Hiệp ước nhựa toàn cầu sẽ được nối lại vào tháng 8
Theo hương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), vòng đàm phán mới hướng tới một hiệp ước nhựa toàn cầu sẽ diễn ra vào ngày 5-14/8 tại Thụy Sĩ.

Hiệp ước nhựa kỳ vọng sẽ tạo ra một lộ trình hướng tới mục tiêu giảm sản lượng nhựa toàn cầu, trong khi các quốc gia ủng hộ dầu mỏ và hóa dầu không muốn hạn chế sản xuất loại này.
Vào tháng 11 năm ngoái tại Busan, Hàn Quốc, hơn 100 quốc gia đã tham dự cuộc họp của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ Liên Hợp Quốc (INC-5) nhằm đưa ra một hiệp ước nhựa toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý.
Đây được cho là cuộc họp cuối cùng sau bốn vòng đàm phán trước đó, nhưng chưa thể chốt được thỏa thuận nào. Các nước thống nhất hoãn các quyết định quan trọng cho phiên họp mới, được gọi là INC-5.2.
Trong cuộc họp, Liên minh châu Âu và các bên khác lập luận rằng phải hạn chế sản xuất nhựa, trong khi các nước sản xuất dầu phản đối các quy định như vậy.
Các cuộc đàm phán vào tháng 8 dự kiến sẽ được nối lại dựa trên dự thảo do Chủ tịch Ủy ban trình bày tại cuộc họp trước đó. Các cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng cũng đã được lên kế hoạch.
Các cuộc thảo luận này sẽ diễn ra trước các cuộc họp không chính thức vào khoảng tháng 5.
Sản xuất nhựa được dự báo tăng gấp ba lần vào 2050. Vi nhựa được tìm thấy trong không khí, nông sản tươi, thậm chí sữa mẹ. Các hóa chất đáng lo ngại trong nhựa gồm hơn 3.200 loại, trong đó phụ nữ và trẻ em dễ bị phơi nhiễm, theo báo cáo năm 2023 của chương trình môi trường Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại việc tiến tới một thỏa thuận trong vòng đàm phán tới có nhiều trở ngại hơn trong bối cảnh địa chính trị thay đổi cùng quan hệ ngoại giao căng thẳng. Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Thỏa thuận Paris. Chính quyền Washington cũng cắt tài trợ cho các nước trong chương trình chống biến đổi khí hậu, đồng thời áp thuế lên quốc gia đồng minh như Canada và Mexico.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) có dấu hiệu nới lỏng một số chính sách tập trung vào khí hậu của họ, ví dụ cho phép các nhà sản xuất ôtô thêm thời gian để tuân thủ mục tiêu phát thải mới, giảm các yêu cầu trong báo cáo bền vững và mở rộng miễn trừ đối với thuế carbon biên giới (CBAM).
Vòng đàm phán khí hậu gần đây nhất của Liên Hợp Quốc tại Baku, Azerbaijan, cho thấy hợp tác nhằm giải quyết vấn đề khí hậu đã trở nên căng thẳng. Các quốc gia cố gắng đạt mục tiêu tài chính toàn cầu 300 tỷ USD mỗi năm còn một số quốc gia như Ấn Độ chỉ trích kết quả này là "sự nhạo báng công lý".
Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong đó, có 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Hệ quả là hệ sinh thái biển bị đe dọa, kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân ven biển...
Phương Thúy