Hướng đi bền vững trong khủng hoảng
Sân thượng, ban công, các khu đất trống... trở thành nơi “tăng gia” chính của các cư dân Beirut (Lebanon), khi giá lương thực ngày một tăng cao.
Cái khó ló cái khôn
Đứng trên tầng thượng của một văn phòng trong trại Burj al-Barajneh chật cứng ở Beirut, Omar Abu Zeinab nhổ cỏ và tưới nước cho một lô khoai tây, đay mới trồng gần đây và các loại rau xanh theo mùa khác. “Đó là một thử nghiệm, chúng tôi muốn xem những gì hiệu quả và những gì không hiệu quả trước khi xây dựng thêm các nông trại trên sân thượng và cho mọi người thấy rằng không nhất thiết phải có vườn để trồng thực phẩm. Mọi cây trồng tại đây đều có nguồn gốc bản địa”- anh nói. Abu Zeinab là một trong số nhiều người ở Lebanon chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô nhỏ khi giá lương thực tăng cao.
Đồng bảng Lebanon mất giá tới 60% kể từ tháng 10-2019 khiến nhiều mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ, bao gồm một số loại thực phẩm. Theo Viện Nghiên cứu và Tư vấn, tổ chức chuyên theo dõi chỉ số giá tiêu dùng ở Beirut, giá đường đã tăng 65% từ tháng 3 - 2019 đến tháng 3 - 2020. Cùng với đó, đậu răng ngựa cũng tăng 55%, bột mì tăng 45% và gạo tăng 44%. Sau đó, đại dịch Covid-19 đe dọa nguồn cung lúa mì của Lebanon khi các nhà cung cấp chính của nước này, Nga và Ukraine, ban hành hoặc cân nhắc lệnh cấm xuất khẩu để tăng cường dự trữ trong nước.
Thủ tướng Hassan Diab vào tháng 5 đã cảnh báo về làn sóng di cư đến châu Âu do nạn đói trừ khi có viện trợ. Lebanon đã từng là giỏ bánh mì ở phía Đông Địa Trung Hải nhưng hiện nhập khẩu tới 80% thực phẩm cần thiết. Các chuyên gia cho rằng với sự hỗ trợ thích hợp các sáng kiến canh tác quy mô nhỏ, Lebanon có thể tiến xa trong việc bảo đảm an ninh lương thực của mình.
Một cộng đồng hỗ trợ trực tuyến mới ra đời dành cho những người tìm cách canh tác trên rẻo đất, mái nhà hoặc ban công của họ. Hàng chục người đặt câu hỏi và đăng bài về các kỹ năng trên Twitter mỗi ngày, sử dụng thẻ #agrinerds để kết nối những người mới trồng trọt và những nông dân giàu kinh nghiệm. Một số người gặp nhau trên nhóm Izraa trên Facebook, được thành lập bởi một số kỹ sư nông nghiệp vào tháng 1-2020 để đăng các hướng dẫn và lời khuyên trồng trọt. Nhóm này hiện đã phát triển thành một cộng đồng với khoảng 30.000 thành viên, chứng tỏ hiệu quả từ những “bài học” qua mạng này.
Nhà phát triển phần mềm Hayan Abou Reslan canh tác trên diện tích 7.000 m2 đất gần Hammana ở Baabda trong hơn một năm. Anh thường làm nông mỗi buổi sáng trước khi đến Beirut làm việc, đã lấy kiến thức từ “rất nhiều video trên YouTube và một số thử nghiệm” để trồng trọt và sản xuất khoảng 500 kg đậu xanh trong vòng bốn tháng trên mảnh đất rộng 180 m2 của mình.
Lựa chọn nông nghiệp hữu cơ
Cũng có người canh tác trên các thửa đất bỏ hoang và thậm chí là các trang trại thương mại nhỏ mà không cần phụ thuộc vào hạt giống, phân bón và thuốc trừ sâu nhập khẩu đắt tiền. Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy chỉ riêng trong năm 2019, Lebanon đã chi 14 triệu USD để nhập khẩu hạt giống, 37 triệu USD cho phân bón và 19 triệu USD cho thuốc trừ sâu nhập khẩu. Hussein Kazoun, người đã mở một trang trại hữu cơ rộng 45.000 m2 ở thung lũng Bekaa bốn năm trước, cho biết: “Tôi thường sử dụng các loại cây trồng phù hợp nhau, cố gắng không can thiệp quá nhiều nếu cây bị côn trùng hoặc dịch bệnh. Đôi khi tôi sử dụng thuốc trừ sâu hữu cơ tự sản xuất, hoặc để nguyên”. Kazoun nói rằng trang trại của anh được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ trong vùng và hầu như chỉ trồng những hạt giống bản địa mà anh lấy từ một ngân hàng hạt giống gần đó.
Cách tiếp cận này có thể nhân rộng. Kỹ sư môi trường Ziad Abi-Chaker nói Lebanon có thể loại bỏ phân bón hóa học nhập khẩu nếu quá trình ủ phân hữu cơ được triển khai trên toàn quốc. “Lebanon tạo ra 7.000 tấn chất thải mỗi ngày, trong đó 5.250 tấn là chất hữu cơ. Nếu bạn ủ phân hữu cơ từ nguồn này, bạn sẽ nhận được khoảng 2.888 tấn phân hữu cơ thành phẩm mỗi ngày. Trong một tháng, bạn sẽ có khoảng 86.640 tấn - hơn cả số lượng chúng tôi từng nhập khẩu”, ông nói.
Ở Burj al-Barajneh, Abu Zeinab giải thích rằng phân hữu cơ sử dụng trong trang trại trên sân thượng có nguồn gốc là chất thải và thức ăn không bán được từ các vườn rau địa phương. “Chúng tôi đã gửi loại phân này đến một phòng thí nghiệm để kiểm tra và kết quả 98% là chất hữu cơ”, anh khoe.
Xây dựng Thư viện hạt giống, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp
Trang trại này nằm trong sáng kiến an ninh lương thực do tổ chức phi chính phủ Jafra Foundation điều hành. Tổ chức này cũng có trang trại thủy canh trên mái nhà ở Shatila, trang trại hữu cơ ở Thung lũng Bekaa và trang trại hạt giống ở Ain al-Hilweh. Hạt giống phù hợp là một yếu tố quan trọng làm giảm sự phụ thuộc của Lebanon vào các sản phẩm nhập khẩu.
Serge Harfouche, một nông dân thuộc Ngân hàng hạt giống Buzuruna Juzuruna (Hạt giống của chúng ta, Gốc rễ của chúng ta), quảng bá hạt giống thuần chủng như một cách để mở rộng chủ quyền lương thực của Lebanon. “Hạt giống thuần chủng là nguồn mở. Chúng không được cấp bằng sáng chế hoặc kiểm soát bởi các tập đoàn và chúng không phải là không sinh lời, vì vậy bạn có thể sản xuất hạt giống của riêng mình”, ông nói. Harfouche giải thích rằng hạt giống thuần không cần phải xử lý bằng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đặc thù, khác với hạt giống lai. Buzuruna Juzuruna đã tạo ra một thư viện hạt giống khá phong phú trong hơn 5 năm qua trên mảnh đất rộng 20.000 m2 ở Thung lũng Bekaa; đồng thời đào tạo về nông học để nông dân có thể tạo thư viện hạt giống của riêng họ.
Nhà tư vấn nông nghiệp Mohanad Dabbagh nói Lebanon có thể đáp ứng 70% nhu cầu lương thực nếu đất nhàn rỗi được đưa vào sử dụng một cách thông minh và các hộ nông dân nhỏ được hỗ trợ. Điều này bao gồm việc yến mạch và các loại ngũ cốc khác được trồng trái vụ nhằm giảm việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trị giá 143 triệu USD mỗi năm. “Khoảng 85% thực phẩm của Lebanon được sản xuất tại địa phương trong những năm 1980. Các hộ nông dân nhỏ trên thế giới sản xuất 70% nhu cầu lương thực của dân số, nhưng ở Lebanon, họ đã bị lãng quên”, Dabbagh cho biết. Không khó hiểu điều này bởi chỉ có 0,35% ngân sách năm 2020 được phân bổ cho nông nghiệp.
Nhưng có một số biện pháp có thể thực hiện với chi phí thấp. Chẳng hạn cung cấp các hướng dẫn cho nông hộ nhỏ mới về cách tái tạo đất hoang hoặc bị thoái hóa từ lâu do thuốc trừ sâu hóa học. Dabbagh nói: “Nếu nhận được hướng dẫn thích hợp, họ có thể có một vụ mùa bội thu trong năm tới”. Chính quyền Lebanon cũng có thể đóng vai trò điều phối giữa các nông hộ nhỏ, giúp họ tiếp cận thị trường và tăng cường kiểm soát giá cả và luật cạnh tranh. Nhiều hợp tác xã mới ra đời giúp người trồng cắt bỏ khâu trung gian và bán sản phẩm của họ trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Mặt khác để tránh giá sụt giảm khi nhiều sản phẩm ế thừa khi vào vụ thu hoạch, Dabbagh cho rằng các thành phố nên tập hợp nông dân trước mỗi mùa vụ để thống nhất kế hoạch canh tác.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều có chi phí thấp và không thể tránh khỏi thực tế là ngành nông nghiệp Lebanon từ lâu bị thiếu vốn đầu tư. Với việc nhập khẩu lương thực vượt quá 500 triệu USD mỗi năm, số tiền này có thể được sử dụng để hỗ trợ nông hộ nhỏ tốt hơn chăng.“Tại sao không giúp nông dân khởi nghiệp? Khi họ trồng trọt, các ngành khác cũng hoạt động, như vận chuyển, kho lạnh và chế biến thực phẩm. Nếu không cung cấp tiền khởi nghiệp cho nông dân, khó có thể thay đổi được chính sách nhập khẩu”, anh nhận xét.
Thanh Lam