Chủ nhật, 24/11/2024 10:42 (GMT+7)
Thứ hai, 26/09/2022 08:27 (GMT+7)

Hòa Bình: UBND tỉnh lên tiếng sau loạt bài khai thác tài nguyên, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Sau loạt bài đăng trên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề khai thác tài nguyên, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tất Liêm đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.

UBND tỉnh chỉ đạo

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đăng tải loạt bài Hòa Bình: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản. Trong đó có các bài: Ô nhiễm môi trường từ các mỏ khai thác mỏ đá (bài 1, ngày 4/7);Hòa Bình: Khai thác tài nguyên, lợi nhuận doanh nghiệp hưởng, ô nhiễm người dân gánh (bài 2, ngày 5/7).

Hòa Bình: UBND tỉnh lên tiếng sau loạt bài khai thác tài nguyên, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Mỏ khai thác đá tại xóm Đồng Om, xã Cao Dương, Lương Sơn.

Ngày 4/8/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã có công văn số 6456/VPUBND-KTN gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan. Theo nội dung công văn của UBND tỉnh Hòa Bình về việc cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, báo chí. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, rà soát, tổng hợp cung cấp thông tin theo đề nghị của Tạp chí Kinh tế Môi trường theo quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo để Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan biết, thực hiện.

Hòa Bình: UBND tỉnh lên tiếng sau loạt bài khai thác tài nguyên, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
Văn bản chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình và văn bản không ngày, số của Sở TNMT.

Dù được UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nhưng mãi đến ngày 16/9 (theo dấu bưu điện), Tạp chí Kinh tế Môi trường mới nhận được văn bản của Sở TNMT tỉnh Hòa Bình do Giám đốc sở Nguyễn Trần Anh ký. Tuy nhiên không hiểu vì sao công văn “quên” cả đánh số và ngày ra công văn. Không biết văn bản này có được gửi cho UBND tỉnh để báo cáo theo chỉ đạo của Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Tất Liên hay không?

Tại văn bản không ngày, không số này, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình cho biết đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp thông tin cung cấp cho Tạp chí Kinh tế Môi trường trả lời những vấn đề liên quan đến công tác khai thác tài nguyên, khoáng sản cũng như công tác bảo vệ môi trường của 90 đơn vị là các mỏ khai thác trên địa bàn.

Theo số liệu tổng hợp của Sở TNMT bên cạnh những đơn vị đủ điều kiện nhưng cũng còn tồn tại các đơn vị đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục môi trường cụ thể giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành cụ thể như: Công ty cổ phần Yên Quang, xóm Chằm Cun, xã Yên Quang, TP.Hòa Bình khai thác đá Bazan; công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Hòa Bình, tại xóm Mu Đôi, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình khai thác đá vôi; Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thảo Hòa Bình, thôn Quèn Thị xã Cao Dương, Lương Sơn, khai thác đá vôi….

Nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ

Ngoài ra, Sở TNMT cũng cung cấp các văn bản pháp lý liên quan đến việc xác định khối lượng kê khai tài nguyên, khoáng sản và các mức thuế phải nộp của doanh nghiệp, đơn vị khai thác.

Hòa Bình: UBND tỉnh lên tiếng sau loạt bài khai thác tài nguyên, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 3
Nhà một người dân bị ảnh hưởng tại xóm Đồng Om vừa được hỗ trợ một phần kinh phí.

Còn vấn đề việc phân bổ phí bảo vệ môi trường Sở TNMT cũng đã cung cấp Nghị quyết HĐND tỉnh quy định, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó tại điểm b, khoản 12 điều 3 Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND tỉnh Hòa Bình ngày 09/12/2021 quy định định mức phân bổ chi sự nghiệp môi trường (ngân sách huyện): Bố trí 100% nguồn chi phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 1, điều 8, nghị định 164/2016/NĐ-CP.

Ngoài vấn đề pháp lý về công tác bảo vệ môi trường thì vấn đề tính thuế và phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp đang khai thác tài nguyên, khoáng sản cần sự công khai, minh bạch theo điều 6 Thông tư số 66/2016/TT-BTC ngày 29/4/2016 của Bộ Tài chính quy định: Công khai phí BVMT đối với khai thác khoáng sản. Chậm nhất là trước ngày 31/3 hàng năm, cơ quan thu phí BVMT có trách nhiệm thông tin công khai: Số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí BVMT đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo địa phương, đài phát thanh địa phương, đài truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết.

Hòa Bình: UBND tỉnh lên tiếng sau loạt bài khai thác tài nguyên, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 4
Từng đoàn xe trọng tải lớn vào các mỏ khai thác đá nhập hàng.

Tuy nhiên, Sở TNMT đã không cung cấp được những con số cụ thể vì vậy khó có thể chứng minh được các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang thực hiện việc thu thuế khai thác tài nguyên khoáng sản, phân bổ phí môi trường theo đúng các quy định pháp luật.

Bởi trên thực tế khi làm việc với UBND xã Cao Dương, Liên Sơn các cán bộ địa phương đều khẳng định chưa có sự hỗ trợ nào đối với công tác khắc phục ô nhiễm môi trường tại địa phương. Cụ thể Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Cao Dương cho biết: Các mỏ đá chưa thấy hỗ trợ gì, việc phí bảo vệ môi trường xã cũng chưa từng nhận được lần nào”. Cán bộ môi trường xã Liên Sơn cũng trong câu trả lời tương tự về việc phí bảo vệ môi trường xã chưa từng được biết đến.

Như vậy, theo Sở TNMT, việc phân bổ chi sự nghiệp môi trường cấp huyện phải thực hiện theo Nghị định 164. Tuy nhiên, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND huyện Lương Sơn đến nay đã 3 tháng nhưng vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía lãnh đạo cũng như phòng ban chuyên môn của huyện.

Theo thông tin mà phóng viên nhận được sau khi cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường từ khai thác đá bà con xóm Đồng Om, nơi thủ phủ khai thác đá của Cao Dương đã nhận được một phần kinh phí từ doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn để hỗ trợ khám chữa bệnh, khắc phục một phần ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề trước mắt, giải pháp tình thế về lâu dài người dân xóm Đồng Om cần được di dời khỏi khu vực này thì mới ổn định được cuộc sống tránh được vấn nạn ô nhiễm nghiêm trọng của hơn 10 mỏ đá xung quanh. Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc và những bất cập về vấn đề ô nhiễm môi trường từ khai thác tài nguyên, khoáng sản tại Hòa Bình.

Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban nghiên cứu khoa học, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: Luật pháp Việt Nam yêu cầu rất rõ việc phát triển kinh tế phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Các dự án khai thác khoáng sản nói chung và khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn Hòa Bình nói riêng cũng phải tuân thủ lập ĐTM, thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động có hại, và nếu để xảy ra sự cố thì phải đền bù thiệt hại. Chủ dự án phải chịu sự giám sát về BVMT của các cơ quan chức năng của các cơ quan báo chí, của cộng đồng dân cư.

(Còn nữa )

Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: UBND tỉnh lên tiếng sau loạt bài khai thác tài nguyên, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới