Chủ nhật, 24/11/2024 07:33 (GMT+7)
Thứ năm, 05/11/2020 06:40 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu mối đe dọa tài nguyên nước

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên, từ đó gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm giảm nguồn nước, giảm khả năng dự báo nguồn nước, giảm chất lượng nước và đe dọa sự phát triển bền vững, đa dạng sinh học.

Nguồn nước trên Trái đất ngày càng cạn kiệt

Tài nguyên nước có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi một quốc gia trên thế giới. Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có chiến lược riêng để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng phù hợp với nhu cầu đời sống, sản xuất, phát triển bền vững, theo quy định của pháp luật nước mình. Thế nhưng cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã khiến trái đất ngày càng nóng lên, nguồn tài nguyên nước trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.

Theo Liên hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên thế giới không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỉ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh không phù hợp. Hiện tại, hơn 80 quốc gia, đại diện cho 40% dân số thế giới, đang trải qua tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, nhất là khu vực Tây Nam Á và những vùng đất khô hạn và bán khô hạn châu Phi.

Biến đổi khí hậu mối đe dọa tài nguyên nước - Ảnh 1
Nguồn tài nguyên nước đang dần cạn kiệt do những tác động từ biến đổi khí hậu. (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia về nước trên thế giới cảnh báo, hiện cứ 3 người trên trái đất thì có một người sống trong tình trạng thiếu nước. Thiếu nước đã là câu chuyện của toàn cầu. Chính vì vậy, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức quản lý, sử dụng nguồn nước đang ngày càng khan hiếm khi mà dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 2 - 3 tỉ người vào năm 2050. Cùng đó có 17 quốc gia trên thế giới đã tiêu thụ tới 80% lượng nước có sẵn hàng năm trong khi vẫn chưa hết năm 2020.

Trong khi đó, BĐKH liên tiếp gây ra các đợt hạn hán kéo dài, khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Theo số liệu của WRI cập nhật trên Bản đồ nguy cơ thiếu nước thế giới (Aqueduct Water Risk Atlas), tình hình thiếu nước sạch đang diễn biến phức tạp chủ yếu tại các vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó đáng chú ý là Qatar, Israel và Liban. Ấn Độ xếp thứ 13 trong số các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Nhưng với dân số hơn 1,3 tỉ người – cao gấp 3 lần tổng số dân ở 16 quốc gia khác trong danh sách, tình hình thiếu nước tại đây trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Việt Nam cũng không ngoại lệ

Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng từ 830 đến 840 tỉ m3. Hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỉ m3 đến 320 tỉ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Lượng nước bình quân đầu người trên 9.000 m3/năm. Nước dưới đất cũng có tổng trữ lượng tiềm năng khoảng 63 tỉ m3/năm, phân bố ở 26 đơn vị chứa nước lớn, nhưng tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước của Việt Nam chỉ ở mức trung bình của thế giới, trong khi môi trường nước các lưu vực sông đang đứng trước sức ép rất lớn bởi nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày một tăng.  

Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của Tổ chức Germanwatch, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH. Khoảng hơn 20% dân cư chưa được tiếp cận nguồn nước sạch (khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý); trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước. Lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA); 30% người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch; nguồn nước ngầm đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm do bị xâm nhập mặn, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng; hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa... 

Một số khu vực, nước dưới đất có nguy cơ ô nhiễm chất arsen cao, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng (có 792 xã) và đồng bằng sông Cửu Long (229 xã), vùng Bắc Trung bộ (155 xã). Nguồn nước ở hầu hết khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng (như lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai, sông Sài Gòn) do nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn xả vào nguồn nước.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền nam cũng cho thấy, từ năm 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm từ 1 đến 1,5 tháng và kéo dài hơn so với trước đây. Năm 2018, diễn biến hạn, mặn không khắc nghiệt như những năm 2015, năm 2016, nhưng tương đối phức tạp. Mới đầu mùa khô, nhưng độ mặn với ranh mặn 4g/l xâm nhập vào đất liền từ 15 đến 45 km đã xuất hiện ở nhiều vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long. BĐKH đã tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước của Việt Nam. Nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không có khả năng tự làm sạch.  

Lời giải nào cho bài toán từ thiên nhiên?

Thực tế cho thấy, BĐKH diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi chế độ khí tượng thủy văn dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Theo số liệu thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) năm 2019, hiện nay có khoảng 2.2 tỉ người - cứ 3 người thì có 1 người không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng, mối liên hệ khăng khít giữa tài nguyên nước và BĐKH hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, vì có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng, những thập kỷ gần đây BĐKH đang làm tăng cường độ và tần suất của hiện tượng cực đoan liên quan đến tài nguyên nước. BĐKH được “nhìn thấy” trước tiên không phải bằng các thay đổi về khí hậu mà là các thay đổi về tài nguyên nước.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các biện pháp khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững và bảo vệ tài nguyên nước giúp giảm thiểu các tác động của BĐKH, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng, chung tay kiểm soát nguồn nước của cộng đồng là rất quan trọng.

“Nếu tất cả chúng ta cùng tập trung suy nghĩ về vấn đề ô nhiễm nước, 5 năm ta thay đổi một chút, 10 năm ta thay đổi 1 chút thì 20 năm sau chúng ta mới có cơ hội có nước sạch để dùng. Chúng ta hãy nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, không của riêng ai. Nếu giải quyết được ô nhiễm nước sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác đi kèm” - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, bà Nguyễn Ngọc Lý, nhìn nhận.

Dưới góc nhìn của người từng làm quản lý, để hạn chế những rủi ro về khan hiếm nước sạch, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm bảo vệ nguồn nước, đảm bảo cấp nước an toàn theo Quyết định số 1566/QĐ-TTg năm 2016 về đảm bảo cấp nước an toàn đến năm 2025. Đồng thời có chính sách hạn chế ô nhiễm nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt; có chính sách tiết kiệm sử dụng nguồn nước.

“Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển công nghệ làm sạch nước, ngọt hóa nước mặn, sử dụng nước mưa. Và thực hiện xử phạt nặng những vi phạm làm ô nhiễm nguồn nước” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Theo Liên hiệp quốc, chính sách khí hậu của các quốc gia và khu vực phải có cách tiếp cận tổng hợp đối với vấn đề BĐKH và quản lý nước. Áp lực về nguồn cung nước đòi hỏi các quyết định mạnh tay hơn về phân bổ tài nguyên nước trong các hoạt động sử dụng. Để đảm bảo một tương lai bền vững, tiếp tục hiện trạng không phải là một lựa chọn và quản lý nước cần được xem xét kỹ lưỡng qua lăng kính chống BĐKH.

Các nước cần tăng cường đầu tư trong việc cải thiện dữ liệu, thể chế và quản trị, giáo dục và phát triển năng lực, đánh giá rủi ro và kiến thức. Các chính sách cần đảm bảo sự đại diện, sự tham gia, thay đổi hành vi và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và các tổ chức. Các giải pháp bao gồm bảo vệ các bể chứa carbon như đại dương và vùng đất ngập nước, áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông minh thân thiện với khí hậu và tăng cường tái sử dụng nước theo các cách hợp lý và an toàn; đầu tư vào công nghệ năng lượng, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy thay đổi hành vi lãng phí thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu mối đe dọa tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới