Thứ năm, 28/11/2024 00:18 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/12/2020 17:07 (GMT+7)

'Hốt bạc' nhờ thu gom sản xuất phân bón hữu cơ cho nông nghiệp sạch

Theo dõi KTMT trên

Hợp tác xã Môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng cung ứng ra thị trường hơn 300 đến 330 tấn phân bón hữu cơ sản xuất từ chất thải trong nuôi bò sữa, thu lời từ 80 đến 90 triệu đồng/tháng.

'Hốt bạc' nhờ thu gom sản xuất phân bón hữu cơ cho nông nghiệp sạch - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều năm qua, những chất thải trong chăn nuôi bò sữa ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, đã khiến chính người chăn nuôi nơi đây và người dân ở các địa phương lân cận khi tới thăm phải e ngại, than phiền bởi mùi hôi nồng nặc, tình trạng ô nhiễm ở nhiều ngõ xóm ngày càng phức tạp.

Thế nhưng, đến nay vấn đề chăn nuôi bò tại địa phương này đã có sự chuyển biến rất tích cực, đường làng ngõ xóm sạch và ít bốc mùi hơn, ô nhiễm ngày một giảm.

Điều này có được là nhờ thu gom, xử lý chất thải bò làm phân bón hữu cơ xuất bán đi nhiều tỉnh, thành và được đông đảo người làm vườn đồi, đồng ruộng đón nhận.

Người có công gom thất thải chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời sản xuất chế biến phân hữu cơ để mạng lại lợi ích kinh tế lớn, đó là anh Nguyễn Văn Thảo,- một bác sỹ thú y, ở thôn Trại Trì, xã Vĩnh Thịnh.

Sau một thời gian dài nghiên cứu, đi tìm hiểu ở một số địa phương, anh Thảo đã nảy sinh ra ý tưởng phải thành lập một cơ sở chuyên thu gom, biến các chất thải chăn nuôi đang dư thừa ở địa phương thành những sản phẩm có ích để cung cấp cho các nhà vườn, các địa phương có thế mạnh gieo trồng nhưng đang thiếu hụt nguồn phân bón hoặc đang lạm dụng nguồn phân vô cơ.

Năm 2017, Thảo quyết định thành lập Hợp tác xã Môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng và do anh làm giám đốc. Hợp tác xã chuyên hoạt động thu gom phân bò để sản xuất phân bón hữu cơ, cơ sở sản xuất chính của anh được đặt tại xứ đồng Gia Cư, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh với diện tích 3.500m2, có mái che, có hệ thống bể gom, bể bioga, 2 máy ép phân của Ý sản xuất...với tổng kinh phí đầu tư cho nhà xưởng, máy móc thiết bị gần 3 tỉ đồng.

Hiện, ngoài công việc chuyên môn bác sỹ thú y của thôn, xã, anh Thảo còn là người lãnh đạo, quản lý Hợp tác xã Môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng, đang sản xuất-kinh doanh khá hiệu quả từ chất thải chăn nuôi tại địa phương.

Hiện nay, toàn xã Vĩnh Thịnh có 10.000 con bò; trong đó có khoảng 9.000 con bò sữa, còn lại là bò thịt. Lượng phân của tổng đàn bò của xã Vĩnh Thịnh thải ra là trên 200 tấn/ngày đêm và phần lớn lượng phân này người dân tại các thôn xóm ở Vĩnh Thịnh mang đi chăm bón các loại cây trồng trên đồng ruộng, đặc biệt là chăm sóc hàng trăm ha cỏ trồng phục vụ chăn nuôi bò ở địa phương.

Lượng phân còn lại của tất cả số hộ nuôi bò ở Vĩnh Thịnh người dân không có nhu cầu sử dụng nhưng hàng ngày vẫn phải thu gom, vận chuyển ra đồng ruộng, đồi bãi để đổ, để tập kết gây ô nhiễm trên diện rộng.

Để làm tốt việc thu gom, có lượng phân sản chất chế biến ổn định, Hợp tác xã đã hỗ trợ bà con thùng chứa phân bò và cử công nhân hàng ngày đi thu gom phân về bãi sản xuất 2 lần vào buổi sáng và chiều tối.

Bình quân mỗi tháng Hợp tác xã thu gom 1.400 đến 1.500 tấn phân bò tươi. Tại bãi sản xuất, phân bò được chia ra để pha trộn chế phẩm sinh học, đưa vào máy ép và ủ nhằm khử mùi, khử nấm và khuẩn có hại, tạo ra thành phần hữu cơ đáp ứng cho sản xuất nông nghiệp sạch.

Qua kiểm nghiệm, thành phẩm tơi, xốp, không mùi, hàm lượng dinh dưỡng nuôi cây cao, giúp cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 300 đến 330 tấn phân bón hữu cơ, trừ các khoản chi phí đầu tư, anh Thảo thu lời từ 80 đến 90 triệu đồng/tháng.

Hợp tác xã tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2018 đến nay, sản xuất đi vào ổn định, thị trường mở rộng ra toàn miền Bắc, trong đó, những tỉnh, thành sử dụng nhiều phân bón hữu cơ của Hợp tác xã Môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng là Bắc Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…

Hiện, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, dự kiến nâng công suất lên 1,5 đến 2 lần công suất hiện có, hướng tới thu gom toàn bộ chất thải chăn nuôi bò dư thừa tại xã Vĩnh Thịnh.

Hoạt thu gom chất thải chăn nuôi, sản xuất chế biến cho sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng khuyến khích người dân dùng phân bón hữu cơ của anh Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực của các cấp Đảng ủy và chính quyền, nhất là người dân chăn nuôi ở địa phương; sự khuyến khích lớn từ Hội nông dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhiều gia đình chăn nuôi bò ở xã Vĩnh Thịnh cho rằng việc thu gom chất thải chăn nuôi ở các thôn, xóm tạo sự chuyển biến tích cực, mạng lại hàng loạt lợi ích.

Các gia đình ông Đặng Văn Quốc, gia đình Bà Đỗ Thị Nga đều ở thôn An Lão Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, cho rằng từ khi có Hợp tác xã thu gom, sản xuất phân bón hữu cơ lượng chất thải chăn nuôi giảm rõ rệt, đường làng ngõ xóm sạch hơn, người dân đỡ mất thời gian công sức vận chuyển chất thải đi nơi khác mà đã có người, có xe chuyên dụng thu gom đến nơi tập kết để chế biến cho người dân địa phương khác đang thiếu, đang cần.

Nguyễn Trọng Lịch

Bạn đang đọc bài viết 'Hốt bạc' nhờ thu gom sản xuất phân bón hữu cơ cho nông nghiệp sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới