Chủ nhật, 24/11/2024 05:18 (GMT+7)
Thứ năm, 09/12/2021 11:00 (GMT+7)

Indonesia: Nhộn nhịp buôn bán động vật hoang dã

Theo dõi KTMT trên

Tại Indonesia, các chuyên gia bảo tồn đang lo ngại về sự nhập nhèm giữa buôn bán bất hợp pháp và buôn bán hợp pháp có thể đẩy một số loài đến nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là bài học về sự bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.

Sự nhập nhèm giữa buôn bán bất hợp pháp và buôn bán hợp pháp

Indonesia đứng vị trí thứ 9 trong danh sách 80 quốc gia có số lượng mẫu vật động vật hoang dã được xuất khẩu hợp pháp ra nước ngoài cao nhất kể từ năm 1975. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo tồn cho rằng nếu lợi nhuận từ hoạt động này không được phân bổ cho mục tiêu bảo tồn thì việc có giá trị xuất khẩu lớn không phải là điều đáng tự hào, chưa kể hoạt động buôn bán hợp pháp đôi khi là vỏ bọc che giấu cho nạn buôn bán bất hợp pháp bằng cách “rửa” động vật hoang dã bị săn bắt ngoài tự nhiên thông qua các cơ sở nuôi nhốt.

Dựa trên việc xem xét dữ liệu CITES trong 46 năm (1975 – 2021), nghiên cứu do Outforia thực hiện xếp Indonesia ở vị trí thứ 9 trong danh sách 80 quốc gia xuất khẩu động vật sống hợp pháp với 7,7 triệu động vật sống được xuất khẩu kể từ năm 1975. Đáng chú ý là 1/4 trong số này, tương đương hơn 2 triệu mẫu vật sống là loài cá rồng (Scleropages spp.) nhằm phục vụ thị trường cá cảnh ở khắp Đông Nam và Đông Á. Đây cũng là loài động vật sống được xuất khẩu nhiều nhất trong 46 năm qua.

Indonesia: Nhộn nhịp buôn bán động vật hoang dã - Ảnh 1
Tê tê bị săn trộm tại Borneo, Indonesia. Nhu cầu về thịt và vảy tê tê được sử dụng trong y học cổ truyền ở Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy các loài tê tê đến nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: Paul Hilton/WildAid)

Mặc dù các hoạt động buôn bán này là hợp pháp và được giám sát bởi các cơ quan có thẩm quyền ở Indonesia. Tuy nhiên, các quốc gia có đa dạng sinh học phong phú như Indonesia nên cố gắng giảm thiểu điều này và tập trung nhiều hơn vào việc bảo tồn các hệ sinh thái – nơi các loài được tìm thấy, theo Sunarto, cộng sự nghiên cứu tại Viện Tài nguyên và Trái Đất bền vững thuộc Đại học Indonesia.

Cũng theo Sunarto, lợi nhuận từ xuất khẩu động vật sống nên được phân bổ để tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống. Nếu những khía cạnh bảo tồn không được đáp ứng thì việc có giá trị xuất khẩu lớn không phải là điều đáng tự hào. Thậm chí, cần xem đây là vấn đề cần được xem xét sâu hơn để có thể thực hiện những thay đổi phù hợp đối với các chính sách và thực hành trong quản lý động vật hoang dã trong cả môi trường tự nhiên, tại các cơ sở nuôi nhốt và trong quá trình buôn bán.

Một vấn đề khác cũng khiến giới bảo tồn quan ngại là sự nhập nhèm giữa buôn bán bất hợp pháp và buôn bán hợp pháp có thể đẩy một số loài đến nguy cơ tuyệt chủng, trong đó một số thị trường xuất khẩu chính từ Indonesia bao gồm châu Âu, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Malaysia và Singapore.

Chính phủ Indonesia đã thực hiện một số chính sách để điều chỉnh việc buôn bán động vật hoang dã bao gồm việc thúc đẩy nuôi nhốt các loài thường không bị loại bỏ khỏi tự nhiên. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn cho rằng điều này tạo cơ hội cho những đối tượng buôn lậu “rửa” động vật hoang dã bị đánh bắt bất hợp pháp bằng cách tuồn chúng vào các cơ sở nuôi nhốt như thể chúng được sinh ra ở đó vậy. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy gần 80% trong số 5.337 cá thể trăn cây xanh (Morelia viridis) xuất khẩu từ các cơ sở chăn nuôi từ năm 2009-2011 trên thực tế là bắt trong tự nhiên ở miền đông Indonesia.

Ngoài ra, sự chênh lệch đáng kể giữa số lượng động vật được xuất khẩu từ Indonesia từ nguồn nuôi nhốt và số lượng động vật mà các cơ sở chăn nuôi trong nước đăng ký hoặc có năng lực đáp ứng cũng cho thấy rõ sự đánh tráo này.

Nhìn lại hoạt động buôn bán ĐVHD của người Việt

Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã ở quy mô thương mại đã xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980, khi đất nước mở cửa. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam chuyển mình từ một nước chủ yếu xuất khẩu và trung chuyển hàng hóa động vật hoang dã trái phép sang đích đến phục vụ nhu cầu hưởng thụ của tầng lớp người giàu mới.

Không chỉ là nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong nước, ngày nay nhu cầu tiêu dùng động vật hoang dã của người Việt còn gây tác động tiêu cực lên thiên nhiên của các quốc gia khác, từ khu vực tiểu vùng Mê Kông cho đến châu Phi.  

Indonesia: Nhộn nhịp buôn bán động vật hoang dã - Ảnh 2
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã ở quy mô thương mại đã xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980. (Ảnh minh họa)

Mặc dù Việt Nam vẫn được xếp hạng 16 về chỉ số đo mức độ đa dạng sinh học nhưng số lượng các loài hoang dã đã giảm từ nhóm 10 xuống vị trí 32. Năm 1992, có 365 loài động vật bị xếp loại là Loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì đến năm 2004 con số này là 407 loài và chỉ 3 năm sau đó tăng lên 418 loài. Nhiều loài động vật đã bị tuyệt chủng và nhiều loài khác đang trên bờ vực tuyệt chủng tại Việt Nam. Loài tê giác một sừng bị tuyệt chủng năm 2010 khi cá thể cuối cùng bị bắn hạ tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, loài bò xám từ năm 1995 không có thêm thông tin, hay loài rùa Batagur được xác định đã tuyệt chủng trong tự nhiên.

Mặc dù trong 10 năm qua đã có rất nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng, buôn bán và trao đổi các sản phẩm từ động vật hoang dã ở Việt Nam, nhưng kết quả khảo sát trên mạng cho thấy các sản phẩm từ ngà voi vẫn được rao bán một cách công khai.

Do đó, cách tiếp cận đối với vấn đề cũng thay đổi từ việc tập trung vào nâng cao nhận thức, sinh kế của người dân tại các điểm nóng đa dạng sinh học sang chú trọng đến hành vi người tiêu dùng. Gần đây hơn là những sáng kiến chính sách, đầu tư nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, hướng đến các nhóm thu nhập cao và khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất hạn chế và nạn buôn bán vẫn không có chiều hướng giảm nhiệt.

Theo một số ý kiến, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, cần có những thay đổi trong văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Việt. Chỉ khi thay đổi lối sống văn minh hơn, nhân bản hơn, trân trọng những giá trị thiên nhiên mang lại, khi đó các loài động vật hoang dã mới có cơ hội tồn tại.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Indonesia: Nhộn nhịp buôn bán động vật hoang dã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới