Chủ nhật, 24/11/2024 08:20 (GMT+7)
Thứ năm, 23/12/2021 09:00 (GMT+7)

Hợp tác xã môi trường: Mô hình hiệu quả cần nhân rộng

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ TN&MT, gần 500 mô hình Hợp tác xã (HTX) đã góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường (BVMT), huy động sức mạnh và ý thức của người dân trong BVMT sống.

Thực trạng chính sách thúc đẩy HTX môi trường

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên cả nước có 479 HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chiếm tỷ lệ 3,4% tổng số HTX trên cả nước, tăng bình quân 157,5% so với giai đoạn 2011 - 20151. Các mô hình HTX môi trường chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Phân loại rác tại nguồn, chế biến rác thải hữu cơ làm phân vi sinh, tái chế rác thải nilông làm hạt nhựa, xử lý nước thải, khí thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật,... 

Các địa phương có số lượng lớn HTX hoạt động trong lĩnh vực này là Hà Tĩnh: 149, Vĩnh Phúc: 63, Đồng Nai: 55, Tiền Giang: 21 và Bình Dương: 14; Các địa phương còn lại có trung bình từ 3-4 HTX; Cũng có một số địa phương không có HTX nào như Lâm Đồng, Bến Tre.

Đồng Tháp và An Giang2 . Nhiều mô hình HTX hoạt động rất hiệu quả, tên tuổi đã được khẳng định như HTX môi trường Thành Công (Hà Nội), HTX môi trường thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc), HTX vận tải và dịch vụ môi trường (Tuyên Quang), HTX vệ sinh môi trường An Châu (Bắc Giang),... Những HTX này đã góp phần quan trọng vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để thúc đẩy sự phát triển của các HTX môi trường, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp, từ xây dựng thể chế chính sách đến tăng cường nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính, cụ thể: 

Xây dựng và hình thành hành lang pháp lý về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và phát triển dịch vụ môi trường nói riêng như Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; gần đây nhất là Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Hợp tác xã môi trường: Mô hình hiệu quả cần nhân rộng - Ảnh 1
Công nhân HTX Dịch vụ môi trường Sơn Hà thu gom rác thải tại Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Các nội dung ưu đãi, hỗ trợ bao gồm các chính sách ưu đãi về đất đai, giải phóng mặt bằng, thuế, công nghệ... với đối tượng được ưu đãi rất rộng, mức ưu đãi cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX khi tham gia cung ứng dịch vụ môi trường.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX trong bảo vệ môi trường. Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 bắt đầu hoạt động của mình với phương châm là một Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, phục vụ và gần dân”, trong đó coi tài nguyên, môi trường vừa là đối tượng phải bảo vệ, vừa là nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động phát triển, đã thay đổi phương thức quản lý hướng đến đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nói chung, các HTX môi trường nói riêng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chỉ tính riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm đã tổ chức hàng chục buổi tọa đàm với các doanh nghiệp, đặc biệt từ năm 2016 đến nay đã tổ chức các Hội nghị để hỗ trợ tài chính với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững”.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường nhằm tạo điều kiện tối đa cho các HTX cung ứng dịch vụ môi trường. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc cắt giảm nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện; Thực hiện thí điểm liên thông 11 TTHC thuộc 3 lĩnh vực: Môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo bằng 9 quy trình liên thông, giúp doanh nghiệp cắt giảm 2/3 thời gian và tiết kiệm trên 60% chi phí thực hiện TTHC.

Tăng cường ứng dụng tin học hóa quản lý nhà nước, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử (năm 2017 đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Vấn đề tồn đọng

Nhiều mô hình HTX hoạt động rất hiệu quả, tên tuổi đã được khẳng định như: HTX môi trường Thành Công (Hà Nội), HTX môi trường thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc), HTX vận tải và dịch vụ môi trường (Tuyên Quang), HTX vệ sinh môi trường An Châu (Bắc Giang),... nhiều mô hình HTX chuyên sâu trong BVMT đã được thành lập như: HTX môi trường, HTX thu gom và xử lý rác thải, HTX nước sạch nông thôn, HTX trong các làng nghề tham gia xử lý môi trường và đã có những mô hình thành công như: HTX môi trường Thành Công (Hà Nội), HTX nước sạch Bình Tây (Tiền Giang), HTX môi trường Hiệp Hòa (Bắc Giang), HTX môi trường Chí Linh (Hải Dương)...

Ngoài việc tham gia tích cực vào bảo vệ và làm sạch môi trường, các HTX dịch vụ môi trường còn góp phần tạo việc làm cũng như thu nhập và bảo đảm đời sống cho hàng chục nghìn lao động mà chủ yếu là cho người nghèo.

Hợp tác xã môi trường: Mô hình hiệu quả cần nhân rộng - Ảnh 2
Hoạt động của HTX dịch vụ môi trường còn hạn chế. (Ảnh minh họa)

Mặc dù, đã đạt được nhiều kết quả, nhưng nhìn chung, hoạt động của HTX dịch vụ môi trường còn hạn chế, Bộ TN&MT cho rằng, các hoạt động tư vấn, dịch vụ của nhiều HTX tuy có thực hiện, nhưng số lượng chưa nhiều, hạn chế về cơ sở vật chất và năng lực cung cấp dịch vụ. Các đơn vị triển khai mới chỉ làm được những gì mình đang có, hạn chế phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động (hướng tới các dịch vụ xử lý nước cấp, xử lý rác thải, khí thải...).

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT của các mô hình HTX còn bất cập so với yêu cầu, đa số thiếu vốn hoạt động. Trong lúc nguồn lực còn hạn chế thì hầu hết các HTX thiếu thông tin về các chương trình, dự án hoặc có thông tin nhưng còn lúng túng, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch, đề án, dự án cụ thể về BVMT để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương giúp phát triển mô hình HTX môi trường và HTX tham gia BVMT.

Nguyên nhân của việc này do trình độ tổ chức quản lý hoạt động BVMT chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của các HTX trong bối cảnh hội nhập; Chưa phối hợp tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và HTX; Thiếu vốn; Năng lực của cán bộ làm công tác BVMT chưa được chú trọng nâng cao; Chậm đổi mới cả về tư duy và phương thức hoạt động.

Nhận thức của liên minh HTX các cấp về công tác BVMT còn hạn chế. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX trong công tác BVMT còn thiếu, trong khi phần lớn các HTX ở nước ta còn nghèo, công nghệ còn lạc hậu thiếu nguồn lực nên hầu hết các HTX ít quan tâm, hoặc có quan tâm cũng ít có điều kiện để đầu tư đúng mức vào BVMT.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hợp tác xã môi trường: Mô hình hiệu quả cần nhân rộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới