Chủ nhật, 24/11/2024 04:32 (GMT+7)
    Thứ hai, 29/07/2024 17:29 (GMT+7)

    Phát triển nông nghiệp bền vững nhìn từ thực trạng xây dựng trái phép tại H. Ân Thi (Bài 1)

    Theo dõi KTMT trên

    Phát triển nông nghiệp bền vững là một mối quan tâm của toàn cầu khi thế giới phải đối mặt với nhiều cản trở về lương thực, thực phẩm. Việc hiểu đúng, đủ về vai trò của phát triển bền vững trong nông nghiệp là vô cùng cần thiết trong thời kỳ hội nhập.

    LỜI TÒA SOẠN:

    Nông nghiệp bền vững hiểu đơn giản là một chuỗi sản xuất. Gồm sản xuất lương thực, thực phẩm và cây trồng, vật nuôi. Trong đó, người sản xuất (nông dân) đã sử dụng các kỹ thuật nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, đối xử tốt với vật nuôi. Từ đó thỏa mãn nhu cầu của con người ở hiện tại, tương lai.

    Một nền nông nghiệp bền vững đòi hỏi phải đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là: đảm bảo nhu cầu nông sản của loài người hiện nay và duy trì được tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau (trong đó bao gồm gìn giữ được quỹ đất, quỹ nước, quỹ rừng, không khí và khí quyền, tính đa dạng sinh học v.v…). Theo đó, việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững là việc làm vô cùng cấp thiết, đồng thời cũng là xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển.

    Cạnh đó, nền nông nghiệp bền vững cung cấp một nguồn nông sản sạch mà không gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để đạt được điều đó thì điều cốt lõi nhất hình thành một nền nông nghiệp bền vững chính là phải tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường.

    Tựu trung lại, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững chính là quá trình nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tốt các vấn đề xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. 

    Việt Nam hiện vẫn là một nước mà ngành sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm vị trí vai trò vô cùng to lớn. Nhưng trên thực tế, nhiều vùng trong cả nước, nhiều địa phương việc sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích vẫn là một tình trạng nhức nhối chưa được xử lý triệt để. Điều đó nó để lại một phần ảnh hưởng tới việc phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương đó.

    Điển hình như việc việc san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cần ngăn chặn ngay từ đầu nhằm tránh nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng cảnh quan môi trường nông thôn và phá vỡ quy hoạch, gây tốn kém ngân sách nhà nước khi phải huy động nhân lực và vật lực để cưỡng chế, giải tỏa công trình vi phạm sau này.

    Nằm ở vị trí ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội, huyện Ân Thi (Hưng Yên) được định hướng trở thành một trong các trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh những bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, tại địa bàn huyện này vẫn tồn tại nhiều trường hợp vi phạm về xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

    Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã ghi nhận thực tế theo phản ánh của người dân địa phương. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tổng thể về thực trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Ân Thi. Kính mong các cơ quan chức năng xem xét, xử lý dứt điểm để hướng tới phát triển huyện Ân Thi bền vững theo đúng mục tiêu đề ra.

    Thực tế: 

    Trên địa bàn huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đang tồn tại nhiều công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Thực trạng này xảy ra chủ yếu tại các xã Đặng Lễ, Đào Dương, Quảng Lãng và thị trấn Ân Thi, khiến người dân địa phương bức xúc.

    Qua ghi nhận thực tế tại nhiều xã thuộc huyện Ân Thi cho thấy, trên địa bàn huyện này tồn tại thực trạng nhiều ao công ích, đất nông nghiệp có diện tích lên tới hàng chục nghìn mét vuông đang bị lấn chiếm và xây dựng trái phép. Thậm chí có trường hợp cán bộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự ý lập Biên bản bàn giao đất cho người dân xây dựng nhà kiên cố gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh trật tự và hình ảnh, môi trường đầu tư ở địa phương.

    Phát triển nông nghiệp bền vững nhìn từ thực trạng xây dựng trái phép tại H. Ân Thi (Bài 1) - Ảnh 1
    Ngôi nhà kiên cố được xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Đặng Đinh, xã Đặng Lễ.

    Tại địa bàn xã Đặng Lễ, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận khu vực ao công ích của thôn (người dân địa phương gọi là ao cá Bác Hồ) có xây dựng 1 ngôi nhà kiên cố với diện tích sân, vườn, nhà lên đến vài trăm m2. Đang sinh sống tại ngôi nhà này là gia đình ông Trần Trọng Sang.

    Cũng tại xã Đặng Lễ, ao công ích ở thôn Đới Khê (người dân gọi là khu ao quán) cũng được gia đình bà Đặt san lấp, xây dựng kiên cố. Những năm qua, nhiều người dân địa phương không khỏi thắc mắc vì sao những ngôi nhà to như vậy được xây dựng trái phép mà không thấy sự can thiệp từ cơ quan chức năng.

    Theo ông Đỗ Xuân Cương, Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ, 2 khu ao kể trên đã được san lấp và xây dựng từ mấy chục năm trước. Thế nhưng, theo nhiều hộ dân sinh sống tại thôn Đặng Đinh và Đới Khê thì 2 ngôi nhà này được xây dựng cách đây không lâu, thậm chí thời gian gần đây còn san lấp thêm một số diện tích bên cạnh để trồng rau và nuôi gà, khác hẳn với những gì mà Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ đã thông tin.

    Tiếp tục ghi nhận tại xã Đặng Lễ, người dân ở thôn Thọ Hội phản ánh nhiều diện tích đất 03, ao dân quân trên địa bàn thôn đã được ông Đỗ Xuân Cương, Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ mua lại làm ao, san lấp để trồng cây lâu năm và xây dựng tường bao xung quanh. Làm việc với ông Đỗ Xuân Cương, phóng viên đã đề nghị được tiếp cận giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền cấp phép, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tiếp cận được.

    Phát triển nông nghiệp bền vững nhìn từ thực trạng xây dựng trái phép tại H. Ân Thi (Bài 1) - Ảnh 2
    Ao công ích rộng hàng nghìn mét vuông tại thôn Đào Xá, xã Đào Dương đang được san lấp.

    Ghi nhận thực tế tại địa bàn xã Đào Dương, tình trạng các trang trại lợn xây dựng trái phép ở thôn Đào Xá vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân cũng phản ánh tình trạng san lấp ao công ích có diện tích lên tới cả nghìn m2 tại địa phương này. Ở thôn Phần Lâm, gia đình ông Hướng và ông Lập dùng chất thải xây dựng để san lấp khu ao cạnh nhà. Người dân địa phương thắc mắc vì chưa rõ khu vực này đã được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chưa.

    Người dân ở thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lãng cũng phản ánh rằng nhiều năm trước, trưởng thôn (nay đã nghỉ hưu) đã "bán" đất ruộng cho rất nhiều hộ dân. Ông N.V.H, một người dân ở thôn này chia sẻ: “Trước kia, thôn "bán" với giá hơn 200 triệu đồng/1 suất đất, người dân trong thôn mua nhiều lắm! Đất này trước đó đã được thôn cho chuyển đổi sang trồng cây lâu năm hết rồi”.

    Phát triển nông nghiệp bền vững nhìn từ thực trạng xây dựng trái phép tại H. Ân Thi (Bài 1) - Ảnh 3
    Diện tích đất nông nghiệp tại thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lãng theo phản ánh của người dân là trưởng thôn trước đây đã cho "bán" ruộng.

    Tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp bền vững 

    Có thể nói, nền nông nghiệp bền vững có khả năng tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp lên kinh tế và xã hội của đất nước. Cụ thể như sau:

    Vai trò với kinh tế

    Trên tinh thần vừa đảm bảo nhu cầu nông sản vừa duy trì tài nguyên thiên nhiên thì việc phát triển nền nông nghiệp bền vững sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp xanh - sạch, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến. Qua đó, nền nông nghiệp bền vững giúp định hình thương hiệu và nâng cao giá trị của nông sản trên thị trường, đặc biệt là hướng vào các sản phẩm xuất khẩu. Một nền nông nghiệp đề cao môi trường sinh thái ắt sẽ thu hoạch được nông phẩm sạch tương ứng. 

    Vai trò với xã hội 

    Thêm nữa, việc phát triển nông nghiệp bền vững còn có những đóng góp cụ thể cho phát triển xã hội. Đó là bảo đảm sự công bằng trong phát triển, bảo đảm cuộc sống của người nông dân đạt kết quả ngày càng cao. Phát triển nông nghiệp bền vững tạo cơ hội canh tác tập trung nhằm tương thích với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từ đó góp phần giúp người dân trau dồi kinh nghiệm, nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ xóa đói giảm nghèo, khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp và nhóm xã hội có xu hướng thuyên giảm rõ rệt. 

    Ngoài ra, nông nghiệp bền vững còn tạo điều kiện giữ cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường sống. Đây là một nội dung quan trọng trong việc xác định phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Nông sản từ quá trình phát triển nông nghiệp bền vững được đánh giá cao khi và chỉ khi nó đáp ứng đủ niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, giá cả, dịch vụ, phương thức sản xuất và phương thức cung cấp. 

    Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.

    “Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy? Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.

    Về thực trạng san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn huyện Ân Thi, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin cụ thể tới bạn đọc.

    Đồng thời kính đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Ân Thi vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm tại địa bàn.

    Ngày 16/3/2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ:

    1. Nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không được tự ý đào, đắp, xây dựng nhà ở và các công trình trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến lớp đất canh tác và biến dạng mặt đất. Trường hợp có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải tuân thủ theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

    2. Xử lý nghiêm chính quyền ở những nơi buông lỏng quản lý đất đai, để phát sinh tình trạng bán đất, cấp đất trái phép; để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn, chiếm đất hành lang các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Phải kiên quyết tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép trên đất trồng lúa, đất chuyển đổi cơ cầu cây trồng, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, đường điện.

    Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

    Sông Hồng

    Bạn đang đọc bài viết Phát triển nông nghiệp bền vững nhìn từ thực trạng xây dựng trái phép tại H. Ân Thi (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới