Hơn 5 triệu trẻ em trên thế giới mồ côi vì đại dịch
Mới đây, Tạp chí y khoa The Lancet công bố, khoảng 5,2 triệu trẻ em trên thế giới đã bị mồ côi cha mẹ hoặc mất đi người chăm sóc trong đại dịch Covid-19.
Theo The Lancet, nghiên cứu được thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu số ca tử vong và các dữ liệu khác từ 21 quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 5-10/2021, số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu tăng gần gấp đôi so với những tháng trước đó, chủ yếu là do biến thể Delta.
Ước tính có khoảng 5,2 triệu trẻ em đang rơi vào cảnh mồ côi do Covid-19.
Các số liệu từ nghiên cứu cũng cho thấy số trẻ em mất đi cha hoặc mẹ sau 20 tháng bùng dịch Covid-19 cao hơn tổng số trẻ em tử vong vì Covid-19 và khoảng cách này đang gia tăng.
Trong đó, trẻ em từ 10-17 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 2,1 triệu trẻ phải mồ côi cha hoặc mẹ. Trong khi đó, hơn 490.000 trẻ em dưới 4 tuổi và 750.000 trẻ em từ 5-10 tuổi mất đi cha mẹ hoặc người chăm sóc. Trong số tất cả trẻ em này, cứ 4 trẻ thì có 3 trẻ mồ côi cha và tình trạng này càng có ý nghĩa nghiêm trọng ở các nước thu nhập thấp, nơi người cha thường là trụ cột chính của gia đình. Riêng tại Mỹ, các nhà nghiên cứu ước tính hơn 149.000 trẻ em đã mất cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Tiến sĩ Susan Hillis, trưởng nhóm nghiên cứu và là chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Oxford (Anh) cho biết, đây thực sự là những con số “gây sốc” và số trẻ mồ côi liên quan đến Covid-19 ngày càng gia tăng. Cũng theo bà, những người mắc Covid-19 có thể hồi phục được, nhưng mất cha mẹ là những tổn thương không thể phục hồi dễ dàng.
Trước đó, vào tháng 7/2021, nhóm nghiên cứu đã ước tính có khoảng 1,5 triệu trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ trong 14 tháng đầu tiên bùng phát dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến mới của dịch bệnh với sự xuất hiện của các biến thể mới, cũng như số ca nhiễm và ca tử vong tăng nhanh, họ buộc phải đánh giá lại phân tích.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2021 đã có hơn 2500 trẻ mồ côi tại TP.HCM. Để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của các em, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em này theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ cho trẻ em tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19; trẻ em có cả cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ tử vong vì nhiễm Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH).
Hiện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em). Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, để trẻ được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành chính sách, kế hoạch của địa phương về hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài đối với nhóm trẻ em này tại các tỉnh, thành phố có số lượng lớn trẻ mồ côi do đại dịch; chỉ đạo việc trợ giúp pháp lý cho các em theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ.
Ngoài chính sách hỗ trợ trước mắt cho trẻ em mồ côi, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) xây dựng nhanh các hướng dẫn về chăm sóc thay thế phù hợp với nguyên tắc và khuyến nghị của Liên hợp quốc, hỗ trợ địa phương triển khai đánh giá trẻ em mồ côi, xây dựng kế hoạch can thiệp hỗ trợ phù hợp nhất và hiệu quả nhất với các em; đồng thời tập huấn đội ngũ cán bộ hỗ trợ nâng cao năng lực cho trẻ em ở cộng đồng, chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý cho trẻ em.
Nguyễn Linh (T/h)