Chủ nhật, 24/11/2024 10:10 (GMT+7)
Thứ năm, 27/05/2021 06:00 (GMT+7)

Hòa Bình: Công suất thực của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt ra sao?

Theo dõi KTMT trên

Khi phát hiện các vị trí chôn rác thải sai quy định của Công ty Bắc Việt, nhiều người đặt câu hỏi công suất thực tế của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt là bao nhiêu?

Suốt nhiều tháng qua, trên địa bàn TP.Hòa Bình xuất hiện một số điểm tập kết rác thải sinh hoạt lớn, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường, cuộc sống người dân. Trong đó, điểm tập kết rác tại đường Trương Hán Siêu, phường Tân Hòa khoảng 1.800 tấn; trên đường nội bộ khu công nghiệp Mông Hóa, xã Mông Hóa khoảng 900 tấn; tại khu đất của hộ gia đình thuộc xóm Văn Minh, xã Quang Tiến khoảng 3.000 tấn; tại tổ 9, phường Kỳ Sơn khoảng 2.000 tấn.

Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc người dân xã Thịnh Minh lập chốt chặn, ngăn không cho xe vận chuyển rác của Công ty MTĐT Hòa Bình đưa rác vào Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Bắc Việt (Nhà máy Xử lý rác Bắc Việt) từ tháng 7/2020. Người dân cho rằng xe chở rác làm rỉ nước rác ra đường.

Nhưng, nguyên nhân chính khiến người dân bức xúc đến mức lập chốt, rào chắn ngăn không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý rác Bắc Việt là vì Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Bắc Việt (Công ty Bắc Việt) tự ý tiến hành chôn lấp rác không đúng quy định trong khuôn viên nhà máy.

Hòa Bình: Công suất thực của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt ra sao? - Ảnh 1
Kể từ khi đưa vào hoạt động, Nhà máy xử lý rác Bắc Việt chỉ hoạt động 75 - 80% công suất. 

Trong khi đó, theo Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 19/5/2017 của UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà máy Xử lý rác Bắc Việt tại xã Hợp Thịnh nay là xã Thịnh Minh, TP.Hòa Bình. Sở KH&ĐT đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận lần đầu ngày 12/4/2018 cho công ty thực hiện dự án. Căn cứ và quyết định trên, công ty đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, triển khai giai đoạn 1 dự án với công suất 100 tấn/ngày. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 6/2019.

Ngay sau khi đưa giai đoạn 1 của dự án vào hoạt động, Công ty Bắc Việt cũng ký hợp đồng với UBND TP.Hòa Bình về đặt hàng dịch vụ công ích: Xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt. Toàn bộ số rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn TP.Hòa Bình khoảng 75 tấn/ngày đêm sau khi thu gom sẽ được vận chuyển đưa về Nhà máy xử lý rác Bắc Việt xử lý bằng phương pháp đốt.

Khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom trên địa bàn TP.Hòa Bình được đưa về ổn định trong một thời gian dài. Bởi theo số liệu kiểm tra khối lượng mà Phóng viên có được, thời điểm tháng 8/2020, lượng rác thải nhà máy tiếp nhận khoảng gần 80 tấn/ngày.

Hòa Bình: Công suất thực của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt ra sao? - Ảnh 2
Tổ công tác vẫn liên tục phát hiện rác được chôn lấp trái phép trong khuôn viên Nhà máy xử lý rác Bắc Việt. (Ảnh buổi kiểm tra ngày 28/9/2020)

Trả lời báo chí liên quan đến Hợp đồng ký giữa UBND thành phố với Công ty Bắc Việt về xử lý chất thải bằng phương pháp đốt, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Công ty Bắc Việt cho biết năm 2019, khối lượng đã ký là 65 tấn/ngày; năm 2020, 75 tấn/ngày, tất cả đều có nghiệm thu theo từng tháng và có biên bản kèm theo. Như vậy, trong suốt gần 2 năm qua, Nhà máy xử lý rác Bắc Việt luôn trong tình trạng không đủ rác để dây chuyền xử lý rác hoạt động hết công suất.

Cũng từ khi Nhà máy xử lý rác Bắc Việt đưa vào hoạt động thì cuộc sống của người dân xóm Hải Cao bị xáo trộn hoàn toàn. Mỗi lần nhà máy hoạt động đều bốc mùi hôi thối, nguồn nước bị ôi nhiễm, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cho rằng hoạt động của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt gây ô nhiễm môi trường, từ ngày 20/8/2020, nhiều người dân xóm Hải Cao đã lập lán trại, phân công người trực ngăn không cho các xe chở rác vào nhà máy. Đồng thời, người dân gửi đơn kiến nghị, yêu cầu các cấp chính quyền địa phương xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy này gây ra.

Hòa Bình: Công suất thực của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt ra sao? - Ảnh 3
Sự việc khiến người dân xã Thịnh Minh lập lán canh gác, yêu cầu nhà máy xử lý hết rác tồn đọng thì mới đồng ý cho tiếp nhận rác mới.

Thế nhưng, trong buổi kiểm tra ngày 28/9/2020, nhằm làm rõ nghi vấn chôn lấp rác trái phép của người dân xã Thịnh Minh đặt ra trước đó, Đoàn kiểm tra liên nghành gồm Đại diện Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, UBND TP.Hòa Bình, UBND xã Thịnh Minh, đại diện Công ty Bắc Việt và người dân xã Thịnh Minh đã phát hiện rác được chôn lấp tại 2 vị trí trong khuôn viên nhà máy.

Vị trí thứ nhất, gần khu lưu chứa khoảng 750 tấn rác của công ty, phát hiện rác thải chưa qua xử lý được chôn lấp, ước tính diện tích chôn lấp khoảng 1.000 m2, bên trên được phủ bạt, chèn khung sắt, bên dưới chưa được lót đáy. Vị trí thứ 2 nằm cạnh đường giao thông bên trong cổng nhà máy, sau khi đào sâu từ 2-3 m, phát hiện có rác lẫn mùn chưa xác định được khối lượng cụ thể.

Đến ngày 28/4/2021, Chủ tịch UBND TP.Hòa Bình Bùi Quang Điệp và đại diện các ngành chức năng đã kiểm tra thực tế tại khu xử lý rác của công ty, có sự tham gia của người dân. Qua đào 3 vị trí xác định có rác thải chôn lấp tại 2 vị trí. Sự việc được các thành phần tham dự lập biên bản, riêng đại diện công ty có mặt nhưng không ký biên bản.

Sự việc khiến dư luận, các cá nhân liên quan đặt câu hỏi khi hơn một năm từ khi đưa vào vận hành, nhà máy chỉ vận hành khoảng 75 – 80 % công suất thực tế nhưng lại phát hiện rác được chôn trái phép trong khuôn viên nhà máy. Vì sao Công ty Bắc Việt phải chôn lấp rác trái phép trong khuôn viên nhà máy? Phải chăng công suất thực tế của dây chuyền xử lý rác của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt không đúng với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp này.

Theo nguồn tin của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, trong suốt thời gian qua, dù đã ngừng tiếp nhận rác từ ngày 20/8 (tiếp nhận rác từ ngày 3 – 7/9/2020) nhưng lò đốt rác của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt vẫn hoạt động công suất 3 ca mỗi ngày để xử lý rác tồn đọng, rác được chôn lấp phát hiện trước đó. Nhưng đến nay khu nhà chứa rác rộng 2.800 m2 mà Công ty Bắc Việt vừa hoàn thiện trước đó vẫn đầy ắp rác.

Ông Phạm Văn Nguyện, Trưởng xóm Hải Cao, xã Thịnh Minh khẳng định: "Hơn 7 tháng nay, lò đốt của họ vẫn hoạt động liên tục nhưng đã xử lý xong rác tồn đọng đâu. Chưa xử lý xong rác cũ thì đòi đưa thêm rác mới về làm gì?".

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thịnh Minh, Nguyễn Quốc Linh cho biết: Người dân không khó khăn gì và sẵn sàng đồng thuận việc xe vào xử lý rác. Nhưng, công ty phải xử lý hết số rác tồn, đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định đã cam kết. Người dân nghi ngờ về năng lực xử lý rác của công ty không như báo cáo, chỉ đạt khoảng 20 - 25 tấn/ngày.

Ông Trần Khắc Định, Giám đốc Công ty cổ phần MTĐT Hòa Bình chia sẻ với báo chí, hiện tại người dân yêu cầu phải xử lý hết rác tồn trong nhà máy thì mới cho chở tiếp. Người dân sẽ giám sát một ngày xử lý được bao nhiêu tấn thì sẽ cho chở bấy nhiêu vào nhà máy để chống tồn đọng bốc mùi. "Tôi đánh giá nhà máy không thể xử lý hết được rác của thành phố theo từng ngày, tối đa chỉ được 25 đến 26 tấn/ngày”, ông Định nói.

Dư luận đặt nghi vấn, phải chăng trong quá trình làm hồ sơ, Công ty Bắc Việt đã cố tình “nói vống” về năng lực xử lý rác thải, qua mắt các cơ quan chức năng để dự án được phê duyệt. Để làm rõ trắng đen, sáng tỏ sự việc cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía Thường vụ tỉnh Ủy, UBND tỉnh Hòa Bình cùng các cơ quan chức năng để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân xã Thịnh Minh.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Hà Cường

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: Công suất thực của Nhà máy xử lý rác Bắc Việt ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới