Chủ nhật, 24/11/2024 07:45 (GMT+7)
Chủ nhật, 21/03/2021 08:01 (GMT+7)

Hơn 1.300 thành phố trên thế giới đang nỗ lực 'xanh hóa' nền kinh tế

Theo dõi KTMT trên

REN21 cho biết tính đến cuối năm ngoái, hơn 1.300 thành phố trên thế giới đã đặt mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo hoặc công bố các chính sách hướng tới mục tiêu này.

Trong báo cáo công bố ngày 18/3, Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN21) cho biết tính đến cuối năm ngoái, hơn 1.300 thành phố trên thế giới đã đặt mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo hoặc công bố các chính sách hướng tới mục tiêu này.

Số lượng đô thị đang nỗ lực thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo đã tăng mạnh trong năm 2020. Nếu tính theo đầu người, con số này tương đương 25% dân số thành thị trên thế giới, tức một tỉ người.

Bên cạnh đó, số lượng thành phố ban bố lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu diesel và khí đốt cũng tăng gấp 5 lần lên con số 43. Nếu tính cả những thành phố mà lệnh cấm chưa có hiệu lực, con số này là hơn 60. Trong số đó, 35 thành phố nằm ở bang California của Mỹ.

Theo REN21, nỗ lực "xanh hóa" được ghi nhận nhiều nhất chủ yếu ở các thành phố Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được ghi nhận trên toàn thế giới, với việc khoảng 830 thành phố ở 72 quốc gia đã đề ra các mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo ở ít nhất một lĩnh vực.

Trao đổi với báo chí, giám đốc điều hành của REN21 Rana Adib cho rằng các thành phố có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, bà Adib lưu ý đại dịch Covid-19 đã tạo thêm sức ép lên các thành phố đang tìm cách giảm ô nhiễm môi trường và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch khi giờ đây vấn đề sức khỏe của người dân được ưu tiên hàng đầu.

Hơn 1.300 thành phố trên thế giới đang nỗ lực 'xanh hóa' nền kinh tế - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Theo trang energyvoice.com dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của IHS Markit (Anh) cho thấy Australia, Nhật Bản và Việt Nam đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phó Chủ tịch phụ trách năng lượng tái tạo và điện toàn cầu tại IHS Markit, Xizhou Zhou nhận xét: “Bảng xếp hạng của IHS cho thấy mức thu nhập không phải là yếu tố duy nhất quyết định mức độ sẵn sàng theo đuổi năng lượng sạch của một nước. Năng lượng tái tạo không còn là điều xa xỉ của nước giàu vì chi phí sẽ tiếp tục giảm".

Kể từ khi Thỏa thuận Paris về chống BĐKH được phê chuẩn vào tháng 12/2015, cũng như Cam kết của các quốc gia về môi trường (INDC) được ký kết vào tháng 11/2016, các nước trong khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) đã tập trung áp dụng các giải pháp chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng thải ra ít carbon hơn. 

Tính đến hết ngày 31/12/2020 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã có hơn 100.000 công trình ĐMT mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMT mái nhà lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỉ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Đặt biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường cho thấy triển vọng lạc quan của ngành năng lượng tái tạo với các chính sách rõ ràng và đầy tham vọng. Nhờ cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo FIT (Feed-in-tariff) và các sáng kiến tài khóa khác, giới đầu tư đã ồ ạt đổ vào Việt Nam. Chỉ trong vài năm trở lại đây, điện năng lượng tái tạo đã có bước phát triển vượt bậc. Năng lượng tái tạo đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỉ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Đối với điện gió, tháng 6/2020, Chính phủ Việt Nam đã bật đèn xanh cho các dự án mới với tổng công suất 7 GW, tiến gần hơn trên con đường đạt gần 12 GW công suất điện gió vào năm 2025.

Với đề án Quy hoạch Điện VIII do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì lập, Bộ Công Thương ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho phát điện trong nước. Cụ thể, đề án Quy hoạch khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045.

Vì vậy để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí LNG với quy mô khá lớn để cấp cho các nhà máy điện khí LNG, đi kèm với đó cần phải phát triển các cơ sở hạ tầng khí phục vụ sản xuất điện như hệ thống kho, hệ thống cảng... Giai đoạn tới năm 2030 tiếp tục khai thác mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn gió ngoài khơi xa bờ, các nguồn điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác...

Quy hoạch điện VIII được hy vọng sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng; là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Hơn nữa, đây cũng là công cụ để kiểm soát, quản lý hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh các nguồn năng lượng cho quốc gia.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho biết: “Việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đón dòng đầu tư mới để phát triển kinh tế xã hội… Có thể nói, chuyển dịch năng lượng nhưng cũng là sự chuyển dịch của cả nền kinh tế”.

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Hơn 1.300 thành phố trên thế giới đang nỗ lực 'xanh hóa' nền kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới