Học Bác từ phong cách truyền thông về môi trường
Không chỉ là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, danh nhân văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà báo vĩ đại – người Thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Phong cách làm báo là một điểm nhấn trong phong cách vĩ đại của Người, trong đó có phong cách truyền thông về môi trường. Nhân kỉ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), cùng ngẫm lại những lời dạy của Người để lan tỏa cách truyền thông về môi trường hiệu quả.
Truyền thông dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, Người rất chú ý tới việc nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường. Người yêu cầu: “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân... làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch thì mới khoẻ; sức càng khoẻ thì lao động sản xuất càng tốc” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.321).
Và, dẫu bận trăm công ngàn việc, Người vẫn là một tuyên truyền viên tâm huyết về công tác vệ sinh môi trường. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vệ sinh môi trường thật dung dị, dễ hiểu, từ đó lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường sống trong lành.
Một đặc điểm trong phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là viết cho sát đối tượng. Người dạy: “Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Viết cho ai xem, nói cho ai nghe? Nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”. Đối với đồng bào, chiến sỹ ta, Người dặn: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.(Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB KHXH, 1998, trang 170-173)
Ví như, để kêu gọi toàn dân tham gia diệt ruồi muỗi, Người nói: “Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều bệnh tật, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế”. Người đề nghị: “Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi, muỗi, để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.487, 354, 357).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn bảo vệ môi trường thì phải xây dựng môi trường sống trong sạch. Để nhân dân nâng cao nhận thức về môi trường sống, Người lấy những dẫn chứng rất cụ thể, diễn ra hằng ngày để người dân dễ nhớ, dễ thực hiện.
Đơn cử, khi về thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Sơn La vào thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nói: “Ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột, bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.321).
Để triển khai tốt các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh, ngay từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt việc phát động phong trào tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện. Đặc biệt, ngày 2/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572 nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia. Lời kêu gọi của Người được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp kể từ đó cho đến nay.
Sau 5 năm (1960 - 1965), toàn miền Bắc trồng được hơn 575 triệu cây các loại, trong đó có hơn 200 triệu cây trồng ven biển bảo vệ đê. Đồng thời, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình về phong trào trồng cây như: Hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Để kịp thời động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào trồng cây, khi đọc báo Trung ương và địa phương, thấy có những tin bài viết về những gương người tốt, việc tốt, về trồng cây, Bác đánh dấu lại và thưởng huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích trồng cây xuất sắc.
(Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sinh thái, Tạp chí Lý luận Chính trị - Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Nhằm lan tỏa hơn nữa công tác vệ sinh môi trường, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 730/QĐ-TTg, lấy ngày 2/7 hàng năm là “Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Việc tổ chức ngày này nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Tuyên truyền thường xuyên, liên tục
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cải thiện môi trường sinh thái thì phải trồng cây, “vì lợi ích mười năm phải trồng cây”. Người quan niệm rằng, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Để truyền đi thông điệp này, việc đầu tiên Người làm là nêu gương. Sau ngày kháng chiến thành công, trở về Hà Nội, Người chuyển đến sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa vườn cây xanh, bên ao cá trong Khu Phủ Chủ tịch.
Người đã phát động Phong trào “Tết trồng cây”, được các tầng lớp nhân dân náo nức hưởng ứng. Để cổ vũ đồng bào, chiến sỹ cả nước, sáng 11/1/1960, trong không khí “Tết trồng cây” đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân, Người đã cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất).
Tại nơi đây, Người đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Người nói: “Trong 10 năm nữa phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta” (Bác Hồ với “Tết trồng cây” và quan điểm “trồng người” – Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Cùng với nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc tuyên truyền trồng cây, gây rừng, cải thiện môi trường sinh thái là công tác thường xuyên, liên tục. Mỗi lần đi thăm các địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều lưu ý đến vấn đề trồng cây không chỉ để bảo vệ môi trường sinh thái mà còn để nâng cao đời sống cho bà con.
Đặc biệt, từ năm 1959 đến đầu năm 1969, Người đã viết 7 bài viết kêu gọi trồng cây, qua đó cho thấy Người quan tâm đến việc trồng cây, gây rừng đến mức nào. Trong mỗi bài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đưa ra những dẫn chứng, lợi ích của việc trồng cây: vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài.
Như trong bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân số 2082 ngày 28/11/1959, Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”. Ngày 1/1/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây đăng” trên Báo Hà Đông, Người chỉ rõ: “muốn xây dựng nông thôn mới... là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều tốt để lấy gỗ và để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn...” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.487, 354, 357)…
Những bài học truyền thông về môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn giá trị, không chỉ đối với đội ngũ người làm báo mà cả với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội và với mỗi người dân. Nhất là trong bối cảnh, nước ta cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường. Đó là nạn phá rừng đang xảy ra nghiêm trọng, độ che phủ rừng ngày càng giảm đi; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các khu công nghiệp, các làng nghề thủ công ngày càng tăng; dân số tăng nhanh cũng gây ra áp lực đối với hệ sinh thái nói chung; việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, có nguy cơ biến nước ta thành bãi thải cho hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không thân thiện với môi trường từ các nước khác nhập vào… Do đó, bên cạnh tăng cường quản lý nhà nước thì công tác tuyên truyền càng phải được chú trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, vì báo chí là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Không chỉ có thế, người làm báo còn phải luôn nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình để “phò chính trừ tà”.
(Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB KHXH, 1998, trang 170-173)
Khánh Thư