Trung Quốc (26,8%), Mỹ (13,1%), Ấn Độ (7%) và Nga (4,6%).

Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đều đưa ra cam kết giảm cường độ phát thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP cho đến năm 2030 và cả hai nước đều có thể thực hiện được cam kết này nhưng vấn đề là lượng phát thải CO2 của họ vẫn tiếp tục tăng trong vòng một thập niên sau đó do nhu cầu phát triển kinh tế.

Về phía Mỹ, mặc dù chính quyền cựu Tổng thống Obama đã cam kết cắt giảm 26-28% trong tổng lượng phát thải của Mỹ nhưng Tổng thống Donald Trump đã rút lại cam kết này và bãi bỏ các quy định liên bang quan trọng nhằm kiểm soát phát thải nên các chuyên gia đánh giá hành động của Mỹ là “không đủ”. Trong khi đó, Nga không hề đưa ra cam kết nào.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ đi về đâu? - Ảnh 3
Những cánh đồng khô hạn Pampliega, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP)

Theo phúc trình, chỉ EU với 28 nước, chiếm 9% lượng phát thải là “có hành động quyết liệt đối phó với biến đổi khí hậu”. EU dự kiến sẽ cắt giảm 58% lượng phát thải của họ cho đến năm 2030 so với mức năm 1990, mặc dù cam kết họ đưa ra trong Thỏa thuận Paris chỉ là “cắt ít nhất 40%”. Cam kết của tất cả các nước còn lại, vốn chiếm 32,5% lượng phát thải toàn cầu, dựa trên điều kiện là phải có sự hỗ trợ kỹ thuật và ngân quỹ từ các nước giàu với số tiền 100 tỉ USD hằng năm, trong khi Mỹ và Australia đều đã ngừng đóng góp cho quỹ này.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết. Để nhiệt độ trái đất ở ngưỡng an toàn (đến giai đoạn 2060 - 2070 tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp), lượng khí thải CO2 phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng 10 năm tới.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, mục tiêu này dường như không khả thi bởi trong thực tế mức khí thải CO2 tăng dần đều mỗi năm. Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể bảo đảm cho tương lai của Hiệp định Paris.

Một loạt các báo cáo của các cơ quan khí tượng gần đây đã cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu, không chỉ đơn thuần là một vấn đề dài hạn mà là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó nếu tiếp tục chậm trễ, con người sẽ không còn điểm quay đầu.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ đi về đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới