Chủ nhật, 24/11/2024 07:59 (GMT+7)
Thứ tư, 14/09/2022 18:05 (GMT+7)

Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về hoạt động lấn biển

Theo dõi KTMT trên

Việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định hoạt động lấn biển là yêu cầu cấp thiết, nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất về quản lý, kiểm soát các hoạt động lấn biển.

Lấn biển là hoạt động quan trọng để phát triển kinh tế đối với nhiều quốc gia trên thế giới để bảo vệ bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu và mở rộng diện tích tự nhiên phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động lấn biển đã được thực hiện ở nhiều quốc gia: Ai Cập, Maroc, Senegal và Tunisia (Châu Phi); ở Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc, Pakistan, Thái Lan (Châu Á); ở Bỉ, Đan Mạch, Đức, Ý, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Anh, Nga (Châu Âu); ở Argentina, Colombia, Suriname, Venezuela, Châu Mỹ...

Hoạt động lấn biển trên thực tế tại Việt Nam đã và đang được thực hiện để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội: Dự án hạ tầng khu công nghiệp - cảng biển - khu phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng), Khu đô thị du lịch Hùng Thắng và Khu đô thị mới Halong Marina (Quảng Ninh), Khu đô thị quốc tế Đa Phước và Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang New Town (Đà Nẵng), Khu đô thị mới Rạch Giá (Kiên Giang)…

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển, phục vụ phát triển bền vững. Địa hình nhiều sông ngòi giúp các đồng bằng châu thổ của nước ta được mở rộng tự nhiên do phù sa bồi đắp hàng năm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển.

Hoạt động lấn biển trên thực tế tại Việt Nam đã và đang được thực hiện để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội: Dự án hạ tầng khu công nghiệp - cảng biển - khu phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng), Khu đô thị du lịch Hùng Thắng và Khu đô thị mới Halong Marina (Quảng Ninh), Khu đô thị quốc tế Đa Phước và Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang New Town (Đà Nẵng), Khu đô thị mới Rạch Giá (Kiên Giang)…

Ngày 21/10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình số 72/TTr-BTNMT trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định lấn biển. Ngày 07/12/2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8922/VPCP-NN đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo không trái với các quy định pháp luật hiện hành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/12/2021.

Đến nay, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển đã được hoàn thiện, Chính phủ đang xem xét để ban hành.

Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về hoạt động lấn biển - Ảnh 1
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển, phục vụ phát triển bền vững.

Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực biển, hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, ngày 06/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2022.

Nghị định đã quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực biển, hải đảo đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm các quy định về tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; vi phạm các quy định về nhận chìm ở biển; vi phạm các quy định về sử dụng khu vực biển.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay, hoạt động lấn biển được quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Pháp luật đất đai có quy định nguyên tắc khuyến khích khai hoang, lấn biển; Pháp luật về đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư liên quan đến rừng phòng hộ lấn biển; Pháp luật bảo vệ môi trường quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; Pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển… Như vậy, pháp luật hiện hành đã đề cập vấn đề lấn biển và quy định giao khu vực biển để thực hiện lấn biển.

Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản pháp quy nào quy định cụ thể, rõ ràng về quản lý, kiểm soát hoạt động lấn biển, đặc biệt là chưa rõ chế độ quản lý, sử dụng đất lấn biển…

“Từ thực tế trên nhận thấy, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định hoạt động lấn biển là yêu cầu cấp thiết, nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất về quản lý, kiểm soát các hoạt động lấn biển”, ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về hoạt động lấn biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới